Một người dân xã Đam Rông 1 kiến nghị về đất đai với lãnh đạo tỉnh (Ảnh: Nguyễn Nghĩa)
Tháng 5/2025, ông N.V.T, trú tại huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông cũ gửi đơn đến cơ quan chức năng với nội dung cho rằng, một cán bộ địa chính xã “có dấu hiệu nhận tiền bồi dưỡng” khi làm thủ tục tách thửa đất. Đơn được ông T ghi rõ đây là “đơn tố cáo tham nhũng”, đề nghị xử lý cán bộ này theo quy định. Tuy nhiên, qua xác minh ban đầu, nội dung ông T trình bày thực chất chỉ là phản ánh về thái độ, cách ứng xử của cán bộ khi tiếp dân, không có căn cứ rõ ràng về hành vi vụ lợi hay trục lợi. Việc ông T. nhầm lẫn giữa “tố cáo” và “phản ánh” khiến đơn thư phải chuyển qua nhiều cơ quan, mất thời gian xử lý, gây hiểu nhầm trong dư luận địa phương.
Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, dù đã có quy định tương đối rõ ràng, nhưng thực tế, nhiều người dân vẫn chưa phân biệt được khái niệm khi thực hiện “phản ánh”, “tố cáo” và “báo cáo” về hành vi tham nhũng. Việc không phân biệt rõ giữa “phản ánh”, “tố cáo” và “báo cáo” hành vi tham nhũng dẫn đến nhiều hệ lụy trong thực tiễn. Phổ biến nhất là nhiều đơn thư bị gửi sai thẩm quyền, nội dung không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý thông tin. Cơ quan chức năng mất thời gian xác minh lại từ đầu, làm chậm quá trình xử lý vụ việc. Thậm chí, có trường hợp người dân lầm tưởng đã “tố cáo” nên chờ đợi kết quả giải quyết, trong khi đơn chỉ mang tính chất phản ánh chung chung, không đủ căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật...
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 không giải thích từ ngữ cũng như không phân biệt sự khác nhau giữa “phản ánh”, “tố cáo” và “báo cáo” về hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành về giải thích đối với “phản ánh”, “tố cáo”, “báo cáo”, có thể thấy nhiều yếu tố khác biệt như sau: Tố cáo “là việc cá nhân, theo thủ tục quy định của Luật Tố cáo năm 2018, báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kì cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (Khoản 1, Điều 2, Luật Tố cáo năm 2018).
Kiến nghị, phản ánh “là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó” (Khoản 2, Điều 2, Luật Tiếp công dân năm 2013).
Báo cáo “là một loại văn bản hành chính (gồm văn bản giấy và văn bản điện tử) của cơ quan, tổ chức, cá nhân để thể hiện tình hình, kết quả thực hiện công việc nhằm giúp cho cơ quan, người có thẩm quyền có thông tin phục vụ việc phân tích, đánh giá, điều hành và ban hành các quyết định quản lý phù hợp” (Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/1/2019 quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước).
Cùng với khái niệm về tham nhũng trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, việc “phản ánh”, “tố cáo”, “báo cáo” về hành vi tham nhũng được hiểu như: Tố cáo tham nhũng là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Phản ánh tham nhũng là việc cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến hành vi tham nhũng. Báo cáo tham nhũng là trình bày sự việc, tình hình hoặc ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang khi phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình công tác.
H'Lai