Việt Nam đang nỗ lực giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Cùng với đó, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, vì vậy để thực hiện các mục tiêu nêu trên, việc phân bổ hạn ngạch phát thải vừa là yêu cầu, cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và triển khai thực hiện.
Hệ thống giao dịch phát thải (ETS) là một công cụ thị trường được Chính phủ sử dụng để kiểm soát và giảm dần lượng phát thải khí nhà kính (KNK) trong một số ngành, lĩnh vực hoặc trên toàn bộ nền kinh tế. ETS hoạt động theo nguyên tắc “đặt hạn mức (Cap) và giao dịch (Trade)”.
Cụ thể, Chính phủ sẽ đặt ra "hạn mức" là số lượng tối đa của hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong một khoảng thời gian xác định, phân bổ thành các hạn ngạch cho các cơ sở. Cơ sở chỉ được phép phát thải trong hạn ngạch phát thải khí đã nhận. Nếu cần phát thải vượt mức, họ phải lên ETS mua thêm hạn ngạch từ các cơ sở thừa.
Hạn ngạch là lượng khí nhà kính quy đổi sang CO2 mà cơ sở được cơ quan quản lý cho phép phát thải trong một khoảng thời gian nhất định
Quyết định 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng đã nêu rõ 2166 cơ sở thuộc 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính từ ngày 1/10/2024 bao gồm:
- Năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng; tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; khai thác than; khai thác dầu và khí tự nhiên.
- Giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải.
- Xây dựng: Tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng.
- Các quá trình công nghiệp: Sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác.
- Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất: Chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong công nghiệp.
- Chất thải: Bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải.
Phân bổ hạn ngạch phát thải có thể tạo ra những cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp. Sự thành công trong việc thích ứng với chính sách này sẽ phụ thuộc vào khả năng quản lý phát thải và đầu tư vào công nghệ xanh – phát thải carbon thấp của doanh nghiệp.
Trong cuộc trao đổi liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Hải - Giám đốc Kỹ thuật - Công nghệ mới, Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), cho biết, phân bổ hạn ngạch phát thải sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp đều chưa tiếp cận được các thông tin về phương pháp phân bổ hạn ngạch, chưa có hiểu biết đúng và đầy đủ về phân bổ hạn ngạch phát thải KNK.
Vì vậy, theo ông Hải, nhiều doanh nghiệp cho rằng phân bổ hạn ngạch phát thải có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp:
Khi thực hiện kiểm kê phát thải KNK, các doanh nghiệp sẽ phải trả chi phí để tuân thủ dẫn đến tăng chi phí sản xuất: bao gồm chi phí đầu tư công nghệ, biện pháp giảm phát thải để tuân thủ trần phát thải giới hạn được phân bổ; đồng thời nếu lượng phát thải của họ vượt quá hạn ngạch được cấp họ có thể phải mua thêm hạn ngạch hoặc tín chỉ bù trừ từ thị trường hoặc chịu phạt nếu vượt trần được cấp.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào công nghệ phát thải thấp hơn hoặc áp dụng các biện pháp giảm phát thải là một trong những giải pháp chủ động mà các doanh nghiệp có thể thực hiện để hạn chế chi phí tuân thủ.
Do đó, các doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh, quy trình sản xuất hiệu quả và phát thải carbon thấp nhằm giảm bớt lượng khí thải và tránh các chi phí phát sinh do vượt hạn ngạch. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn thúc đẩy sự cải tiến trong công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Kiểm kê khí nhà kính vừa là thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, ông Hải cũng cho rằng: Các doanh nghiệp có khả năng giảm phát thải hoặc ứng dụng các công nghệ giảm phát thải hiệu quả sẽ có lợi thế cạnh tranh rõ rệt, vì họ có thể tối ưu hóa chi phí tuân thủ xuống mức thấp nhất. Ngược lại, các doanh nghiệp không thể giảm phát thải sẽ phải gánh chịu chi phí tuân thủ cao hơn, điều này làm giảm lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của họ.
Nâng cao hình ảnh thương hiệu và uy tín: Hình ảnh của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng nếu họ không tuân thủ các quy định về trần phát thải. Những doanh nghiệp thực hiện tốt việc kiểm kê khí nhà kính và triển khai các giải pháp giảm phát thải sẽ góp phần nâng cao hình ảnh và thương hiệu của mình trên thị trường. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng những sản phẩm có tác động môi trường tích cực.
Doanh nghiệp thực hiện tốt kiểm kê khí nhà kính góp phần nâng cao thương hiệu, uy tín.
Theo ông Hải, doanh nghiệp có thể gặp rủi ro về pháp lý nếu không tuân thủ hạn ngạch phát thải. Họ có thể phải đối mặt với các hình phạt hoặc bị phạt tiền, thậm chí bị hạn chế trong hoạt động sản xuất. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch kinh doanh lâu dài của họ.
Đặc biệt, trong một số ngành công nghiệp, nếu hạn ngạch phát thải quá nghiêm ngặt hoặc trần phát thải quá thấp, doanh nghiệp sẽ phải thay đổi chiến lược kinh doanh, chẳng hạn như chuyển sang sản xuất các sản phẩm ít phát thải hơn hoặc tái cấu trúc hoạt động sản xuất để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và tài nguyên.
Phân bổ hạn ngạch phát thải không chỉ đặt ra thách thức cho doanh nghiệp, mà còn mở ra nhiều cơ hội. Doanh nghiệp có thể giảm phát thải khí nhà kính thấp hơn hạn mức quy định và bán tín chỉ carbon dư thừa cho các doanh nghiệp khác. Không những thế, đây còn là cơ hội tiếp cận thị trường mới - thị trường carbon quốc tế, mở ra cơ hội xuất khẩu tín chỉ carbon cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hà An