Được biết, ngày 4/4/2025, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 20/2025/NQ-HĐND quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó, phạm vi hỗ trợ là các địa phương sản xuất lúa đối với đất chuyên trồng lúa; đất trồng lúa còn lại (trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa) và đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao, thuê hoặc cấp đất trồng lúa sản xuất ổn định, trực tiếp tham gia sản xuất. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được giao nhiệm vụ đánh giá tính chất lý, hóa học; xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng vùng đất chuyên trồng lúa theo định kỳ 5 năm/lần; xây dựng các mô hình điểm trình diễn về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất lúa (giống mới, quy trình sản xuất, công nghệ mới) làm cơ sở chuyển giao cho các địa phương triển khai nhân rộng và hỗ trợ mua bản quyền sở hữu giống lúa được bảo hộ.
Trong đó, định mức hỗ trợ sử dụng 90% kinh phí trung ương hỗ trợ tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện bảo vệ đất trồng lúa theo định mức 1,35 triệu đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa; 675 nghìn đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại (trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa) và hỗ trợ thêm 1,35 triệu đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Sử dụng 10% kinh phí trung ương hỗ trợ tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP và nguồn thu từ nộp tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa khi chuyển từ đất chuyên trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP để bố trí cho các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ.
Ngọc Trang