Chiều 14/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật
Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh cho hay trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm, góp ý về nhóm chính sách đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Nhiều ý kiến kiến nghị chỉ nâng mức tiêu chí dự án quan trọng quốc gia (thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội) lên gấp 2 lần như các nhóm dự án A, B, C, thay vì nâng lên gấp 3 lần (lên 30.000 tỷ đồng) như trong dự thảo.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án từ HĐND sang UBND trong dự thảo là sự thay đổi lớn, cần nghiên cứu đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện, đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh
Dự thảo Luật cũng sửa đổi về nội dung thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) vốn ngân sách trung ương (NSTW) giữa các bộ, cơ quan trung ương (thay vì thẩm quyền này là của UBTVQH như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành), điều này dẫn dến chưa thống nhất giữa cấp quyết định và cấp quyết định điều chỉnh KHĐTCTH. Do đó, nhiều ý kiến chưa đồng tình với nội dung này và đề nghị giữ thẩm quyền như luật hiện hành.
Theo Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh, ý kiến của các đại biểu tương đồng với ý kiến của UBTCNS được thể hiện trong báo cáo thẩm tra, chưa thống nhất với ý kiến Chính phủ trình do băn khoăn về ảnh hưởng đến phân công kiểm soát quyền lực giữa cơ quan dân cử (HĐND) và cơ quan quản lý nhà nước (UBND).
Cùng với việc sửa đổi về nội dung thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh KHĐTCTH, tại khoản 6 Điều 52 của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng bổ sung quy định danh mục dự án KHĐTCTH chỉ là “danh mục dự án dự kiến”. Theo đó, việc điều chỉnh KHĐTCTH sẽ được thực hiện thường xuyên hơn để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tuy nhiên, từ ý kiến đại biểu và báo cáo thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền và đã được lãnh đạo chủ chốt kết luận thống nhất với nội dung trình của Chính phủ về 3 nội dung này.
Từ những vấn đề nêu trên, UBTCNS đã thảo luận và thống nhất giải trình, tiếp thu theo hướng thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, báo cáo Quốc hội đồng thuận với phương án Chính phủ trình.
Theo đó, để thực hiện tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, nhằm tăng cường tính linh hoạt trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện, UBTCNS báo cáo Quốc hội xin phép cho giữ nguyên các quy định trên như dự thảo Chính phủ trình.
Trong khi giữ nguyên các quy định phân cấp, dự thảo luật cũng đã tiếp thu ý kiến đại biểu về quy định hạn mức 20% đối với các dự án qua hai kỳ trung hạn. Trong quá trình góp ý, một số ý kiến đề nghị cân nhắc về việc nâng hạn mức chuyển tiếp cho các dự án thực hiện trong 2 kỳ KHĐTCTH liên tiếp từ 20% KHĐTCTH lên 50% do có thể ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn của giai đoạn sau.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực UBTCNS thống nhất với phương án của Chính phủ, quy định “Trường hợp các chương trình, dự án thực hiện qua hai kỳ KHĐTCTH liên tiếp vượt trên mức 20%, cấp có thẩm quyền báo cáo để được phép quyết định vượt mức, nhưng không được vượt quá 50% số vốn KHĐTCTH giai đoạn trước”.
Do đó, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng tiếp tục giữ quy định về hạn mức 20%. Cụ thể, trường hợp chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 2 kỳ KHĐTCTH liên tiếp, cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có trách nhiệm bảo đảm tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong KHĐTCTH giai đoạn sau không vượt quá 20% số vốn KHĐTCTH giai đoạn trước theo từng nguồn vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương.
Đồng thời, bổ sung quy định đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia không áp dụng theo “hạn mức 20%” nêu trên mà thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội.
Phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản thống nhất với các nội dung lớn giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Về việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, C từ HĐND các cấp giao cho UBND các cấp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cụ thể hóa và triển khai thực tế việc phân cấp này.
Quang cảnh phiên họp.
Ủng hộ việc cải cách, rút gọn thủ tục đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định rằng việc giao Chính phủ thực hiện nhiệm vụ cải cách, đổi mới phải đi đôi với việc đưa ra giải pháp hiệu quả trong quản lý, điều hành, đồng thời tăng cường giám sát. Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao để đảm bảo mọi hoạt động đều tuân thủ đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Phát biểu về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, khi phân cấp phân quyền thì nơi được phân cấp cũng phải có năng lực thực hiện và Chính phủ sẽ chú ý điều đó khi triển khai.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất hoàn thiện dự thảo Luật để thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Các cơ quan cần tục rà soát để tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện báo cáo bảo đảm chất lượng, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, không để xảy ra vướng mắc khi thực hiện và các vấn đề liên quan đến điều kiện chuyển tiếp.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm thực hiện chủ trương đổi mới của Nhà nước, của Quốc hội trong công tác xây dựng luật, trên tinh thần đổi mới công tác xây dựng pháp luật, trong giai đoạn mới, bảo đảm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với việc kiểm soát quyền lực và lưu ý vấn đề thực thi Hiến pháp./.
Hoàng Yến