Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm là định hướng quan trọng trong việc đổi mới thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương. Phân cấp, phân quyền không phải đến bây giờ mới được đề cập. Ngay tại Điều 52, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: “Thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước”. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế còn có phần hạn chế. Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cũng thẳng thắn chỉ ra thực trạng: “Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ”. Điều này đã làm giảm sự chủ động, sáng tạo, cản trở phát triển, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong quản lý nhà nước.
Nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, thời gian qua, toàn hệ thống chính trị đã tập trung đẩy mạnh cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy cũng như xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống. Một trong những nội dung quan trọng là đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý trong tổ chức chính quyền các cấp để tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế. Trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, đã có riêng một chương (Chương III) quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp. Nhiều nguyên tắc cụ thể về phân cấp, phân quyền đã được đặt ra như: Chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành các chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực của địa phương; chính quyền địa phương cấp huyện, xã được ban hành các chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn; chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định các vấn đề của địa phương đã được luật quy định…
Tinh thần chung trong xây dựng bộ máy hiện nay là tăng cường trao quyền cho chính quyền địa phương.
Trao quyền để phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động và bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, song hành với đó phải siết chặt trách nhiệm, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Đặc biệt, phải đẩy mạnh việc kiểm soát quyền lực. Nếu không, rất có thể việc phân cấp, phân quyền sẽ trở thành nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Quan điểm chung là tiếp tục xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của chính quyền các cấp. Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm phải làm là: Thứ nhất, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, phát huy tính dân chủ, tăng cường tự phê bình và phê bình, giữ vững mối liên hệ mật thiết với nhân dân; chủ động nhận diện và kiên quyết đấu tranh với các hành vi, biểu hiện xa rời nguyên tắc hoạt động của Đảng. Thứ hai, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tinh thần trách nhiệm cao, trong sạch, trách nhiệm, hết lòng vì Đảng, vì nước, vì dân. Thứ ba, kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh, kiểm tra, kiểm toán, điều tra; chú trọng công tác tự kiểm tra nội bộ nhằm chủ động phát hiện, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn, không để vi phạm nhỏ trở thành sai phạm lớn; kịp thời giải quyết các thông tin tố cáo, kiến nghị, phản ánh đối với các hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong thực thi quyền lực. Đối với các hành vi vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm minh bằng các biện pháp kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo đúng tính chất, mức độ sai phạm. Thứ tư, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung về công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý, điều hành hoạt động của chính quyền các cấp; tăng cường trách nhiệm giải trình, kiểm soát xung đột lợi ích. Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN, các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát và các quyền lực nhà nước khác theo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Mục tiêu cao nhất khi tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương là tạo sự thông thoáng, thuận lợi, tránh lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Bởi vậy, việc phân cấp, phân quyền phải bảo đảm sự rõ ràng, thực chất và triệt để, gắn với kiểm soát chặt chẽ quyền lực, kiên quyết không để “đất trống” cho tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nảy sinh!
Anh Tú