Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để đầu tư công 'thuận buồm xuôi gió'

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để đầu tư công 'thuận buồm xuôi gió'
3 giờ trướcBài gốc
Sáng 6/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Quyết định chủ trương đầu tư và quyết định tổ chức triển khai nên giao cho 2 cơ quan
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhất trí với chủ trương cũng như nhiều đề xuất sửa đổi trong dự án Luật liên quan đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cùng với việc giao quyền cho các cơ quan cấp dưới, đặc biệt là cho địa phương để thực hiện đúng chủ trương mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội đã đề cập nhiều lần là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, thì cũng cần phải bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Đồng thời cần tăng tính công khai, minh bạch trong quyết định các nội dung về đầu tư cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan được giao thẩm quyền quyết định.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội). Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ đề nghị chuyển thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương từ HĐND sang cho UBND các cấp (khoản 7 và 8 Điều 18). Đối với vấn đề này, đại biểu cho rằng việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nên giao cho hai cơ quan khác nhau thực hiện để đảm bảo yêu cầu giám sát và kiểm soát quyền lực.
"Chúng ta đang giao cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương. Bởi vì HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương... Vậy nên việc HĐND quyết định chủ trương đầu tư, sau đó Chủ tịch UBND quyết định và tổ chức triển khai dự án đầu tư là một quy trình chúng tôi thấy rất hợp lý,” đại biểu nói. “Việc cho rằng đưa ra HĐND sẽ kéo dài thời gian cũng chỉ là một cách giải thích và đã có những giải pháp để khắc phục việc này rồi.
Theo đại diện TP Hà Nội, đề xuất trong dự án Luật quy định tiêu chí phân loại dự án nhóm B, nhóm C theo tổng mức đầu tư cũng sẽ có độ giãn rất lớn, từ dưới 90 tỷ đồng đến 4.600 tỷ đồng đối với một dự án tùy theo lĩnh vực. Bà cho rằng, căn cứ vào lĩnh vực đầu tư, quy mô, tính chất, tổng mức đầu tư của dự án, HĐND hoàn toàn có thể giao UBND quyết định chủ trương đầu tư trong một số lĩnh vực, một số trường hợp phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương như quy định tại khoản 7 Điều 17 của Luật hiện hành.
Bà cũng nhận định quy định như vậy để các địa phương chủ động, linh hoạt trong điều hành và hợp lý hơn so với việc giao toàn bộ thẩm quyền này cho UBND.
"Do đó, tôi đề nghị không nên sửa nội dung quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương như đề xuất nêu trên. Nhất là khi chưa lấy ý kiến HĐND các cấp, cũng như chưa chỉ rõ được thời gian chờ phê duyệt dự án tại HĐND chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thời gian chuẩn bị, triển khai dự án và có phải là nguyên nhân chính của việc chậm triển khai các dự án đầu tư công hay không,” đại biểu nhấn mạnh.
Không thể phân cấp, phân quyền xong "buông xuôi"
Đại biểu Phạm Văn Hòa (ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Cũng đóng góp ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Phạm Văn Hòa (ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho biết, trong dự án sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, phân cấp, phân quyền cho các bộ, Chủ tịch UBND các cấp, đặc biệt là phân quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh lại phân quyền cho cấp huyện và cấp xã, đối với những trường hợp dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C.
Từ trước đến nay, đầu tư công được giao cho Trung ương, theo đó Trung ương là chủ dự án, chủ đầu tư. Tuy nhiên, lần sửa đổi này phân cấp cho cấp tỉnh, mà trước đây là phân công cho HĐND cấp tỉnh quyết định. Dự án Luật lần này chủ trương phân công cho UBND cấp tỉnh chứ không thông qua HĐND vì việc này có thể gây chậm trễ; thậm chí chủ đầu tư được phân tới tận cấp xã đảm nhiệm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc phân cấp, phân quyền mạnh trong Luật Đầu tư công sửa đổi là rất cần thiết, qua đó giúp cho việc đầu tư công “thuận buồm xuôi gió”, việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án trọng điểm của địa phương được nhanh gọn. Tuy nhiên, ông cho rằng các sửa đổi cũng cần phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
“Tôi rất đồng tình với việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ như vậy. Nhưng song song với đó, cấp trên cũng phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, với cấp dưới để tổ chức thực hiện, chứ không thể phân cấp, phân quyền xong ‘buông xuôi’. Điều này là rất nguy hiểm, ví dụ cấp dưới có thể làm không đúng, sai quy định dẫn đến phải xử lý về về hành chính hoặc xử lý hình sự. Tôi nghĩ rằng trong phân cấp, phân quyền bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong dự thảo Luật đã quy định rõ,” ông Phạm Văn Hòa cho hay.
Đề cập đến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đại biểu cho biết Luật cũ quy định Nhà nước chỉ đầu tư không quá 50% tổng vốn đầu tư. Nhưng trong dự án Luật sửa đổi lần này, đối với những công trình và những dự án có giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân ở mức cao, Nhà nước có thể đầu tư tới 70% tổng số vốn.
Theo đại biểu, đây là một điểm đáng chú ý về việc bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư. Nhà đầu tư bỏ vốn 30% sẽ được hưởng lợi nhuận 30%, nếu bỏ vốn cao hơn sẽ được hưởng cao hơn. Điều này được thực hiện rất rõ ràng, phân chia cụ thể, minh bạch. Bên cạnh đó, nếu dự án thua lỗ, Nhà nước cũng sẽ bù vào giúp nhà đầu tư không bị thiệt thòi nhiều.
Đại biểu cho biết, việc bù lỗ này của Nhà nước phải công khai, minh bạch, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Ông cũng nhấn mạnh việc đảm bảo quyền lợi giữa nhà đầu tư, người dân và nhà nước cần có sự hài hòa.
Đỗ Thảo
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/phan-cap-phan-quye-n-manh-me-de-dau-tu-cong-thuan-buom-xuoi-gio-35336.html