Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Nếu địa phương được giao nhiệm vụ mới, cần đồng thời được điều chỉnh về tổ chức bộ máy, nhân lực, thiết bị và kinh phí - Ảnh: VGP/MK
Phó Thủ tướng nêu rõ, vấn đề phân cấp, phân định thẩm quyền hiện đang được thực hiện thông qua việc sửa đổi các luật lớn như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hai đạo luật này xác lập nguyên tắc chung về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong thực tiễn, còn hàng trăm luật chuyên ngành khác cũng quy định nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ, bộ, ngành và địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thảo luận, làm rõ phương pháp, nguyên tắc phân công nhiệm vụ giữa hai cấp chính quyền, cũng như việc điều chuyển nhiệm vụ từ cấp huyện sang cấp xã hoặc lên cấp tỉnh; rà soát, điều chỉnh các quy định trong hàng trăm luật chuyên ngành liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành... để thực hiện phân cấp phù hợp.
"Những nội dung đã rõ, đã "chín", đủ điều kiện thực thi thì nên tiến hành phân cấp, phân quyền. Nhưng những nội dung còn chưa được đánh giá kỹ, chưa có đủ cơ sở thì cần hết sức thận trọng, không nóng vội sửa luật hay đưa vào nghị định", Phó Thủ tướng nói.
Chỉ thực hiện với những nội dung đã rõ, đã "chín"
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hải Long cho biết, nguyên tắc phân cấp, phân định thẩm quyền sau khi bỏ cấp huyện là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp thì chuyển xuống cấp xã; những nhiệm vụ có tính điều phối, tổng hợp hoặc quy mô lớn hơn thì chuyển lên cấp tỉnh.
Những nhiệm vụ đang thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng (quy định trong luật chuyên ngành), nếu đủ điều kiện thì sẽ phân cấp cho địa phương thực hiện.
Vì vậy, khi xây dựng dự thảo các nghị định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải làm rõ cơ sở pháp lý của từng hình thức giao quyền, tránh nhầm lẫn giữa phân cấp và ủy quyền, tránh vượt thẩm quyền quy định trong luật.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định quyết tâm hoàn thành việc sửa đổi các luật liên quan đến thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường sớm hơn 1 năm so với lộ trình của Trung ương đề ra - Ảnh: VGP/MK
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, sẽ có 3 nghị định được xây dựng liên quan đến phân định thẩm quyền, phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường: Phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai; phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực còn lại; phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực còn lại.
"Việc tách riêng nghị định về đất đai nhằm tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện, do đây là lĩnh vực đặc thù, phức tạp và chiếm phần lớn khối lượng công việc" Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho hay.
Trong lĩnh vực đất đai, Bộ đề xuất chuyển 65/66 thẩm quyền của cấp huyện xuống cấp xã, còn nội dung liên quan đến địa bàn liên xã là giao đất mặt nước ở các hồ lớn nằm trên nhiều xã, sẽ được chuyển thẩm quyền về cấp tỉnh để thực hiện thống nhất.
Còn đối với những lĩnh vực quản lý khác, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất nguyên tắc những nhiệm vụ, thẩm quyền nào mang tính liên xã hoặc một xã không thể xử lý được thì chuyển về cấp tỉnh. Việc này bảo đảm quản lý hiệu quả với những vấn đề liên xã, giao thoa giữa các xã, trong khi vẫn tăng cường phân quyền cho cấp xã khi nhiệm vụ chỉ nằm trong phạm vi một xã.
"Với các nhiệm vụ mang tính liên xã, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có hướng dẫn tổ chức theo mô hình các chi nhánh trực thuộc sở ở địa bàn liên xã như: Hạt kiểm lâm liên xã, trạm chăn nuôi và thú y liên xã, văn phòng đăng ký đất đai liên xã,… Các mô hình này vừa bảo đảm tính chuyên môn, vừa giảm thiểu bộ máy cồng kềnh ở cấp xã khi không cần thiết phải tổ chức lực lượng riêng cho từng xã", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.
Tại cuộc, lãnh đạo TP. Hà Nội, TPHCM, các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, An Giang, Hà Tĩnh… cơ bản thống nhất với các tiêu chí và nguyên tắc phân cấp, phân định thẩm quyền, ủy quyền cho chính quyền cấp tỉnh, cấp xã; kiến nghị một số nội dung liên quan đến phân cấp trong quản lý đất đai, thẩm định dự án đầu tư...
Lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề đặt ra khi thực hiện phân cấp, phân quyền như: Kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy tổ chức, con người… để theo kịp mốc thời gian có hiệu lực của các nghị định phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường; đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát việc phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các lĩnh vực có liên quan, bảo đảm đồng bộ, liên thông, không để xảy ra tình trạng bỏ sót, chồng chéo hoặc giao thoa về nhiệm vụ.
Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định nguyên tắc phân cấp, phân quyền phải gắn liền với phân bổ nguồn lực, gồm tài chính và biên chế. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn địa phương thực hiện tổ chức lại bộ máy, con người, cơ sở vật chất… sau khi ban hành các nghị định, trên cơ sở rõ ràng về số lượng thẩm quyền được chuyển giao. Đáng chú ý, Bộ Nông nghiệp và Môi trường với quyết tâm hoàn thành việc sửa đổi các luật liên quan đến thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường sớm hơn 1 năm so với lộ trình của Trung ương đề ra.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cơ bản thống nhất với các tiêu chí và nguyên tắc phân cấp, phân định thẩm quyền, ủy quyền cho chính quyền cấp tỉnh, cấp xã - Ảnh: VGP/MK
Tránh phân cấp, phân quyền theo kiểu "giao cho xong"
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận sự chủ động của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc rà soát, đề xuất nội dung phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đất đai, nông nghiệp, môi trường. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cả về nguyên tắc, tiêu chí lẫn điều kiện thực thi.
"Việc xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí trong phân cấp, phân quyền là yêu cầu bắt buộc, đặc biệt trong các lĩnh vực đặc thù như nông nghiệp và môi trường", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng, những nhiệm vụ liên quan đến cơ chế, chính sách chung của cả nước, như: Xây dựng luật pháp, chiến lược, quy hoạch tổng thể, các dự án trọng điểm quốc gia, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… thì cần giữ ở cấp Trung ương, thuộc thẩm quyền Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.
Các quy định hành chính cụ thể, mang tính chuyên môn kỹ thuật như tiêu chuẩn, quy chuẩn, đơn giá định mức kỹ thuật... có thể phân cấp, phân quyền cho bộ trưởng, trưởng ngành.
Những nhiệm vụ mang tính thực thi cụ thể trên một địa bàn, không có yếu tố liên tỉnh, liên ngành thì giao cho cấp tỉnh là phù hợp. Nguyên tắc là "cấp nào gần dân, sát thực tiễn và đủ năng lực thì cấp đó làm". Địa phương có thể xây dựng quy định chi tiết hơn, phù hợp với thực tiễn, thậm chí chặt chẽ hơn, miễn là tuân thủ pháp luật, định hướng tổng thể quốc gia.
Ngay ở địa phương cũng cần phân định rõ phạm vi thẩm quyền HĐND, UBND và Chủ tịch UBND khi thực hiện phân cấp, phân quyền. Theo đó, HĐND tập trung vào việc quyết định định hướng chiến lược, chính sách dài hạn; còn UBND và Chủ tịch UBND là đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện trong tổ chức thực thi.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần quy định rõ cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng công việc dựa trên kết quả và mục tiêu cuối cùng, sau khi thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho địa phương.
Phó Thủ tướng lưu ý, phân cấp, phân quyền, ủy quyền chỉ thực sự hiệu quả nếu đi kèm với điều kiện bảo đảm thực hiện như: Nguồn nhân lực, tài chính, trang thiết bị, cơ sở pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật… Nếu thiếu đồng bộ, việc giao quyền sẽ dẫn tới rủi ro trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý. Trong trường hợp địa phương không đủ điều kiện thực thi, cần chủ động trao đổi lại với Trung ương để điều chỉnh, tránh tình trạng "giao cho xong" dẫn đến ách tắc hoặc đùn đẩy trách nhiệm.
Việc rà soát, đề xuất phân cấp, phân quyền phải thực hiện trong khuôn khổ Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành hiện hành; chỉ nên thực hiện đối với các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành đã hoàn thiện đầy đủ về cơ sở pháp lý, chính trị, công cụ hỗ trợ như quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức và công cụ kiểm soát.
"Phân cấp, phân quyền phải đi kèm với điều kiện thực thi cụ thể. Nếu địa phương được giao nhiệm vụ mới, cần đồng thời được điều chỉnh về tổ chức bộ máy, nhân lực, thiết bị và kinh phí. Chỉ phân cấp khi đã có đủ cơ sở pháp lý và công cụ hỗ trợ như quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức. Ngược lại, những nội dung mà cơ quan Trung ương chưa hoàn thiện như quy chuẩn, định mức, đơn giá… thì chưa thể giao cho địa phương mà cần tiếp tục xem xét, tính toán phù hợp", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Minh Khôi