Phân cấp quản lý đường bộ theo nguyên tắc '1 việc, 1 người chịu trách nhiệm'

Phân cấp quản lý đường bộ theo nguyên tắc '1 việc, 1 người chịu trách nhiệm'
6 giờ trướcBài gốc
Bỏ tư duy không biết thì cấm
Cụ thể là dự thảo Nghị định quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc áp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ (dự thảo Nghị định vận chuyển hàng hóa nguy hiểm).
Cùng với đó là Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ; Nghị định quy định về đào tạo và sát hạch lái xe; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ (dự thảo Nghị định quản lý đường bộ).
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương quản lý đường bộ theo nguyên tắc "một việc, một người chịu trách nhiệm" - Ảnh: VGP/Minh Khôi.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tư duy xây dựng, ban hành thể chế phải hết sức đổi mới, thay vì "không biết thì cấm" thì mạnh dạn phân cấp thí điểm những nội dung, chính sách mới nếu được thực tiễn chứng minh là đúng thì tổng kết, đưa vào những văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Các văn bản pháp luật, trong đó có nghị định, phải tạo ra không gian sáng tạo cho cơ quan quản lý, các bên tham gia thực hiện, cũng như giám sát quá trình thực hiện.
Thông tin về dự thảo Nghị định vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm cho biết dự thảo đã quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe...
Các đại biểu cơ bản thống nhất cao với nội dung các dự thảo nghị định (Ảnh: VGP/Minh Khôi).
Một số điểm mới của Nghị định là quy định rõ đơn vị thực hiện tập huấn, tiêu chuẩn người tập huấn, đối tượng được tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm; chuyển cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 5 và loại 8 từ Bộ Khoa học và Công nghệ sang Bộ Công thương.
Bộ GTVT đã rà soát điều chỉnh, bổ sung quy định các Mẫu phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải, xe bốn bánh có gắn động cơ; hoạt động vận tải trung chuyển hành khách, và rà soát, chỉnh sửa kỹ thuật soạn thảo văn bản phù hợp, thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan.
Phó thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, hoàn thiện quy định đăng ký, quản lý điều kiện, tiêu chí phương tiện và người tham gia hoạt động kinh doanh vận tải, tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia; xây dựng tiêu chí, nhóm điều kiện để thí điểm hoạt động đối với các phương tiện giao thông mới, không được "không biết thì cấm".
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần nghiên cứu các quy định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin giám sát hành trình, tốc độ của các xe ô tô khách chạy tuyến cố định; quy hoạch đầy đủ, phù hợp các trạm, điểm dừng nghỉ; quản lý số lượng xe ô tô khách chạy tuyến cố định theo lưu lượng hành khách… bảo đảm an toàn, cạnh tranh lành mạnh.
Rõ nguyên tắc "một việc, một người chịu trách nhiệm"
Về dự thảo Nghị định đào tạo lái xe, cơ quan soạn thảo đã bổ sung thêm hình thức đào tạo lái xe khác (tự học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn); loại hình, nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo lái xe; tổ chức bộ máy, loại hình, nhân lực của trung tâm sát hạch lái xe; sân tập lái dùng để sát hạch lái xe mô tô…
Bộ GTVT cũng đã rà soát các quy định về điều kiện của xe tập lái; yêu cầu khám sức khỏe định kỳ của đội ngũ giáo viên dạy thực hành lái xe.
Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị bổ sung đối tượng giáo viên dạy thực hành lái xe có bằng tốt nghiệp THPT, ngoài những người có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề theo quy định từ năm 2007 đến nay; rà soát, xem xét lại quy định cứng về diện tích diện tích sân tập lái mà theo khả năng đáp ứng học viên đào tạo.
Đối với dự thảo Nghị định về quản lý đường bộ, đã quy định rõ các điều kiện, tiêu chí đối với từng loại công trình kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý và phân cấp cho địa phương quản lý.
Các địa phương phải bảo đảm kết nối giao thông đồng bộ về tải trọng, phương tiện tham gia giao thông trên đoạn quốc lộ được giao với các tuyến đường bộ trong quy hoạch mạng lưới đường bộ và bảo đảm kết nối giao thông thuận lợi với các tuyến đường khác trong khu vực.
Bộ GTVT chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện việc đầu tư của các tỉnh theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được duyệt và việc bảo đảm kết nối giao thông.
Nghị định đã có các quy định chuyển tiếp việc thực hiện đối với quốc lộ phân cấp cho UBND cấp tỉnh quản lý; quốc lộ Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh quản lý để công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng được thực hiện liên tục, đảm bảo an toàn kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, an toàn giao thông trên hệ thống quốc lộ.
Về quản lý đường cao tốc, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý, quy định thứ tự ưu tiên khi thỏa thuận phương án mở rộng, nâng cấp đường cao tốc theo nguyên tắc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chỉ định nhà đầu tư hiện hữu hoặc Nhà nước thực hiện.
Việc nghiên cứu đầu tư trạm dừng nghỉ phải được thực hiện đồng thời trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc mới từ khi Luật Đường bộ có hiệu lực (ngày 1/1/2025).
Các tuyến đường bộ cao tốc đã đầu tư xây dựng trước khi Luật Đường bộ có hiệu lực mà chưa có trạm dừng nghỉ, dự thảo Nghị định đã quy định lộ trình đầu tư, hoàn thiện (Điều 57 dự thảo Nghị định).
Phó thủ tướng chỉ rõ nguyên tắc "một việc, một người chịu trách nhiệm" trong phân cấp quản lý đường bộ.
Theo đó, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành quy hoạch, chiến lược, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế của hệ thống giao thông đường bộ quốc gia, quốc tế phải bảo đảm tính đồng bộ thống nhất; quản lý thống nhất toàn bộ thông tin dữ liệu, thiết kế hệ thống để giám sát, điều hành tại từng tỉnh và cả nước, "địa phương làm, Trung ương quản lý".
Các địa phương được phân cấp đồng bộ, thống nhất, toàn diện trong quản lý các tuyến đường bộ từ quyết định đầu tư, ngân sách đầu tư, quản lý vận hành, duy tu bảo trì…; thiết kế chính sách bảo đảm khi phân cấp các địa phương đều có đủ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được phân cấp.
Địa phương có kinh tế phát triển thì chủ động bố trí ngân sách, vùng khó khăn thì có cơ chế điều tiết ngân sách từ Trung ương.
Trang Trần
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/phan-cap-quan-ly-duong-bo-theo-nguyen-tac-1-viec-1-nguoi-chiu-trach-nhiem-192241108184016102.htm