Phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

Phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
13 giờ trướcBài gốc
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2025/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa.
Nghị định này được xây dựng trên cơ sở cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền cho các địa phương và tạo thuận lợi cho việc triển khai các chính sách bảo vệ môi trường.
Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định số 05/2025/NĐ-CP là việc cắt giảm thủ tục hành chính, đặc biệt là nâng mức công suất lớn đối với một số loại hình sản xuất, bổ sung mức cận dưới của các yếu tố nhạy cảm về môi trường và mở rộng đối tượng phải cấp giấy phép môi trường.
Các biện pháp này nhằm giảm gánh nặng hành chính cho các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường tính linh hoạt trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Các quy định mới trong Nghị định thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, tích hợp các thủ tục hành chính vào một giấy phép môi trường duy nhất, từ đó giảm thiểu sự phức tạp trong quá trình cấp phép và thực hiện dự án.
Một điểm mới quan trọng trong Nghị định là việc bổ sung Điều 26a, quy định phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) từ Bộ Tài nguyên và Môi trường xuống UBND cấp tỉnh.
Cụ thể, 7 nhóm dự án được phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh, bao gồm các dự án đầu tư công không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các dự án chăn nuôi gia súc, giết mổ gia cầm, cũng như các dự án thuộc khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc thủy điện không thuộc thẩm quyền của cấp trung ương.
Việc phân cấp này sẽ giúp địa phương có quyền chủ động hơn trong việc kiểm soát các hoạt động đầu tư và bảo vệ môi trường. Đồng thời, điều này cũng giúp tăng cường hiệu quả quản lý môi trường tại các tỉnh, giảm thời gian xử lý hồ sơ và thu hút đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường.
Đồng thời thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc giảm bớt sự can thiệp của cấp trung ương và giao quyền chủ động cho các địa phương nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xanh và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Nghị định số 05 tiếp tục kế thừa và phát huy những điểm tích cực của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Luật này được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 10/11/2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Một trong những mục tiêu quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường là cải cách thủ tục hành chính, giúp giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 không chỉ có tác động đến việc cải cách thủ tục hành chính mà còn thiết kế một khung chính sách toàn diện và hài hòa với các quy định pháp luật về kinh tế-xã hội.
Cùng với các sửa đổi trong Nghị định số 05/2025/NĐ-CP, Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên quy mô toàn quốc.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/phan-cap-tham-quyen-tham-dinh-bao-cao-danh-gia-tac-dong-moi-truong-d239990.html