Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam vào tốp 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về công nghệ số

Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam vào tốp 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về công nghệ số
4 giờ trướcBài gốc
Ngày 15-1, tại Hà Nội, Bộ TT-TT chủ trì tổ chức thường niên Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: MIC
Cùng tham dự có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; cùng lãnh các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện các tổ chức nghiên cứu, đào tạo trong nước; hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhóm doanh nghiệp công nghệ số Make in Vietnam; chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số; tổ chức kinh tế - thương mại, nghiên cứu, đào tạo; một số tổ chức ngoại giao; tập đoàn công nghệ số đa quốc gia và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: MiC
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Make in Vietnam là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Make in Vietnam là một khẩu hiệu hành động. Make in Vietnam là một tinh thần, tinh thần tự cường, tinh thần làm chủ ứng dụng và làm chủ công nghệ, từ làm chủ ứng dụng tới làm chủ công nghệ. Make in Vietnam không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài, vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh.
Chương trình Make in Vietnam đã được 5 năm và 5 năm qua, giá trị Việt Nam trong công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 20% lên 32%. Năm 2024, giá trị Việt Nam trong 158 tỷ USD của ngành công nghiệp công nghệ số là 32%; và đặt mục tiêu giá trị Việt Nam đạt trên 50% vào năm 2030.
Đây là mục tiêu rất cao nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy gia công, thoát bẫy gia công là để thoát bẫy thu nhập trung bình. Trong 5 năm qua, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tăng 50%. Với 74.000 doanh nghiệp công nghệ số tại một quốc gia 100 triệu dân, Việt Nam thuộc quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên đầu người vào loại cao nhất trong số các nước đang phát triển.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp công nghệ số lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, CMC… đã trình bày tham luận; với nhiều nội dung về định hướng, chính sách và giải pháp phát triển trong giai đoạn tới về công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, 5G và hạ tầng số quốc gia; xây dựng thể chế, chính sách đột phá nhằm ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích, kêu gọi tập hợp sức mạnh trong phát triển doanh nghiệp công nghệ số; đề xuất các giải pháp nghiên cứu, làm chủ công nghệ số giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số Việt Nam và đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số đã và đang khẳng định vai trò động lực chủ chốt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới.
Đồng thời, chuyển đổi số mang tính chiến lược dài hạn, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia và củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, cần sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, sự đồng hành của doanh nghiệp, sự tham gia tích cực từ người lao động và toàn thể người dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Ảnh: MÍC
Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ số của Việt Nam thời gian qua. Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số đang ngày càng lớn mạnh. Ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Tổng Bí thư đánh giá cao sự đóng góp và vai trò của các doanh nghiệp số Việt Nam trong việc tạo ra những sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao chất lượng tăng trưởng và cải thiện đời sống người dân.
Trên tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ-TW “về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” vừa được Bộ Chính trị ban hành, được ví như với “khoán 10” trong nông nghiệp; Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở, trong giai đoạn tới, ngành và các doanh nghiệp công nghệ số phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, đây là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, có dung lượng lớn, băng thông rộng, đồng bộ và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối toàn quốc và phát triển kinh tế số.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, cần tăng cường chính sách thu hút nhân tài công nghệ cao, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực nội địa và tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu quốc tế. Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghệ số với sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức hỗ trợ.
Từng bước hình thành và phát triển các lĩnh vực kinh tế số như: Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển các giải pháp công nghệ ứng dụng vào quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy giao dịch điện tử và tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ thông tin cho người dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu, phấn đấu đến năm 2030, đưa Việt Nam vào tốp 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển công nghệ số, tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Mỗi doanh nghiệp công nghệ số phải tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển cao, đầy khát vọng và không ngừng nâng cao cả về số lượng và chất lượng nhân lực. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, thu hút thêm các tổ chức nghiên cứu và sản xuất công nghệ số vào Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa các sản phẩm công nghệ số của mình ra thị trường quốc tế.
Tống Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần có sự đồng lòng, quyết tâm và khát vọng mạnh mẽ hơn nữa; cần nhìn thấy đây không chỉ là cơ hội, mà là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp trong việc góp phần hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Các doanh nghiệp số tập trung xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự phục vụ lợi ích của người dân và của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Hãy tận dụng thế mạnh về trí tuệ, nguồn nhân lực và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cùng hào khí Việt Nam để góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Các cơ quan, doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ số tiêu biểu Make in Viet Nam giai đoạn 2019 -2024 được vinh danh tại diễn đàn. Ảnh: MIC
Vinh danh các đơn vị có sản phẩm công nghệ số tiêu biểu Make in Viet Nam
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa, vinh danh các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có sản phẩm công nghệ số tiêu biểu Make in Vietnam. Đây là sự ghi nhận đối với các cơ quan, doanh nghiệp đã có những sản phẩm công nghệ số tiêu biểu trong 5 năm vừa qua (2019-2024) được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam. Các cơ quan, doanh nghiệp được vinh danh gồm có: Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), VNPT, Viettel, FPT, CMC, MISA, Công ty RYNAN Technologies Vietnam và Công Ty TNHH Dịch vụ Tin học CEH.
TRẦN BÌNH
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/phan-dau-den-nam-2030-viet-nam-vao-top-3-nuoc-dan-dau-dong-nam-a-ve-cong-nghe-so-post777914.html