Theo Công văn số 942/BDN của Ban Dân nguyện, cử tri Cần Thơ kiến nghị Bộ GTVT sớm xúc tiến các thủ tục đầu tư Dự án đường sắt cao tốc từ TPHCM – TP Cần Thơ, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân các địa phương vùng ĐBSCL.
Trả lời kiến nghị của cử tri TP Cần Thơ, Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của cử tri TP Cần Thơ về việc sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối Cần Thơ - Trung tâm khu vực ĐBSCL với TPHCM.
Phối cảnh đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ (Nguồn: Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam)
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ có chiều dài khoảng 174km đi qua 6 tỉnh, thành phố, đường đôi, khổ 1.435mm, lộ trình nghiên cứu, đầu tư trước năm 2030.
Với vai trò quan trọng kết nối trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cung ứng hàng hóa của vùng ra thị trường tiêu thụ; thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị và quy hoạch mạng lưới đường sắt, hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phấn đấu khởi công trước năm 2030.
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ của đơn vị tư vấn, việc đầu tư đường sắt TPHCM - Cần Thơ là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trong tương lai, đồng thời đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững giao thông vận tải, tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động trên hành lang TPHCM - Cần Thơ, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Hướng tuyến của tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ tại quận Cái Răng), đi qua 6 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài hơn 174km. Trên tuyến bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe, chỉnh bị..., tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10 tỷ USD.
Minh Triết