Phân loại cấp tỉnh theo 3 cấp; cấp xã mới tiếp nhận 90 nhiệm vụ của cấp huyện

Phân loại cấp tỉnh theo 3 cấp; cấp xã mới tiếp nhận 90 nhiệm vụ của cấp huyện
3 giờ trướcBài gốc
Sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sửa đổi 02 Dự án Luật đặt ra yêu cầu rất cao trong bối cảnh cấp bách, cấp thiết khi thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy và biên chế.
Đây là những căn cứ cơ bản, quan trọng để vận hành toàn bộ nền công vụ của đất nước và chính quyền địa phương các cấp.
Thực tế, Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được sửa hồi tháng 2 nhưng trong bối cảnh chưa đặt vấn đề mô hình chính quyền 2 cấp. Sau đó, từ chủ trương của các cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện dự luật trên cơ sở nguyên tắc, triết lý đổi mới, cải cách thực sự bộ máy chính quyền địa phương và hoạt động công vụ.
"Vậy nên lần này, ban soạn thảo quyết định sửa căn bản, toàn diện dự luật với triết lý, tư duy cải cách, đổi mới, tiến bộ và phát triển", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Thêm vào đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đây là lúc đặt ra yêu cầu rất cao về quản trị quốc gia, xây dựng địa phương hiện đại, bộ máy hiệu lực, hiệu quả, đồng thời hướng đến mục tiêu cải cách nền công vụ. 02 dự luật được thiết kế đáp ứng được sự gắn kết, tạo ra sự cốt lõi, xuyên suốt, song hành với mục tiêu hướng đến là kiến tạo vào phát triển trong hoạt động lập pháp.
Phân loại tỉnh theo 3 cấp; 90 nhiệm vụ của cấp huyện chuyển về cấp xã mới
Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trọng tâm là xác lập mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thay thế cho mô hình 3 cấp hiện nay.
Trong khoảng 99 nhiệm vụ, quyền hạn của cấp Huyện sẽ chuyển 90 nhiệm vụ về cấp Xã và 9 nhiệm vụ còn lại chuyển lên cấp Tỉnh.
Khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chính phủ sẽ ban hành 25 nghị định về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền. Trong đó, ngày 9/5 tới phải hoàn thành báo cáo Bộ Chính trị về việc triển khai nhiệm vụ phân cấp, phân quyền.
Về việc phân loại đơn vị hành chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tới đây sẽ phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm có thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1, 2, 3 để tương ứng với từng điều kiện phát triển, quản trị địa phương.
Về số lượng đại biểu HĐND tỉnh, Bộ trưởng cho biết sẽ điều chỉnh theo diện tích tự nhiên, dân số của các địa phương, tối thiểu 55 Đại biểu HĐND và tối đa là 90 Đại biểu HĐND, phải đạt được cả hai mục tiêu là chất lượng và tinh gọn.
Về việc giao quyền khi khuyết Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng cho biết trong nền hành chính của nước ta thì UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có vị trí, vai trò rất quan trọng.
Nếu ủy quyền cho địa phương để Ban Thường vụ, HĐND thực hiện giao quyền sẽ không đảm bảo sự quản lý, quản trị của hệ thống hành chính quốc gia từ Trung ương đến địa phương.
Vì vậy, quy định này vẫn giữ như hiện hành, khi khuyết Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì HĐND có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Vấn đề này vừa qua do các địa phương không làm nhanh dẫn đến chưa kịp thời trong việc giao quyền Chủ tịch UBND.
Nguồn Chính Phủ : https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phan-loai-cap-tinh-theo-3-cap-cap-xa-moi-tiep-nhan-90-nhiem-vu-cua-cap-huyen-119250508123639533.htm