Máy móc tự động gom rác chưa qua phân loại tại nguồn đưa vào dây chuyên phân loại tại tại Khu liên hợp xử lý rác Biwase Bình Dương.
Thiếu đồng bộ trong quy hoạch điểm tập kết rác
Bình Dương đã chuẩn bị nhiều bước quan trọng để triển khai phân loại rác. Theo bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã có quyết định yêu cầu phân loại rác sinh hoạt bắt buộc từ ngày 31/12/2024. Kế hoạch của tỉnh cũng xác định lộ trình cụ thể, tập trung vào nâng cao nhận thức cộng đồng và xác định trách nhiệm của các cấp, ngành.
Từ năm 2023, Bình Dương đã triển khai tuyên truyền, đào tạo báo cáo viên và quy hoạch điểm tập kết rác. Năm 2024, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác, đồng thời xây dựng đơn giá dịch vụ thu gom và nghiên cứu bao bì chứa rác phù hợp. Mục tiêu đến năm 2025 là toàn bộ rác thải sinh hoạt trên toàn tỉnh được phân loại tại nguồn, với tỷ lệ phân loại đúng đạt trên 50%. Bên cạnh đó, Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không phân loại rác hoặc phân loại không đúng. Đây là biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy người dân thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác tại nguồn.
Dù có chính sách rõ ràng, việc phân loại rác tại Bình Dương vẫn gặp nhiều thách thức. Một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch điểm tập kết rác. Hiện, chỉ 5/9 địa phương có quy hoạch điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt, trong khi một số khu vực vẫn chưa có kế hoạch triển khai cụ thể. Ngay cả những nơi đã quy hoạch cũng gặp khó khăn về kinh phí xây dựng.
Nhân công làm việc trực tiếp phân loại rác vô cơ để thành sản phẩm có thể tái chế lại.
Theo ông Ngô Chí Thắng, Giám đốc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương (thuộc Tổng công ty BIWASE), hiện Khu liên hợp có công suất xử lý hơn 2.500 tấn/ngày, trong khi lượng rác thu gom khoảng 2.300 tấn/ngày. Điều này cho thấy hệ thống xử lý dư sức đáp ứng tốt nhu cầu, đặc biệt nếu rác được phân loại từ nguồn thì càng lý tưởng hơn nữa trong quá trình xử lý, giảm bớt quá trình phân loại lần hai tại khu xử lý.
Ông Thắng khẳng định, Tổng công ty BIWASE luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ thu gom rác phân loại tại nguồn khi có yêu cầu từ Nhà nước. Còn việc tổ chức thực hiện phân loại rác hiện nay là do chính quyền địa phương và người dân thực hiện.
Một số ý kiến cho rằng Tổng công ty BIWASE chưa có đủ xe chuyên dụng để thu gom riêng biệt rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế, còn tổ chức gom rác chung một xe. Về vấn đề này, ông Thắng khẳng định: Hiện, đơn vị có 280 xe thu gom có thể đảm bảo thu gom rác trong toàn tỉnh thải ra trong một ngày và không nhất thiết phải có nhiều xe tại một điểm trong cùng một thời gian. Theo kế hoạch, xe thu gom hoạt động theo lịch trình: hôm nay thu gom rác hữu cơ, ngày mai thu gom rác vô cơ. Do đó, việc dư luận cho rằng rác bị gom chung là chưa chính xác.
“Trong khi đó, có đề xuất việc sử dụng hai xe chuyên dụng cùng lúc cho một điểm thu gom là không cần thiết, vì làm tăng chi phí vận hành không đáng có”, ông Thắng chia sẻ.
Ngoài ra, Tổng công ty BIWASE cũng đã đầu tư công nghệ và nhân lực để phân loại lại rác sau khi thu gom, đảm bảo xử lý triệt để trước khi đưa vào các quy trình tái chế và sản xuất năng lượng. Nhờ đó, Bình Dương là tỉnh xử lý rác triệt để, không còn lượng rác phải chôn lấp, hướng đến một hệ thống xử lý rác thải hiện đại và bảo vệ môi trường bền vững.
Người dân chưa quen, chính quyền chưa quyết liệt
Rác sau khi qua dây chuyền phân loại còn loại rác vô cơ được chuyên qua dây chuyền do nhân công trực tiếp phân loại thêm 1 lần nữa để tái chế.
Theo ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, dù quy định phân loại rác tại nguồn đã có hiệu lực đầu năm 2025 và đã qua hơn một tháng, nhiều nơi tại Bình Dương vẫn chưa thực hiện đúng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện và nhận thức của người dân.
Hiện, nhiều địa phương vẫn chưa có kế hoạch triển khai cụ thể hoặc chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền mà chưa có biện pháp thực thi, kiểm tra và giám sát hiệu quả. Trong khi đó, người dân chưa thực sự hiểu và tuân thủ quy định. Nhiều hộ dân vẫn giữ thói quen vứt rác chung, cho rằng phân loại rác gây tốn kém, phức tạp và mất thời gian.
Việc bố trí các điểm tập kết rác cũng chưa đồng bộ trên toàn tỉnh. Hiện mới chỉ có 5/9 địa phương có quy hoạch điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt, trong đó các khu vực đô thị lớn vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, khiến việc thu gom thiếu tổ chức. Ngay cả những nơi có quy hoạch cũng gặp khó khăn do thiếu kinh phí triển khai.
Một vấn đề khác là phương tiện thu gom còn hạn chế. Việc thu gom từ hộ dân đến điểm tập kết chủ yếu do lực lượng dân lập thực hiện. Nhiều xe thu gom cũ, không đáp ứng yêu cầu phân loại, dẫn đến hiệu quả thu gom thấp.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 31/12/2024, quy hoạch điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại thành ba nhóm: Rác có khả năng tái chế, chất thải thực phẩm và rác thải khác. Điều 77 của Luật này còn quy định rằng đơn vị thu gom có quyền từ chối rác chưa phân loại và báo cáo cơ quan chức năng để xử lý.
Bao nilong được phân loại thành đống lớn tại Khu liên hợp xử lý rác Biwase Bình Dương.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, các đồ án quy hoạch đô thị đều phải có vị trí thu gom, tập kết rác. Ngành Xây dựng đã hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo hệ thống thu gom vận hành hiệu quả.
Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, để phân loại rác thành công, cần thực hiện đồng bộ bốn nhóm giải pháp: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp thu gom và xử lý rác; xây dựng hạ tầng đồng bộ; tăng cường chế tài xử phạt vi phạm; nâng cao nhận thức cộng đồng và đào tạo lực lượng thu gom.
Bình Dương có nhiều lợi thế để thực hiện phân loại rác, đặc biệt là hệ thống xử lý rác hiện đại tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương. Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết tỉnh đã xây dựng lộ trình cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng sở, ngành và địa phương. Việc ban hành đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác cũng đang được đẩy nhanh để áp dụng trong năm 2025.
Phân loại rác tại nguồn là bước quan trọng để hướng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, để nguồn rác thải được phân loại tại nguồn, cụ thể từng hộ dân, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng và chính sách, việc nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo động lực để người dân tham gia là yếu tố thuận lợi để thực hiện mục tiêu này. Nếu các giải pháp được triển khai đồng bộ và quyết liệt, Bình Dương hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu trong công tác phân loại rác tại nguồn.
Bài và ảnh: Dương Chí Tưởng (TTXVN)