Thế nhưng, đến nay đã qua thời gian quy định, công tác phân loại rác thải tại nguồn vẫn chưa đi vào cuộc sống, hầu hết người dân trên cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng vẫn lúng túng trong triển khai thực hiện.
Thực tế ở Hà Nội, đến thời điểm này mới dừng ở việc triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn 5 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm. Mục đích của việc này là tạo ra thói quen, thay đổi nhận thức của người dân về phân loại rác thải tại nguồn.
Tuy nhiên, kết quả đạt được còn khiêm tốn. Chẳng hạn, tại quận Hoàn Kiếm, sau khi thực hiện phân loại, lượng rác sinh hoạt giảm 2-2,8% so với trước... Chưa kể, rác thải sau khi phân loại có được thu gom, xử lý đúng quy định hay không cũng như hiệu quả của công tác này đến đâu, đến giờ vẫn chưa được đánh giá đầy đủ…
Đáng nói, hầu hết người dân hiện nay vẫn cho rằng, việc phân loại rác là do cơ quan quản lý và đơn vị vệ sinh môi trường chịu trách nhiệm thực hiện và phần đông còn thói quen tập hợp mọi loại rác thải vào chung một chỗ, không cần biết trong số này có những loại có thể đưa vào tái chế. Trong khi đó, doanh nghiệp vệ sinh môi trường lại có tâm lý bị động, trông chờ vào chính quyền địa phương, cơ quan quản lý ở công tác này.
Thực tế, đến ngày 1-1-2025, hầu hết đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa triển khai kế hoạch thu gom rác thải sau phân loại đến người dân; chưa đầu tư trang thiết bị máy móc, công nghệ thu gom, bố trí địa điểm thu gom rác thải sau phân loại..., dẫn đến lượng lớn rác thải phát sinh hằng ngày (khoảng 7.500 tấn) vẫn gom chung, đưa đi xử lý, gây lãng phí nguồn tài nguyên cũng như phát sinh nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Để thực hiện đúng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ngày 27-12-2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 4392/UBND-TNMT về việc triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phân loại rác thải tại nguồn gắn với nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố; ngày 31-12-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có văn bản hướng dẫn triển khai đồng bộ công tác phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Trong đó, thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ động, tích cực triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ ngày 1-1-2025. Thành phố giao các sở, ngành chức năng thực hiện hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện việc này; đồng thời xử lý khối lượng công việc phát sinh trong các gói thầu khi phân loại rác; bố trí, sử dụng kinh phí thực hiện phân loại rác...
Đáng chú ý, thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, đề xuất nâng cao hơn nữa các tiêu chí đấu thầu theo hướng hiện đại, tiên tiến, bảo đảm lựa chọn được đơn vị, tổ chức có đủ năng lực, chuyên nghiệp trong hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt…
Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những việc cơ bản và đơn giản để bước đầu giải bài toán bảo vệ môi trường. Do đó, ngoài sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các đơn vị chức năng, một vấn đề quan trọng hiện nay là chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp cố tình không chấp hành quy định. Bởi chỉ khi mỗi người nâng cao nhận thức, thấy được lợi ích nhiều chiều từ phân loại rác thải tại nguồn, khi ấy hành động ý nghĩa này mới thực sự đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và bền vững.
Hoàng Văn