Người dân tham gia thực hiện phân loại rác thải tại ngày hội "Đổi rác lấy quà" ở địa bàn phường Tam Thanh (mới)
Theo quy định tại Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1/1/2025, toàn dân có trách nhiệm phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) tại nguồn. Tuy nhiên, thực tế tại địa bàn tỉnh cho thấy, việc thực hiện quy định này còn nhiều lúng túng và hình thức.
Người dân vẫn "tiện đâu bỏ đấy"
Tại phường Lương Văn Tri (mới), gia đình bà Trần Thị Hiền ở khối Cửa Nam mỗi ngày thải ra khoảng 3kg rác sinh hoạt. Dù đã được tuyên truyền và hướng dẫn phân loại, bà Hiền thừa nhận vẫn chỉ tách riêng chai lọ nhựa, giấy để bán phế liệu. Các loại rác còn lại như gốc rau, túi nylon, vỏ sữa… vẫn gom chung một túi để đơn vị môi trường đến thu gom. Bà Hiền chia sẻ: Phân loại từng loại rác hữu cơ, vô cơ rất mất thời gian và diện tích. Rác nhà tôi ít nên tôi cứ để chung một túi cho tiện.
Tình trạng tương tự diễn ra tại khối 9, phường Đông Kinh (mới). Gần 460 hộ dân tại đây vẫn chưa thực hiện phân loại rác đúng quy định, dù đã được cán bộ khu phố và đơn vị thu gom rác hướng dẫn cụ thể. Trong các thùng rác công cộng, rác hữu cơ và vô cơ vẫn lẫn lộn: từ thức ăn thừa, túi nylon, vỏ hộp sữa, đến cả bàn ghế hỏng, chăn màn cũ…
Ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Chi bộ, Khối trưởng khối 9 cho biết: Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tuyên truyền qua các cuộc họp, chia sẻ thông tin trong nhóm Zalo tổ dân phố. Cán bộ khối phố đã nghiêm túc thực hiện nhưng người dân vẫn chưa chấp hành đúng. Rác thải vẫn để không đúng cách. Tôi nghĩ bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cần có chế tài xử phạt thì mới thay đổi được thói quen này.
Không riêng các hộ dân ở khối 9, phường Đông Kinh, nhiều hộ dân ở các xã, phường khác trong toàn tỉnh cũng chưa thực hiện phân loại rác. Một số người dân cho biết chưa được hướng dẫn cụ thể, trong khi số khác thì cho rằng lượng rác phát sinh ít nên không cần thiết phải phân loại.
Anh Hoàng Đình Dũng, chủ một quán ăn sáng trên đường Tạ Quang Bửu, phường Kỳ Lừa chia sẻ: Mỗi ngày, nhà tôi có hai thùng rác lớn từ thực phẩm thừa, giấy vệ sinh, túi nylon. Tôi không rõ đã được tuyên truyền chưa nhưng thú thực là chưa biết cách phân loại. Thức ăn thừa thì cho người đến xin về nuôi lợn, còn lại cứ gom chung lại rồi bỏ đi.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Môi trường, trong năm 2024, toàn tỉnh phát sinh gần 192.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, chỉ khoảng 149.000 tấn được thu gom và xử lý, đạt tỷ lệ 77,8%. Đáng chú ý, phần lớn rác được xử lý vẫn theo phương pháp chôn lấp, chiếm tới 75% tổng lượng rác thu gom.
Toàn tỉnh hiện có hơn 197.000 hộ dân, nhưng mới chỉ có khoảng 64.800 hộ thực hiện phân loại rác tại nguồn, đạt tỷ lệ 33%.
Triển khai còn chậm
Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 8/8/2024 về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhưng đến nay, việc thực hiện vẫn mang tính mô hình, thiếu chiều sâu. Toàn tỉnh mới triển khai 6 mô hình phân loại rác tại nguồn tại một số xã, phường nhưng phần lớn chỉ dừng ở việc thí điểm, chưa nhân rộng.
Được biết, từ tháng 8/2024 đến nay, các cơ quan, địa phương trong tỉnh đã tổ chức gần 20 hội nghị tập huấn, phát hành hơn 400 cuốn sổ tay hướng dẫn, tổ chức hơn 1.000 lượt tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, phát 500 tờ đề can và 1.000 kg túi ni lông dễ phân hủy; lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các ngày lễ kỷ niệm về môi trường nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng dân cư cùng chung tay thực hiện phân loại rác sinh hoạt; lồng ghép nội dung tuyên truyền vào trong các chương trình dạy học, các hoạt động ngoại khóa,…; tuy nhiên, hiệu quả vẫn rất khiêm tốn.
Nguyên nhân chính là do một số địa phương triển khai chậm, chưa có sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp cơ sở, chưa tạo được sức lan tỏa nhằm thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm của việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, nhất là khu vực nông thôn. Các xã, phường chưa có tổ giám sát, thậm chí nhiều cán bộ địa phương cũng chưa gương mẫu thực hiện. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý chưa đồng bộ, có nơi đã xuống cấp hoặc bất cập, không đáp ứng yêu cầu thực tế.
Ông Đồng Hải Âu, cán bộ Công ty TNHH Huy Hoàng, đơn vị thu gom rác tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh cho biết: Sau khi thực hiện phân loại tại nguồn, khối lượng rác giảm được khoảng 5 tấn/ngày. Tại các địa bàn đơn vị thu gom rác thải, chúng tôi đặt khoảng 6.000 thùng rác hai màu xanh và cam nhưng người dân vẫn cứ tiện thùng nào đổ thùng ấy, do đó khi đi thu gom, các xe vẫn phải thu rác không đúng theo quy định.
Xã Đồng Đăng (mới) hiện có 5.727 hộ dân với gần 24.000 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn hiện đạt khoảng 40%. Ông Hoàng Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Đồng Đăng cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2025, UBND xã đã tổ chức một hội nghị tuyên truyền về các quy định pháp luật liên quan đến phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, chỉ đạo các khu phố, các thôn phát hơn 2.500 tờ rơi hướng dẫn phân loại rác đến từng hộ dân, hộ kinh doanh và các cơ quan trên địa bàn. Tuy vậy, kết quả đạt được vẫn chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân còn hạn chế, một số cán bộ xã chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai, công tác tuyên truyền chưa tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ. Thời gian tới, xã sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị chuyên môn để tổ chức tuyên truyền sát thực hơn, kết hợp truyền thanh, nhóm Zalo tổ dân phố, lồng ghép vào các cuộc họp thôn, khu nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phân loại rác thải tại nguồn
Trao đổi về nhiệm vụ thời gian tới, ông Trần Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý môi trường và khoáng sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp tài liệu hướng dẫn cho địa phương, đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch số 190/KH-UBND. Chúng tôi cũng sẽ đánh giá hiệu quả từng mô hình để điều chỉnh phương pháp tuyên truyền cho phù hợp với thực tế từng vùng, từng nhóm đối tượng. Đối với các hộ dân chưa thực hiện, tỉnh sẽ tiến hành áp dụng các chế tài cứng rắn. Từ đó tạo áp lực, buộc người dân thay đổi thói quen. Cụ thể, những hộ dân không thực hiện phân loại rác tại nguồn có thể bị xử phạt hành chính, hoặc bị từ chối thu gom rác. Đây là giải pháp được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển rõ nét về nhận thức và hành vi.
MINH KHƯƠNG (Hoàng Hương)