Phân loại rác tại nguồn: Sau 3 năm chuẩn bị, nhiều địa phương vẫn lúng túng

Phân loại rác tại nguồn: Sau 3 năm chuẩn bị, nhiều địa phương vẫn lúng túng
14 giờ trướcBài gốc
Hạ tầng phục vụ công tác thu gom, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng nhu cầu. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Dù quy định về phân loại rác tại nguồn đã chính thức có hiệu lực từ ngày 31/12/2024, tuy nhiên theo đại diện Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), tính đến đầu tháng Bảy vừa qua, mới chỉ có 34 địa phương (trước khi sáp nhập các tỉnh, thành phố) thực hiện phân loại rác với quy mô nhỏ; 32 địa phương chưa ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đáng nói hơn là dù các địa phương đã có 3 năm chuẩn bị, thậm chí Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng đã cử cán bộ về một số địa phương hướng dẫn chi tiết, hỗ trợ kỹ thuật tổ chức thí điểm, song đến nay, việc triển khai tại nhiều nơi vẫn còn lúng túng.
Nhiều khó khăn, triển khai chậm trễ
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất ngày 31/12/2024 các địa phương phải thực hiện quy định phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Để thực hiện đồng bộ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành một số thông tư và văn bản hướng dẫn kỹ thuật để các địa phương triển khai. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai ở nhiều địa phương vẫn còn rất chậm trễ.
Thẳng thắn nêu thực trạng, bà Dương Thị Thanh Xuyến, đại diện Cục Môi trường cho biết trước khi Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực, một số địa phương đã thí điểm phân loại rác tại nguồn. Song do chưa có sự đồng bộ về hạ tầng thu gom, vận chuyển, việc phân loại rác mới thực hiện ở hộ gia đình, dẫn đến các mô hình phân loại rác không bền vững, không thành công.
Sau khi luật hiệu lực với các quy định mang tính bắt buộc, các địa phương đã bắt đầu triển khai phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên thực tế cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức từ chính sách tới cách tổ chức thực thi.
Dẫn số liệu theo thống kê, bà Xuyến cho biết tính đến trước ngày sáp nhập các tỉnh, thành phố, mới chỉ có 34/63 địa phương thực hiện phân loại, chủ yếu ở quy mô nhỏ, mang tính thí điểm, chưa được nhân rộng.
Công tác triển khai, phối hợp của các bộ, ngành liên quan và các địa phương cũng chưa đồng bộ, chưa tập trung vào các giải pháp cấp bách để chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đáng chú ý, trước thời điểm sáp nhập, còn 33 tỉnh, thành phố chưa ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; 32 địa phương chưa ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; 59 địa phương chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; 58 địa phương chưa ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong khi đây là những điều kiện rất quan trọng để có thể thực hiện phân loại rác thải rắn sinh hoạt.
Theo bà Xuyến, hiện các địa phương vẫn còn lúng túng trong áp dụng đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại. Đáng chú ý là một số định mức, đơn giá áp dụng địa phương chưa phù hợp; một số địa phương nông thôn, miền núi đòi hỏi phải có định mức, đơn giá đặc thù.
Nguyên nhân của vấn đề chậm trễ ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật và đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác, theo bà Xuyến là do thời gian qua, các địa phương tập trung vào sáp nhập tỉnh, thành phố và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp nên có tâm lý chờ sáp nhập xong mới ban hành. Lý do cơ bản là nếu ban hành trước thì sau sáp nhập cũng sẽ phải điều chỉnh vì không thể để tình trạng một tỉnh có 2-3 đơn giá khác nhau.
Rác ngổn ngang ven đường vẫn còn xuất hiện tại nhiều nơi. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Ngoài ra, một số khó khăn, bất cập khác được đại diện Cục Môi trường nêu ra như: Hạ tầng phục vụ công tác thu gom, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại hầu hết các địa phương hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đồng bộ với việc phân loại.
Cần phải tính đến đầu ra của rác
Phó Cục trưởng Cục Môi trường Hồ Kiên Trung cũng thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua, các địa phương đang trong quá trình vận hành bộ máy mới sau sáp nhập các tỉnh thành và vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp ở địa phương, nên nhiều nội dung quản lý môi trường cũng sẽ bị tác động và ảnh hưởng. Vì vậy cần phải sớm có giải pháp giải quyết nhanh chóng.
Một trong những nội dung cần phải thúc đẩy và liên tục thực hiện để không xảy ra tình trạng ùn ứ chất thải, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân, đó là công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố.
“Vì vậy, các địa phương cần sớm có cơ chế khuyến khích, ưu đãi để hình thành các doanh nghiệp tái chế ngay chính tại địa phương mình. Các địa phương cũng cần sớm hình thành ngành công nghiệp tái chế, để tiếp tục đẩy mạnh công tác phân loại, biến chất thải thành tài nguyên, xây dựng các mô hình quản lý, xử lý chất thải đô thị và nông thôn đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới,” ông Trung nêu quan điểm.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Đăng, giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cũng cho rằng để việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn hiệu quả, cần rất nhiều yếu tố đồng hành. Tại các địa phương hiện nay cũng đang thiếu một hệ thống thu gom và xử lý đồng bộ. Khi không có đầu ra phù hợp cho rác đã phân loại, chính sách có nguy cơ trở thành hình thức nếu thiếu hệ thống hỗ trợ đồng bộ.
Từ thực tế trên, ông Đăng cho rằng cần phải có một chiến lược đồng bộ, có lộ trình rõ ràng theo từng địa phương; có chính sách ưu đãi rõ ràng cho các tòa nhà, cụm dân cư phân loại tốt. Thậm chí, chính quyền địa phương nên xem xét mô hình thưởng - phạt theo cộng đồng, để tạo áp lực xã hội, thay vì chỉ trông chờ vào xử phạt cá nhân.
Đặc biệt là các địa phương cần phải tính đến đầu ra cho rác sau khi đã phân loại, đảm bảo rác được thu gom, xử lý đúng quy trình từ “gốc” tới “ngọn.”
Một vấn đề khác cần được quan tâm, theo Phó Cục trưởng Cục Môi trường Hồ Kiên Trung là trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là Nghị định về EPR). Đây là một chính sách hết sức có giá trị để thúc đẩy công tác tái chế, xử lý chất thải, biến chất thải thành tài nguyên.
“Trong thời gian qua, Cục Môi trường cũng đang từng bước triển khai cơ chế EPR, hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế tài chính hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải thực thi chính sách EPR. Dự thảo nghị định này hiện đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đăng tải công khai để lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các bên liên quan,” ông Trung chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Môi trường cũng nhấn mạnh thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc, thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/phan-loai-rac-tai-nguon-sau-3-nam-chuan-bi-nhieu-dia-phuong-van-lung-tung-post1050023.vnp