Phân loại rác tại nguồn: Thách thức lớn

Phân loại rác tại nguồn: Thách thức lớn
13 giờ trướcBài gốc
Dù Nghị định 45/2022 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 nhưng ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy ý thức phân loại rác tại nguồn của nhiều người dân TP HCM dường như không mấy cải thiện. Phần lớn họ "tiện đâu vứt đó" và chưa nắm chế tài.
Bất cập
Ngày 8-1, phóng viên tới những công viên lớn của TP HCM như 23 Tháng 9, 30 Tháng 4, Tao Đàn... Hình ảnh ở những nơi này thể hiện phần lớn thùng rác chỉ có một ngăn chung để chứa tất cả rác, từ lá cây, ly nhựa, túi giấy cho đến thức ăn thừa.
Nhiều người tới Công viên 30 Tháng 4 (quận 1) sau khi vui chơi, ăn uống thì rác đều bỏ chung vào 1 thùng .Ảnh: ÁI MY
Tương tự, nhiều tuyến đường và khu dân cư trong thành phố, tình trạng bỏ chung mọi loại rác vẫn phổ biến, bất kể thùng rác có phân chia ngăn hay không.
Đường phố, công viên đã thế, tại chung cư cũng vậy. Đại diện ban quản lý một chung cư ở quận 8 đưa ra dẫn chứng nhiều tòa chung cư thường sử dụng hệ thống ống xả rác tập trung về một phòng chứa ở tầng hầm. Điều này khiến việc cư dân phân loại rác tại căn hộ không thực sự đạt hiệu quả.
Đặc biệt, thói quen đổ rác không cố định giờ giấc và thiếu người giám sát khiến việc kiểm tra và bảo đảm thực hiện quy định trở nên khó khăn. "Đây rõ ràng là một điểm yếu cần được giải quyết trong hệ thống thu gom rác tại chung cư" - người này nhận xét.
Còn mơ hồ
Theo quy định tại Nghị định 45/2022, mỗi cá nhân và hộ gia đình có trách nhiệm phân loại rác tại nguồn, nếu vi phạm, mức phạt có thể lên tới 1 triệu đồng.
Một số người dân cho hay chưa hiểu rõ về cách thức phân loại rác. Chị Nguyễn Vũ Triều Tiên (SN 1994, ngụ quận 8) nói mới nghe tới quy định trên và chưa thể thực hiện. Chị Triều Tiên thừa nhận gia đình lúng túng trong việc hiểu và phân biệt rác hữu cơ, vô cơ...
Rác thải được thu gom chung, không thực hiện phân loại tại một chung cư ở quận 8 .Ảnh: CHÍ NGUYÊN
Bạn Nguyễn Ngọc Ân (SN 2001, ngụ quận 1) có ý kiến tương tự và nhận xét số lượng thùng rác phân loại ở các điểm công cộng quá ít, người dân hầu như chỉ vứt chung mọi thứ vào một chỗ.
Nhiều ý kiến khác góp ý việc triển khai phân loại rác cần kế hoạch cụ thể hơn. Thành phố phải đưa ra lộ trình hợp lý, linh hoạt, phù hợp đặc thù từng khu vực. Đồng thời, xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết về cách phân loại từng nhóm rác, giải thích rõ khái niệm và đặc điểm của mỗi loại để dễ hiểu hơn với đa số người dân.
Bên cạnh đó, nên trang bị đầy đủ phương tiện vận chuyển chuyên dụng nhằm kiểm soát tốt khâu thu gom và xử lý. Ví dụ, nên có xe chuyên thu gom chất thải thực phẩm riêng biệt để tránh lẫn lộn và nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống quản lý rác.
Người dân cũng đề xuất thành phố nên bắt đầu bằng những bước đơn giản để giảm tải khó khăn. Theo đó, thay vì phân loại thành 3 nhóm ngay lập tức, thành phố có thể khuyến khích chia rác thành 2 loại tái chế và không tái chế. Điều này mở đường cho việc áp dụng quy định chặt chẽ trong tương lai.
Dần khắc phục
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, điều 75 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình và cá nhân phải được phân chia thành 3 nhóm gồm chất thải tái sử dụng và tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải sinh hoạt khác.
Theo bà Mỹ, thành phố dự kiến thực hiện phân loại chất thải theo 3 nhóm với lộ trình phù hợp hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường và công nghệ xử lý rác hiện có, tuân theo hướng dẫn từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong năm 2025, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ rà soát khối lượng cũng như chất lượng chất thải thực phẩm tại địa phương. Đồng thời, việc phân loại thành 3 nhóm sẽ được áp dụng trước tiên cho một số đối tượng có lượng phát sinh chất thải thực phẩm lớn. "Sau đó, thành phố sẽ từng bước đánh giá hiệu quả thực hiện, tổng kết kinh nghiệm và mở rộng áp dụng cho các nhóm đối tượng còn lại trên toàn địa bàn" - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM thông tin.
Liên quan đến việc thu gom rác, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay hiện TP HCM có 6.314 phương tiện thu gom và vận chuyển, trong đó 4.077 đạt chuẩn (65%), còn lại 2.237 không đạt chuẩn. Nhu cầu chuyển đổi bổ sung là 1.776 phương tiện với 984 thùng 660 L, 792 ô tô từ vốn vay Quỹ Bảo vệ Môi trường TP HCM khoảng 219,45 tỉ đồng. Đến nay, thành phố chuyển đổi 145 phương tiện, duyệt vay cho 117 dự án với tổng số tiền duyệt vay 135,14 tỉ đồng.
Ngoài ra, việc xây dựng giá theo các quy định mới vẫn đang được Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai. Hiện tại, người dân vẫn đóng phí dịch vụ theo mức giá do UBND cấp huyện quy định cho từng địa phương cho đến khi có mức giá chung do UBND thành phố ban hành.
Hướng tới đô thị xanh, sạch, đẹp
Những thách thức về phân loại rác tại nguồn mà TP HCM đang gặp phải phần lớn do công tác quản lý rác chưa được thực hiện đồng bộ trong khi các chính sách hỗ trợ triển khai gặp nhiều hạn chế. Thành phố cũng chưa đầu tư đầy đủ vào hệ thống thùng rác phân loại, phương tiện thu gom cũng như các nhà máy xử lý rác hữu cơ, vô cơ riêng biệt.
Trên đường An Dương Vương (quận 5), dù có hướng dẫn phân loại rác nhưng việc bỏ chung vào một thùng vẫn phổ biến .Ảnh: ÁI MY
Nhiều ý kiến cho rằng phân loại rác là việc phức tạp và tốn thời gian, bên cạnh đó công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, thiếu những cơ chế khuyến khích rõ ràng hoặc chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Cơ sở hạ tầng hỗ trợ như thùng rác phân loại và các nhà máy xử lý hiện đại vẫn còn thiếu thốn trong khi sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp thu gom lại chưa đạt hiệu quả cao.
Những bất cập này đang cản trở nỗ lực bảo vệ môi trường và xây dựng TP HCM trở thành một đô thị xanh, sạch, đẹp.
ÁI MY - CHÍ NGUYÊN
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/phan-loai-rac-tai-nguon-thach-thuc-lon-196250108223801004.htm