Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống của người dân trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, việc phát triển cũng kéo theo số lượng rác thải ngày càng nhiều, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Đây là một trong những vấn đề bức xúc về môi trường ở Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh trên 60 ngàn tấn, tuy nhiên, chỉ khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng, số còn lại phần lớn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, một phần rất nhỏ là RTSH ở khu vực nông thôn được người dân tự tiêu hủy bằng cách đốt tại nhà. Việc xử lý rác thải không đúng cách tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, gây bức xúc đối với người dân sinh sống xung quanh.
Người dân chưa thật sự quan tâm
Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định từ ngày 1.1.2025, cả nước bắt buộc phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giảm áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác, vừa tiết kiệm chi phí xử lý, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc phân loại rác tại nguồn vẫn đang là bài toán khó. Không chỉ người dân còn nhiều bỡ ngỡ mà một số đơn vị thu gom, vận chuyển rác cũng gặp vướng mắc trong công tác chuẩn bị.
Xe thu gom rác thải sinh hoạt (ảnh minh họa)
Khi được hỏi về quy định phân loại rác thải tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 sắp được áp dụng từ đầu năm 2025, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh tỏ ra bất ngờ vì không biết, hoặc có biết thì cũng “mơ hồ” chưa biết phải thực hiện như thế nào cho đúng.
Bà V.T.N.A, ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành cho biết, trước đây khi xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bà cũng có nghe nói đến việc phân loại rác thải nhưng chưa biết phải phân loại như thế nào, thu gom làm sao.
Theo bà V.T.N.A, chưa nói đến việc phân loại rác thải, vấn đề hiện nay là làm thế nào nâng cao ý thức người dân để họ không vứt rác bừa bãi ra môi trường đã là cả một quá trình cố gắng của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, nếu có thực hiện việc phân loại rác thì việc đầu tiên là phải có xe chuyên dụng thu gom từng loại rác. Theo bà, hiện tại tất cả rác sinh hoạt thải ra, người dân đều cho vào một bao hoặc thùng, gồm đủ loại, từ túi ni-lông, thức ăn thừa, chai lọ thủy tinh, đến cả những đống lá cây, bẹ chuối, cành củi khô… để trước nhà đợi các xe thu gom rác đến thu gom vận chuyển đến bãi tập kết.
Bà N.T.O, ngụ ấp Trảng Sa, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng cho biết, hằng ngày RTSH của gia đình bà được bỏ vào thùng đặt trước cổng nhà, khoảng từ hai đến ba ngày sẽ có xe chuyên dụng đến thu gom. Còn việc phân loại rác thì bà chưa nghe nói nên cũng không biết việc phân loại sẽ như thế nào.
Theo bà N.T.O, hiện tại, rác thải của gia đình bà được phân làm hai loại, gồm rác là các loại giấy, kim loại vụn sẽ được để riêng để bán ve chai, còn lại là bao ni-lông, vỏ trái cây, rau cải được cho vào thùng để đơn vị thu gom, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Còn nhiều khó khăn
Theo một đơn vị thu gom RTSH trên địa bàn tỉnh cho biết, hiện nay công tác thu gom RTSH đang gặp nhiều vấn đề. Đó là việc chưa có quy hoạch hạ tầng, bố trí quỹ đất làm nơi tập kết rác tạm thời, nhiều nơi phải tận dụng lề đường chỗ không có nhà dân để tập kết, chờ xe chuyên dụng đến thu gom, dẫn đến bị người dân và báo chí phản ánh. Đơn giá áp dụng theo Quyết định số 16/2020/QĐ-UBND ngày 14.5.2020 về quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa bảo đảm thu nhập cho người lao động, cùng với đó là biến động về giá nhiên liệu, thời gian khấu hao…
Một vấn đề nữa là kinh phí bố trí cho hoạt động môi trường đã bị cắt giảm và hiện chưa có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ đổi mới công nghệ trong công tác thu gom chuyển đổi rác.
Đối với công tác phân loại rác tại nguồn, hiện nay doanh nghiệp chỉ mới cập nhật từ thông báo thí điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường. Công tác đầu tư phương tiện đáp ứng việc thu gom từng loại rác cũng rất khó khăn vì thiếu kinh phí.
Rác ứ đọng khá nhiều ở một miệng cống
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng khối lượng CTRSH được thu gom, vận chuyển và xử lý trên địa bàn tỉnh năm 2023 là 202.143,22 tấn, trong đó: khối lượng CTRSH đô thị được thu gom, vận chuyển và xử lý: 88.157,31 tấn/năm; khối lượng CTRSH nông thôn được thu gom, vận chuyển và xử lý: 113.985,91 tấn/năm. CTRSH trong thời gian qua được quản lý tương đối tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa tự nguyện đăng ký thu gom mà tự xử lý đốt hoặc chôn lấp trong khuôn viên nhà, đặc biệt là vùng nông thôn hoặc lén lút vứt rác bừa bãi nơi công cộng, khu vực vắng, đất trống. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn thói quen sử dụng vật liệu thay thế túi ni-lông, bao bì nhựa.
Hiện tại, việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH được giao cho chính quyền các địa phương ký hợp đồng với các đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển đến các khu xử lý trên địa bàn tỉnh. Dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn đã được mở rộng tới các vùng nông thôn, 9/9 đơn vị cấp huyện được ký kết hợp đồng với các đơn vị thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn. Các đơn vị thu gom và vận chuyển CTRSH được trang bị phương tiện, thiết bị phù hợp thu gom CTRSH tại từng hộ dân đã đăng ký thu gom rác thải chuyển đến nhà máy xử lý theo quy định.
CTRSH trên địa bàn tỉnh được thu gom đưa về các khu xử lý phù hợp với quy hoạch tỉnh theo Quyết định số 3069/QĐ-UBND gồm: Khu xử lý Tân Hưng của Công ty cổ phần Công nghệ Tây Ninh với quy mô công suất: giai đoạn 1 là 150 tấn/ngày; giai đoạn 2 là 300 tấn/ngày; ủ phân compost từ 100 - 120 tấn/ngày; thu hồi phế liệu 4 tấn/ngày; khu liên hợp xử lý chất thải rắn của Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương Việt Nam, quy mô thu gom, xử lý, tái chế và tiêu hủy rác thải các loại 300 tấn/ngày; sản xuất phân bón, quy mô 180.000 tấn/năm.
Cần thời gian để làm thay đổi nhận thức của người dân
Về phân loại CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác truyền thông, phổ biến kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Tỉnh mới triển khai tập huấn, hướng dẫn phân loại CTRSH, phân loại tại nguồn đối với các hộ gia đình, cá nhân. Việc này cần có thời gian tuyên truyền nhằm thay đổi ý thức, thói quen của người dân.
Trước đây, mô hình phân loại rác thải tại nguồn đã được triển khai thực hiện thí điểm tại một số địa phương nhưng chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Một số mô hình về phân loại rác thải tại nguồn đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với mô hình tổ phụ nữ thu gom rác, chuyển rác thành tiền, gom rác gây quỹ; tổ phụ nữ không rác, tiết kiệm xanh; tổ phụ nữ phân loại rác tại gia đình và mô hình tổ chức tập huấn phân loại rác, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình bằng chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ tạo chế phẩm vi sinh vật từ rác thải hữu cơ... Hội Nông dân thực hiện mô hình tổ dân cư tự quản thực hiện môi trường xanh, sạch, đẹp; Khu dân cư không có rác thải. Hội Cựu chiến binh tỉnh thực hiện mô hình nhà ở cựu chiến binh xanh, sạch, đẹp… Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện mô hình khu dân cư và tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh thực hiện mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa, đổi rác thải nhựa lấy cây xanh và quà...
Ý thức của người dân là yếu tố quyết định đến việc bỏ rác đúng nơi quy định cũng như việc thực hiện phân loại rác thải. Tuy nhiên, thói quen của nhiều người dân là tất cả các loại rác - bao gồm thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung một túi/thùng rác.
Vì vậy, phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết, có thể giúp người dân thu được nguồn lợi kinh tế từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được, đồng thời làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu xử lý rác tập trung và là việc làm thiết thực góp phần bảo vệ môi trường.
Thiện Đức