Thời gian qua, vấn đề phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn rất được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải… trong cộng đồng không phải là chuyện một sớm, một chiều.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Mới đây, Sở Tài nguyên và môi trường ( Sở TNMT) ban hành văn bản về việc triển khai quản lý chất thải rắn sinh hoạt và phân loại chất thải rắn sinh hoạt gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Sở TNMT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện trách nhiệm của địa phương về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, cũng như chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng để thực hiện lộ trình phân loại rác tại nguồn đồng bộ trên cả nước từ 1.1.2025.
Xe vận chuyển thu gọm chung các loại rác thải sinh hoạt đưa về nhà máy.
Triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường và Văn bản số 3895/UBND-KT ngày 29.11.2023 của UBND tỉnh về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Các tổ chức chính trị - xã hội; Đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố tiến hành đồng thời việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân đối với công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình; tổ chức đào tạo, tập huấn các lớp tuyên truyền viên.
Mỗi địa phương thành lập tổ, nhóm, đội tuyên truyền để vận động người dân theo từng địa bàn, khu vực tổ chức phân loại rác thải theo quy định, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân; việc tuyên truyền, vận động thực hiện bài bản, có chiến lược, thường xuyên và liên tục.
Công tác tuyên truyền phải tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức; xây dựng các chương trình, phong trào, chiến dịch, sự kiện truyền thông với quy mô và hình thức đa dạng, nhằm tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự chú ý đối với phong trào chống rác thải nhựa tổng thể; Thực hiện một số mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, lựa chọn mô hình phù hợp, đạt hiệu quả để nhân rộng;
Bố trí đầy đủ các điểm tập kết tạm thời (nếu có), thiết bị lưu chứa, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân để thu gom, phân loại đảm bảo theo quy định.
Các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải chưa đầu tư phương tiện thu gom rác thải khác nhau nên rất khó thay đổi thói quen người dân.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thu gom vận chuyển (đã trúng thầu) quy định thời gian, tần suất, tuyến thu gom, vận chuyển, chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo tối ưu về cự ly vận chuyển và tình hình giao thông tại khu vực, phù hợp với Quyết định số 34/2023/QĐ-UBND ngày 22.11.2023 về quy định tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo sắp xếp thời gian hoạt động của các điểm tập kết và các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo công tác vệ sinh môi trường.
Tuyên truyền, vận động 100% hộ dân đô thị đăng ký dịch vụ thu gom, xử lý rác; 75 % hộ dân nông thôn đăng ký dịch vụ thu gom, xử lý rác.
Cần mạnh dạn đầu tư thiết bị, phương tiện
Nói về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, không ít người dân chưa hình dung việc phân loại như thế nào. Ông Ngô Hoàng Mẫn, ngụ khu phố 4, phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành cho biết, rác thải sinh hoạt của gia đình ông từ trước đến nay đều được gom chung trong bịch nylon để trước nhà, hàng ngày có xe thu gom rác đến mang đi.
Cũng có người dân nắm được các quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn theo quy định. Tuy nhiên, có một thực trạng là tất cả các loại rác thải sinh hoạt đều gom lại một điểm để vận chuyển đi; và không có đơn vị nào hướng dẫn cho người dân phân loại rác thải tại nguồn.
Ông Phạm Hữu Hiếu, ngụ khu phố 1, phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành cho biết, rác thải được người dân để trước nhà, có nhiều tuyến đường xe rác không vào được nên công nhân phải dùng xe đẩy đi thu gom. Khi đó, tất cả các loại rác thải đều được công nhân đưa vào một xe rác đẩy đi. "Ngay cả đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng chưa phân loại rác thải sinh hoạt thì e rằng khó thay đổi được ý thức của người dân"- ông Phạm Hữu Hiếu phản ánh.
Thùng đựng rác thải công cộng trên các tuyến đường chưa được đầu tư chứa các loại rác thải khác nhau.
Đại diện Công ty Môi trường xanh Huê Phương cho biết, để thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn cần có sự vào cuộc đồng lòng của các hệ thống.
Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn cho người dân, các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt phải đầu tư thêm thiết bị, phương tiện chuyên dụng thu gom từng loại rác thải riêng biệt vận chuyển về nhà máy xử lý.
Hiện tại, Công ty Môi trường xanh Huê Phương tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt của một số đô thị như thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng… nhưng rác thải đưa về nhà máy đều vận chuyển chung trong một phương tiện, không có phân loại. Việc phân loại rác thải để xử lý là vấn đề của nhà máy.
Có thể thấy rằng, việc phân loại rác thải tại nguồn phải thực hiện đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom đến vận chuyển. Cơ quan chức năng cần triển khai ngay các giải pháp như cung cấp thông tin, cách thức, phương tiện để người dân phân loại rác thải một cách dễ dàng nhất; đồng bộ tất cả các khâu từ phân loại đến thu gom, xử lý, tái chế... từ đó, dần thay đổi thói quen phân loại rác thải sinh hoạt trong cộng đồng.
Thế Nhân