Cán bộ môi trường hướng dẫn người dân phường 2, TP Đà Lạt, thực hành thói quen phân loại rác thải sinh hoạt
Người dân thực hành thói quen phân loại rác
Nằm ở trung tâm TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, phường 2 có trên 3.980 hộ dân, hơn 16 ngàn nhân khẩu với 18 tổ dân phố; dân cư chủ yếu sinh sống bằng buôn bán, làm dịch vụ, khách sạn, nhà hàng… Đây là địa bàn được Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường trước đây, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chọn thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn (từ tháng 7/2022 và kéo dài cho đến cuối năm 2023). Tên đầy đủ của Dự án thí điểm là "Xây dựng Mô hình thu gom, phân loại chất thải tại nguồn phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt và hạn chế sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy".
Để triển khai Dự án thí điểm Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường đã phối hợp với địa phương tổ chức 18 lớp tập huấn với sự tham gia của hầu hết các hộ dân sinh sống trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ và cấp phát 3.982 thùng đựng rác thải sinh hoạt có 3 ngăn; phát 1.700 kg túi đựng rác thải phân loại; phát hơn 4.586 tờ rơi, 970 cuốn sổ tay hướng dẫn cho các hộ dân và cán bộ quản lý…
Các hộ dân trên địa bàn phường 2 được hướng dẫn cụ thể phân loại rác thải sinh hoạt thành 3 loại: rác thải thực phẩm (vỏ trái cây, rau, thức ăn thừa…); rác thải có khả năng tái sử dụng (giấy, chai nhựa, kim loại...) và rác thải rắn sinh hoạt khác (rác thải vô cơ không có khả năng sử dụng hoặc tái chế, chai lọ thủy tinh, bóng đèn, quần áo cũ…). Mỗi loại rác thải được bỏ vào các ngăn riêng của thùng rác; đưa ra điểm tập kết rác trong khu vực theo lịch thu gom tùy theo loại rác thải nào.
Mô hình Thùng rác 3 ngăn trong thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại khu dân cư
Là người dân của phường 2 hưởng lợi từ dự án, bà Nguyễn Phương Hà chia sẻ: "Chúng tôi sống ở thành phố du lịch nên đa số người dân đều có ý thức bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại rác thải để bảo vệ môi trường sống và không gian thành phố. Khi được phường phát cho thùng rác 3 ngăn, gia đình tôi rất có ý thức và duy trì thành thói quen hàng ngày. Theo đúng hướng dẫn của cán bộ Trung tâm tư vấn và Công nghệ môi trường, dưới sự giám sát thường xuyên của tổ trưởng tổ dân phố, gia đình tôi phân 3 loại rác: chất thải thực phẩm; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải rắn sinh hoạt khác. Mặc dù dự án đã kết thúc từ lâu nhưng gia đình tôi vẫn thực hành thói quen phân loại rác. Thậm chí, tôi còn học được kinh nghiệm tự xử lý rác thải để làm phân hữu cơ bón cho cây cảnh của gia đình. Đâu đây sẽ vẫn còn những hộ gia đình và người dân chưa thực sự có ý thức trong việc tuân thủ quy định phân loại rác bảo vệ môi trường nhưng sau khi được truyền thông, vận động, đại đa số người dân đều có ý thức chấp hành tốt nội quy thu gom, xử lý rác sinh hoạt đầu nguồn".
Còn thiếu đồng bộ trong quá trình thu gom, xử lý
Kết quả đánh giá sau thời gian triển khai thí điểm của Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, toàn bộ 100% các hộ dân trên địa bàn phường 2, TP Đà Lạt, đều biết và áp dụng rất tốt quy trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình.
Song, trên thực tế, vẫn còn một số gia đình dù đã thực hiện phân loại nhưng chưa bỏ rác đúng màu túi theo quy định; chưa thực hiện chuẩn chỉ lịch thu gom loại rác theo ngày của đơn vị đi thu gom; các nhân viên thu gom rác vẫn thu gom cả rác của những hộ gia đình phân loại không đúng quy định, đưa hết lên xe chở rác về điểm tập kết... Bên cạnh đó, hiện địa phương vẫn chưa có phương thu gom và xử lý riêng từng loại rác nên dẫn đến tình trạng người dân phân loại rác tại nguồn nhưng công tác thu gom lại chung một mối.
Người dân phường 2, TP Đà Lạt, thực hành phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình
Mặc dù đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng không thể không thừa nhận, quá trình triển khai mô hình thu gom và phân loại rác ở phường 2 vẫn còn nhiều rào cản: Hạ tầng kỹ thuật phục vụ phân loại và vận chuyển rác còn thiếu và yếu. Số lượng xe thu gom chuyên dụng, thùng chứa rác phân loại còn hạn chế, khiến cho việc thu gom riêng biệt từng loại rác chưa thực sự hiệu quả. Việc duy trì thói quen phân loại rác của người dân vẫn chưa ổn định. Không ít trường hợp người dân phân loại tại nhà nhưng sau đó rác lại bị thu gom chung, khiến họ mất niềm tin và không tiếp tục thực hiện. Công tác tuyên truyền tuy đã được triển khai nhưng còn chưa đủ sâu rộng, chưa chạm tới toàn bộ người dân...
Vì mục tiêu "một Đà Lạt xanh sạch đẹp, an toàn, bền vững"
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Môi trường TP Đà Lạt: tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại thành phố đã đạt trên 99%. Chất thải y tế nguy hại và chất thải phát sinh từ hoạt động nông nghiệp, đặc biệt là bao bì thuốc bảo vệ thực vật đều được thu gom và xử lý đúng quy định. Nước thải sinh hoạt đã được thu gom một phần (khoảng 18,6%) và đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố. Phường 2 đã triển khai thành công mô hình thu gom, phân loại chất thải tại nguồn, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và hạn chế sử dụng nhựa, túi ni lông khó phân hủy.
Rút kinh nghiệm và bài học thực tế trong công tác thu gom, xử lý rác thải trong thời gian qua, để mô hình thu gom và phân loại rác tại phường 2 và một số phường, xã, tổ dân phố trên địa bàn TP Đà Lạt thực sự hiệu quả, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đi khảo sát về bảo vệ môi trường tại TP Đà Lạt và phường 2
Việc cần làm trước hết là hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ thu gom rác theo hướng chuyên biệt, khoa học và phù hợp với điều kiện địa phương. Cần tăng cường đầu tư vào các phương tiện vận chuyển, các trạm trung chuyển và bãi xử lý đạt chuẩn. Cần lan tỏa phong trào sống xanh, ý thức vì môi trường, cần duy trì và mở rộng các chương trình truyền thông, giáo dục cộng đồng, đặc biệt là trong trường học, khu dân cư, nơi công cộng… để hình thành thói quen phân loại rác bền vững; khuyến khích, biểu dương, khen thưởng, hỗ trợ dụng cụ phân loại rác cho những hộ gia đình có ý thức thực hiện tốt.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần có chế tài xử lý các hành vi vi phạm về xả rác bừa bãi, không phân loại rác hoặc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần quá mức. Có thể phối hợp với các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… để giám sát, vận động, tuyên truyền.
Theo như ý kiến của Đại biểu Quốc hội Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng (kết luận trong buổi làm việc với UBND TP Đà Lạt và tiến hành khảo sát thực tế tại phường 2 chiều ngày 9/4 vừa qua), thì rất cần chọn lựa định hướng đúng đắn về xây dựng nhà máy xử lý rác thải hiện đại, tầm cỡ, đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu thực tế xử lý rác thải lớn hiện nay của Đà Lạt. Các cơ quan chức năng cần khẩn trương khắc phục các tồn tại, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước và giữ gìn sự bền vững cho Đà Lạt - thành phố du lịch nổi tiếng và là di sản thiên nhiên quý giá của cả nước.
Chí Bình