Học sinh được giới thiệu nghề nghiệp liên quan qua các tiết học thực hành
Giúp học sinh tiếp cận với học nghề
Từ đầu năm học, tùy điều kiện thực tế, các trường THCS trên địa bàn tỉnh Long An thực hiện các giải pháp phù hợp với mục đích định hướng để HS lựa chọn hướng đi phù hợp năng lực, sở trường, điều kiện kinh tế gia đình. Trường THCS Thị Trấn Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh) rất quan tâm công tác phân luồng HS.
Ngoài tư vấn, hướng nghiệp chung cho toàn thể HS lớp 9, sau khi có kết quả học kỳ I, trường tập trung bổ sung kiến thức cho HS có học lực trung bình, còn yếu. Trường giới thiệu đến HS và phụ huynh (PH) về các chương trình học nghề, những lợi ích của học nghề và học lên THPT, đại học không phải là con đường duy nhất để thành công. Ngoài ra, trường còn tạo điều kiện cho HS lớp 9 được tư vấn trực tiếp từ các trường nghề; đồng thời, tổ chức tham quan Trường Cao đẳng Long An để hiểu hơn về học nghề.
Hiệu trưởng Trường THCS Thị Trấn Tân Thạnh - Lê Thị Kim Hoa chia sẻ: “Tâm lý PH vẫn muốn cho con học tiếp lên THPT sau khi tốt nghiệp THCS. Muốn thay đổi quan niệm này cần thêm thời gian và sự nỗ lực hơn nữa. Do vậy, ngoài vận động HS chọn học nghề khi không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10, trường lập danh sách những em không đậu vào lớp 10 sau kỳ thi để phối hợp địa phương, giáo viên phổ cập tư vấn các em chọn học nghề”.
Trường THCS Thị Trấn Đông Thành (huyện Đức Huệ) thực hiện nhiều giải pháp khác để HS hiểu hơn về học nghề và định hướng nghề nghiệp cho tương lai; tổ chức dạy tiết hướng nghiệp cũng như hoạt động trải nghiệm cho HS lớp 9. Trong đó, nội dung dạy được lồng ghép về nghề nghiệp tương lai, sở thích ngành nghề, nhu cầu xã hội,... Hay trong tiết thực hành, HS được giới thiệu về ngành nghề liên quan, có đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng,... Từ đó, các em dễ dàng tiếp cận các ngành nghề hơn để có lựa chọn hướng đi phù hợp.
Đặt điểm dạy nghề tại trường THCS
Học sinh lớp 9 được thực hành các ngành nghề quan tâm tại Trường Cao đẳng Long An
Một trong những khó khăn trong công tác phân luồng HS là PH e ngại cho con học xa nhà, khó khăn trong việc quản lý, theo sát các em. Ngoài việc tạo niềm tin cho PH về các trường nghề có ký túc xá, có giáo viên quản lý, hỗ trợ các em, Trường THCS Thị Trấn Cần Đước (huyện Cần Đước) còn thực hiện thành công việc “đưa nghề” đến gần HS.
Từ năm 2024, Trường THCS Thị Trấn Cần Đước cho Trường Trung cấp Nghề Quang Trung (TP.HCM) mượn cơ sở vật chất gồm 2 phòng học đặt điểm đào tạo nghề cho HS hệ trung cấp với 2 nghề Điều dưỡng và Kế toán, thu hút 38 em theo học. Hiện Trường Trung cấp Nghề Quang Trung chuẩn bị mở thêm 1 lớp nữa, nâng tổng số lên 3 lớp đào tạo nghề được đặt tại trường.
Hiệu trưởng Trường THCS Thị Trấn Cần Đước - Nguyễn Văn Dưỡng cho biết: “Tham gia học nghề của Trường Trung cấp Nghề Quang Trung điểm đặt tại Trường THCS Thị Trấn Cần Đước, HS học 2 năm tại trường và năm thứ 3 học tại TP.HCM. Việc này mang lại nhiều lợi ích cho HS, giúp các em có cơ hội tiếp cận nghề dễ dàng hơn, được học gần nhà nên cha mẹ an tâm, giảm chi phí hơn so với đi học xa,… Với lợi ích đó, trường sẵn sàng hỗ trợ cơ sở vật chất, giúp Trường Trung cấp Nghề Quang Trung và HS tham gia học nghề có môi trường dạy và học thuận lợi”.
Ngoài ra, Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm của Trường THCS Thị Trấn Cần Đước thường xuyên có các buổi nói chuyện với HS, nhất là HS lớp 9 xoay quanh về học nghề; đồng thời, giới thiệu các em về những cựu HS của trường chọn học nghề và thành công, có việc làm, thu nhập ổn định. Qua đó, HS có cái nhìn mới về học nghề, giảm định kiến về học nghề.
Khi HS được lựa chọn con đường phù hợp với năng lực, sở thích, không bị áp đặt bởi quan niệm "phải vào lớp 10" thì công tác phân luồng HS mới thật sự thành công, góp phần điều chỉnh cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương./.
An Nhiên