Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình.
Phó giám đốc Sở Y tế NGUYỄN VĂN BÌNH cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh liên quan đến việc rà soát, đấu tranh phòng, chống và xử lý nghiêm những vi phạm về thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả, ngành y tế đã lập tức vào cuộc.
Đến nay, sau hơn một tháng rà soát, lực lượng chức năng chưa phát hiện có sản phẩm sữa giả, thực phẩm chức năng giả lưu thông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, không phát hiện có thuốc giả lưu hành trong các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế.
Quy trình đấu thầu thuốc nghiêm ngặt
Xin ông cho biết quy trình đấu thầu thuốc, đưa thuốc vào các cơ sở y tế tại Đồng Nai hiện nay?
- Từ năm 2013 đến nay, Sở Y tế thực hiện đấu thầu tập trung nhằm cung ứng thuốc cho các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế để phục vụ người bệnh. Theo quy định, các loại thuốc do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán ở các cơ sở khám, chữa bệnh cả công lập và ngoài công lập đều phải thông qua đấu thầu. Đối với những thuốc ngoài danh mục quỹ bảo hiểm y tế chi trả, các đơn vị chủ động mua sắm và phải tuân theo Luật Đấu thầu.
Quy trình đấu thầu thuốc rất chặt chẽ. Đối với thuốc, có các nhóm như: thuốc tân dược, nhóm biệt dược, nhóm thuốc y học cổ truyền, nhóm vị thuốc, nhóm vaccine. Các nhóm thuốc đều có quy định, hàng rào về mặt kỹ thuật. Thuốc tham dự đấu thầu phải chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu, phải đảm bảo được các tiêu chuẩn rất chặt chẽ, phải có số lưu hành thuốc được Bộ Y tế cấp. Đối với các loại thuốc sản xuất trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài phải có giấy phép lưu hành, số đăng ký của Bộ Y tế.
Như vậy, thuốc giả không có “cửa” để “lọt” qua các hàng rào hồ sơ dự thầu và tham gia đấu thầu thuốc.
Còn nhà thuốc trong bệnh viện, các nhà thuốc, quầy thuốc ngoài thị trường thì sao, thưa ông?
- Trước đây, Sở Y tế cũng tổ chức mua sắm tập trung để cung ứng thuốc cho các nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện. Sau này có quy định mới, thủ trưởng các đơn vị tự chịu trách nhiệm mua sắm với các hình thức như: áp thầu, chỉ định thầu, đấu thầu rộng rãi, mua sắm qua mạng, chào hàng cạnh tranh… Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chí khắt khe theo quy định của Luật Đấu thầu. Như vậy, thuốc giả cũng không thể “lọt” được vào hệ thống khám, chữa bệnh của ngành y tế bằng con đường này.
Bác sĩ có được kê đơn sữa vào đơn thuốc không?
- Theo quy định của Luật Dược thì sữa và thực phẩm chức năng thuộc diện cấm kê đơn. Tức là bác sĩ không được đưa thực phẩm chức năng và sữa vào trong đơn thuốc. Cán bộ y tế chỉ có chức năng tư vấn cho bệnh nhân và người nhà về sữa một cách khoa học, trung thực như tên sữa, nhà sản xuất, tác dụng chính, giá cả tham khảo, nơi mua; còn quyền quyết định có mua hay không là của bệnh nhân.
Phó giám đốc Sở Y tế NGUYỄN VĂN BÌNH cho biết: “Đồng Nai có địa bàn rộng, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc rất lớn, trong khi nhân lực lại mỏng nên cơ quan quản lý khó có thể hậu kiểm hết các cơ sở. Đi kiểm tra thì phải báo trước, có những cơ sở sẽ chuẩn bị trước, có những cơ sở đóng cửa không tiếp đoàn”.
Tại khoa dinh dưỡng trong bệnh viện, các đơn vị chủ động mua sắm hàng hóa để kinh doanh. Có những đơn vị tự tổ chức khoa dinh dưỡng, tự đấu thầu hàng hóa nhưng cũng có đơn vị hợp đồng với đơn vị bên ngoài để tổ chức thực hiện khoa dinh dưỡng. Kết quả kiểm tra của 4 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh trong hơn một tháng qua chưa phát hiện có sản phẩm sữa giả nào trong các bệnh viện.
Nhân viên y tế soạn thuốc theo đơn để cấp cho bệnh nhân tại một cơ sở y tế trong tỉnh. Ảnh:Hạnh Dung
Thuốc giả, sữa giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng
Thưa ông, sử dụng thuốc giả, sữa giả, thực phẩm giả gây hại cho sức khỏe của người dùng ra sao?
- Tác hại của thuốc giả rất đáng sợ. Trước hết, thuốc giả không đảm bảo chất lượng nên không có tác dụng chữa bệnh. Ngược lại, sử dụng thuốc giả có thể gây ra những biến chứng khác của bệnh gốc, dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng của người sử dụng.
Sữa và thực phẩm chức năng có tác dụng bổ sung các yếu tố vi lượng, chất dinh dưỡng cần thiết cho người dùng, nhất là người bệnh. Nhưng thực phẩm chức năng và sữa giả lại không có đủ hàm lượng các chất dinh dưỡng, các vi chất cần thiết cho người dùng. Ngoài ra, trong các sản phẩm này còn chứa các chất độc như chì, kim loại nặng, chất độc nhóm khác. Chất độc đó khi được đưa vào cơ thể, hấp thu qua máu sẽ gây tổn hại đến các bộ phận của cơ thể, đặc biệt là gan, thận, gây tổn thương trực tiếp đến dạ dày, ruột.
Đáng lưu ý, những thực phẩm giả này lại nhắm đến đối tượng có sức đề kháng yếu như: trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, người già, người bệnh, phụ nữ mang thai. Những đối tượng này rất cần đủ chất dinh dưỡng, các yếu tố vi lượng để đảm bảo sức khỏe. Nhưng nếu sử dụng phải sữa giả thì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của họ, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vừa ảnh hưởng đến mẹ, vừa ảnh hưởng đến con, có thể gây ra dị tật thai nhi, suy dinh dưỡng bào thai không thể lường trước được.
Thực phẩm nhiễm hóa chất, vi sinh vật gây bệnh không chỉ có thể gây ngộ độc cấp tính (rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, tiêu chảy...), mà còn để lại những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng, có thể dẫn đến ung thư, suy gan, suy thận, ảnh hưởng đến hệ sinh sản…
Thói quen mua, bán thuốc không cần đơn thuốc có phải đang tiếp tay cho buôn bán thuốc giả không, thưa ông?
- Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang đối mặt với một loại dịch rất nguy hiểm, đó là dịch kháng kháng sinh. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến loại dịch này là thói quen mua bán thuốc “dễ như mua rau” của cả người mua và người bán thuốc. Mặc dù Bộ Y tế đã có những quy định rất cụ thể về việc mua bán thuốc theo đơn, liên thông dữ liệu đơn thuốc điện tử lên hệ thống đơn thuốc quốc gia nhưng thực tế nhiều cơ sở khám, chữa bệnh, nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện chưa tốt.
Kết quả điều tra của Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ rõ, lợi dụng thói quen của người dân là tự kê đơn mua các loại thuốc chữa bệnh cũng như sự thiếu hiểu biết khi tìm hiểu về nguồn gốc hàng hóa, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dược phẩm tại nhà thuốc, quầy thuốc, các đối tượng đã cấu kết với nhau để sản xuất, buôn bán thuốc giả.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay của công tác quản lý thuốc, sữa và thực phẩm chức năng là gì?
- Mặc dù công tác thanh - kiểm tra, hậu kiểm đem lại những kết quả nhất định nhưng hiện nay cơ quan chức năng không được thanh - kiểm tra quá nhiều đối với một doanh nghiệp. Khi đi thanh - kiểm tra, muốn biết đó là thực phẩm chức năng giả, sữa giả thì phải kiểm nghiệm. Muốn vậy thì phải có phòng xét nghiệm có đủ năng lực phát hiện các chất nằm trong thành phần của sữa, thực phẩm chức năng để kết luận có phải giả hay không. Chi phí để thực hiện kiểm nghiệm mẫu thực phẩm hiện nay khá cao.
Đặc biệt, pháp luật đã phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp, cơ sở tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đồng thời tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả công bố. Với những chủ cơ sở không có đạo đức, không có lương tâm và trách nhiệm sẽ “đối phó” bằng cách lấy mẫu tốt nhất đi kiểm nghiệm, đến khi sản xuất đại trà thì sử dụng nguyên liệu không đảm bảo, quy trình không được kiểm soát chặt chẽ. Hậu quả là dù đã có chứng nhận hợp quy nhưng chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng lại không đảm bảo.
Xin cảm ơn ông!
Hạnh Dung (thực hiện)
Bài 3: Siết quản lý, xử lý nghiêm hành vi vi phạm