Phân quyền quản lý cho cấp xã trong lĩnh vực lâm nghiệp:Thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái

Phân quyền quản lý cho cấp xã trong lĩnh vực lâm nghiệp:Thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái
9 giờ trướcBài gốc
Thực trạng này sẽ sớm được khắc phục khi mới đây (ngày 1-7-2025), Thông tư số 16/2025/TT-BNNMT của Bộ Nông nghiệp và Môi trường quy định về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền quản lý nhà nước và một số nội dung trong lĩnh vực lâm nghiệp và kiểm lâm chính thức có hiệu lực với việc trao quyền phê duyệt phương án quản lý rừng cho chính quyền cấp xã.
Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 27.000ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố tại các xã Ba Vì, Yên Bài, Suối Hai, Yên Xuân… Trong ảnh: Một góc xã Ba Vì.
Mong cơ chế rõ ràng để giữ rừng, làm du lịch
Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 27.000ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố tại nhiều xã như: Ba Vì, Yên Bài, Suối Hai, Yên Xuân…, với tỷ lệ che phủ đạt 5,67%. Trong đó, rừng phòng hộ chiếm gần 5.822ha, rừng đặc dụng hơn 11.000ha, rừng sản xuất khoảng 10.322ha. Nhiều diện tích rừng tại Thủ đô gắn liền với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Vườn Quốc gia Ba Vì, chùa Hương, đền Gióng…
Trong những năm gần đây, tại các địa phương đã hình thành hàng chục điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với đất lâm nghiệp, đất rừng sản xuất, tạo sinh kế mới cho người dân, góp phần giữ gìn cảnh quan, môi trường.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển du lịch sinh thái gắn với rừng vẫn còn không ít khó khăn do thủ tục pháp lý phức tạp, chưa có hành lang rõ ràng để người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, gắn bó lâu dài với rừng.
Ông Trần Đức Hoài, chủ rừng tại xã Ba Vì cho biết, số hộ dân, doanh nghiệp được giao đất rừng để chăm sóc, bảo vệ còn rất ít. Trong khi đó, nhiều người muốn mở rộng mô hình du lịch sinh thái nhưng lại thiếu cơ sở pháp lý để lập phương án hay đầu tư bài bản.
Ông Nguyễn Văn Trung, người trồng rừng lâu năm tại xã Yên Xuân chia sẻ: "Nếu được giao đất gắn với giao rừng, chúng tôi sẽ có cơ sở để vay vốn ngân hàng, đầu tư trồng cây xanh đô thị hoặc cây dược liệu kết hợp du lịch sinh thái; việc quản lý, bảo vệ rừng cũng sẽ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm hơn".
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thiếu phân quyền phù hợp trong phê duyệt phương án quản lý rừng khiến người dân gặp khó trong lập mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với đất rừng, phát sinh tâm lý e dè, thậm chí bỏ rừng hoặc sử dụng sai mục đích...
Gỡ nút thắt từ chính sách
Thông tư số 16/2025/TT-BNNMT ngày 19-6-2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, quy định rõ việc phân quyền phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững cho chủ tịch UBND cấp xã, áp dụng với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ hoặc tổ hợp tác có tổ chức hoạt động du lịch sinh thái trong rừng.
Đại diện lãnh đạo xã Yên Bài chia sẻ, trước đây, một phương án du lịch nhỏ cũng phải trình các cấp, đợi thẩm định qua nhiều đơn vị. Nay khi chính quyền cấp xã được phê duyệt, chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với người dân để hoàn thiện hồ sơ, giám sát, hướng dẫn đầy đủ, hiệu quả, tránh tình trạng người dân làm du lịch sinh thái dưới tán rừng thì bị quy là vi phạm; để hoang hóa thì lãng phí đất đai, tài nguyên...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Hà Nội có diện tích rừng nhỏ nhưng giá trị lớn về sinh thái và văn hóa. Trên cơ sở 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất), thành phố có định hướng phát triển phù hợp. Nếu triển khai đúng hướng, chính sách mới sẽ giúp người dân giữ rừng, sống được với rừng, làm giàu từ rừng. Điều này cũng góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, ngăn ngừa thiên tai...
Giới chuyên gia nhận định, Thông tư số 16/2025/TT-BNNMT đang gỡ nút thắt quan trọng trong phát triển kinh tế rừng và du lịch sinh thái bền vững. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, cần nâng cao năng lực thực thi của chính quyền xã, đồng thời hướng dẫn cụ thể quy trình lập và phê duyệt phương án, tránh tình trạng “trao quyền mà không trao điều kiện”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính đánh giá, quy định mới là cơ hội để các địa phương làm lại từ gốc, xây dựng mô hình quản lý cộng đồng phù hợp, linh hoạt nhưng có kiểm soát. Điều quan trọng là cần minh bạch, có sự giám sát đa chiều và lắng nghe ý kiến người dân địa phương vì rừng vừa là sinh kế, vừa là "ngôi nhà" của họ...
Chủ tịch UBND xã Ba Vì Nguyễn Giáp Đông:
Giao quyền cho xã là đúng và trúng với thực tiễn
Là địa phương có diện tích rừng lớn nhất của Thủ đô Hà Nội với nhiều hộ dân đang sinh sống và canh tác trên đất rừng sản xuất, nhiều năm qua, người dân tại xã Ba Vì mong muốn phát triển du lịch sinh thái gắn với rừng. Tuy nhiên, việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng đã khiến các sáng kiến rất khó triển khai. Nguyên nhân chính là do người dân còn lúng túng và gặp nhiều vướng mắc trong lập hồ sơ, thuê đơn vị tư vấn nên nhiều người nản.
Thông tư số 16/2025/TT-BNNMT ngày 19-6-2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có hiệu lực từ ngày 1-7 cho phép UBND cấp xã được phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững đối với hộ gia đình, nhóm hộ làm du lịch sinh thái. Tôi cho rằng đây là một chính sách đúng và trúng với thực tiễn. Người dân mong chính sách này không chỉ nằm trên giấy, mà sớm được hướng dẫn cụ thể. UBND xã Ba Vì sẽ công khai, minh bạch ngay từ đầu các thủ tục để người dân chủ động phối hợp. Nếu làm tốt, chính sách này sẽ tạo sức bật cho du lịch sinh thái gắn với rừng...
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Xuân Trần Đức Thanh:
Hỗ trợ người dân chuyển sang trồng rừng sinh thái
Với tổng diện tích đất tự nhiên 7.801ha, dân số 29.375 người, xã Yên Xuân có nhiều tiềm năng phát triển nông - lâm nghiệp và du lịch sinh thái nhờ lợi thế rừng, cảnh quan tự nhiên và vị trí địa lý. Những năm qua, một số hộ dân trong xã mạnh dạn đầu tư, triển khai mô hình phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp kết hợp, nhưng việc thực hiện còn nhiều khó khăn trong việc lập, triển khai phương án theo quy định, nên hiệu quả chưa cao.
Để thực hiện hiệu quả, UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục chỉ đạo các xã có rừng sớm triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ rà soát hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp, phân định ranh giới, cắm mốc 3 loại rừng theo Kế hoạch của UBND thành phố. Đồng thời, xã mong muốn được phân bổ nguồn lực phù hợp để đầu tư hạ tầng lâm sinh, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng; hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi rừng trồng kém hiệu quả sang trồng rừng sinh thái kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng có giá trị cao.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Tiến Lâm:
Phân quyền cho xã, giúp người dân giữ rừng
Ở góc độ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, việc phân quyền hợp lý cho cấp cơ sở sẽ mang lại hiệu quả quản lý thiết thực, nhất là tại các vùng rừng có quy mô vừa và nhỏ, phân tán, do hộ dân quản lý như ở Hà Nội. Thực tế, nhiều năm qua, người dân có nhu cầu khai thác hợp lý tài nguyên rừng để phát triển du lịch sinh thái, trồng cây dược liệu... nhưng lại gặp rào cản thủ tục. Khi xã được trao quyền phê duyệt sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian xử lý hồ sơ, giúp người dân tiếp cận chính sách thuận tiện, đúng quy định. Điều này không chỉ gỡ “nút thắt” pháp lý, mà còn gắn trách nhiệm giữ rừng, bảo vệ rừng với người đang sử dụng và hưởng lợi từ rừng.
Tuy nhiên, để bảo đảm đúng mục tiêu, cần đặc biệt chú trọng hướng dẫn kỹ thuật, giám sát, hỗ trợ xã trong thẩm định phương án quản lý rừng. Các xã có diện tích rừng lớn cần được tập huấn chuyên sâu, có sự phối hợp thường xuyên giữa Hạt Kiểm lâm sở tại và chính quyền xã.
Sơn Tùng ghi
Bạch Thanh
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/phan-quyen-quan-ly-cho-cap-xa-trong-linh-vuc-lam-nghiep-thuan-loi-de-phat-trien-du-lich-sinh-thai-708856.html