Phân tích và dự báo nhu cầu khí đốt Ấn Độ từ nay đến năm 2040

Phân tích và dự báo nhu cầu khí đốt Ấn Độ từ nay đến năm 2040
3 giờ trướcBài gốc
Nga đã củng cố vị thế là nhà cung cấp dầu khí hàng đầu cho Ấn Độ. Hình minh họa
Ấn Độ đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu khí đốt tự nhiên bởi sự gia tăng dân số nhanh chóng và phát triển kinh tế. Tiêu thụ khí đốt dự kiến sẽ đạt 113,7 tỷ mét khối (Bcm) vào năm 2040, so với 65 Bcm trong năm 2023, báo hiệu nhu cầu cấp thiết về đảm bảo nguồn cung từ bên ngoài cho một quốc gia đang hướng tới đa dạng hóa cơ cấu năng lượng.
Dù sản lượng trong nước đang tăng lên, dự kiến đạt 36,7 Bcm vào năm 2025 sau khi tăng 51% từ năm 2020, Ấn Độ vẫn không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn chỉ bằng nguồn tài nguyên của mình. Để đáp ứng nhu cầu này, nước này dựa vào các hợp đồng nhập khẩu dài hạn nhằm đảm bảo giá ổn định và giảm thiểu rủi ro từ biến động thị trường toàn cầu.
Quan hệ đối tác chiến lược với Trung Đông
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, Ấn Độ hướng tới Trung Đông, khu vực mà nước này đang tăng cường các thỏa thuận cung ứng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Với vị trí địa lý gần và trữ lượng LNG chưa khai thác lớn ở khu vực này, đây là cơ hội duy nhất để đạt được các điều kiện thuận lợi. Liên minh chiến lược này có thể giúp Ấn Độ tiếp cận nguồn cung LNG với mức giá cạnh tranh, củng cố an ninh năng lượng quốc gia.
Trong cơ cấu năng lượng của Ấn Độ, khí đốt hiện chỉ chiếm khoảng 2% trong sản lượng điện, phần nhỏ này do chi phí cao so với than đá và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nếu có sự thay đổi trong chính sách, chẳng hạn như áp thuế carbon, sẽ khuyến khích chuyển dịch nhanh chóng từ than sang khí đốt, qua đó tăng cường vai trò của nguồn năng lượng này trong những năm tới.
Mạng lưới phân phối và các lĩnh vực chính sử dụng khí đốt
Ấn Độ đang đầu tư mạnh vào mạng lưới phân phối khí đô thị, hay còn gọi là Phân Phối Khí Đô Thị (CGD). Mạng lưới này phục vụ các lĩnh vực khác nhau như giao thông vận tải, công nghiệp, thương mại, và các hộ gia đình. Kể từ năm 2015, số lượng trạm nén khí thiên nhiên (CNG) đã tăng gấp năm lần, đạt 5.710 điểm phân phối, trong khi số lượng kết nối khí tự nhiên qua đường ống (PNG) cho hộ gia đình đã tăng gấp bốn lần, cung cấp cho 12 triệu hộ gia đình. Việc mở rộng này giúp phục vụ gần như toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ, đáp ứng nhu cầu của hơn 1,4 tỷ dân.
Các lĩnh vực nông nghiệp và hóa dầu cũng tạo ra nhu cầu lớn đối với khí tự nhiên. Việc sản xuất urê, rất quan trọng đối với an ninh lương thực của quốc gia, phụ thuộc phần lớn vào khí đốt làm nguyên liệu. Năm 2023, sản lượng urê tại Ấn Độ đạt 30 triệu tấn, vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu 35 triệu tấn trong cùng năm, cho thấy tiềm năng phát triển tiếp tục cho ngành công nghiệp phân bón và nhu cầu khí đốt.
Những thách thức về cơ sở hạ tầng và rủi ro đàm phán lại hợp đồng
Bất chấp những triển vọng đầy hứa hẹn, một số trở ngại đang kìm hãm sự phát triển của ngành khí đốt tại Ấn Độ. Việc mở rộng cơ sở hạ tầng tái khí hóa và mạng lưới đường ống, hiện vẫn tập trung ở phía Tây đất nước và đang tiến triển chậm chạp. Đầu tư vào các cơ sở hạ tầng này phải đối mặt với các rào cản pháp lý, khó khăn trong việc tiếp cận đất đai và ưu tiên cạnh tranh, trong khi Ấn Độ đang hướng phần lớn nguồn lực của mình vào các nguồn năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, xu hướng của Ấn Độ trong việc đàm phán lại hoặc thậm chí hủy bỏ các hợp đồng gần như đã hoàn thành cũng là một thách thức đối với các nhà cung cấp LNG. Chiến lược này vốn nhằm mang lại giá thấp và điều kiện linh hoạt cho người tiêu dùng Ấn Độ, có thể kìm hãm sự phát triển của ngành LNG, vì sẽ khiến các nhà cung cấp quốc tế e ngại trong việc cam kết các thỏa thuận dài hạn.
H.Phan
AFP
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/phan-tich-va-du-bao-nhu-cau-khi-dot-an-do-tu-nay-den-nam-2040-719983.html