Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định, thành công vừa đạt được một lần nữa chứng tỏ vị thế của Triều Tiên trong việc phát triển các phương tiện phóng tên lửa hạt nhân là “không thể đảo ngược”. Đây là hành động quân sự phù hợp, đáp ứng đầy đủ mục đích thông báo cho các bên đang cố tình làm leo thang tình hình khu vực và gây ra mối đe dọa cho an ninh cho Triều Tiên trong thời gian gần đây.
Theo KCNA, dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, Triều Tiên đã tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa quan trọng tạo ra một dấu mốc trong việc duy trì ưu thế tuyệt đối của lực lượng vũ trang nước này.
Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-19 ngày 31/10/2024. Ảnh: KCNA
Một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 4/11 tới để thảo luận về vụ phóng tên lửa gây tranh cãi mới nhất của Triều Tiên.
“Là một nước láng giềng gần, Trung Quốc luôn quan tâm đến diễn biến tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc tin rằng việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy quá trình giải quyết chính trị các vấn đề trên bán đảo này là vì lợi ích chung của tất cả các bên. Trung Quốc hy vọng rằng tất cả các bên sẽ nỗ lực trong vấn đề này”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm hôm qua khẳng định.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đánh giá vụ phóng tên lửa sáng 31/10 có thời gian bay dài nhất trong số các tên lửa của Triều Tiên, khi tên lửa duy trì trong không trung tới 86 phút và đạt độ cao hơn 7.000 km. Theo chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, tên lửa đạn đạo liên lục địa “Hwasong-19” của Triều Tiên có khả năng vượt tầm bắn 15.000 km nếu được phóng theo quỹ đạo thông thường. Điều này có nghĩa là nó có khả năng bay xa tới lục địa Mỹ.
Ông Yoshimasa lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động vô lý làm leo thang căng thẳng, đồng thời khẳng định hành động này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối Triều Tiên thông qua đại sứ quán nước này tại Trung Quốc.
Dù khẳng định vụ thử nghiệm vũ khí mới của Triều Tiên không gây ra "mối đe dọa tức thời" đối với nhân sự, lãnh thổ, hoặc các đồng minh của Mỹ, song Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cực lực chỉ trích động thái này, yêu cầu Triều Tiên kiềm chế các hành động gây bất ổn. Mỹ đến nay vẫn khẳng định cam kết sẵn sàng hỗ trợ Hàn Quốc bằng cả năng lực quân sự hạt nhân và phi hạt nhân.
“Một trong những điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ngày hôm nay là tái khẳng định cam kết sắt đá của Mỹ đối với an ninh của Hàn Quốc và điều này bao gồm cả việc răn đe mở rộng. Nó đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các hành động khiêu khích đang diễn ra từ phía Triều Tiên, bao gồm cả vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày hôm qua. Chúng tôi lên án mạnh mẽ động thái này. Vụ phóng mới nhất cùng nhiều hành động khiêu khích khác mà nước này đã thực hiện cho tới nay rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 31/10 cho biết.
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-19 mà nước này công bố là “tên lửa chiến lược mạnh nhất thế giới” chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới.
Giới quan sát cho rằng, bước đi mới nhất này của Triều Tiên có hai mục đích, một là nhằm phô trương khả năng tấn công lục địa Mỹ, hai là chuyển hướng sự chú ý khỏi những phản ứng mạnh gần đây của phương Tây về việc Triều Tiên điều quân tới Nga.
Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood hôm qua cảnh báo Triều Tiên về những hành động “liều lĩnh và nguy hiểm” nếu đưa quân tới Nga. Mỹ cùng với Hàn Quốc đang kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình với Nga và Triều Tiên để ngăn chặn leo thang liên quan tới thông tin Triều Tiên đưa quân sang Nga. Mặc dù vậy, đến nay cả Triều Tiên và Nga đều bác bỏ cáo buộc này, một mực khẳng định mối quan hệ giữa hai bên tuân thủ luật pháp quốc tế và theo hiệp ước đối tác mà hai nước vừa ký kết.
Phương Anh/VOV1 Tổng hợp