Phản ứng của các nước trước thông báo áp thuế đối ứng của Mỹ

Phản ứng của các nước trước thông báo áp thuế đối ứng của Mỹ
15 giờ trướcBài gốc
EU đã chuẩn bị gói biện pháp đối phó
EU đang "chuẩn bị các biện pháp đối phó tiếp theo" để bảo vệ lợi ích của mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, sau khi Donald Trump tuyên bố áp thuế 20% đối với hàng hóa châu Âu, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ "chuyển từ đối đầu sang đàm phán".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố EU đã chuẩn bị gói biện pháp đối phó. Ảnh: AP
"Chúng tôi đã hoàn thiện gói biện pháp đối phó đầu tiên để đáp trả thuế quan đối với thép. Và hiện chúng tôi đang chuẩn bị cho các biện pháp đối phó tiếp theo, để bảo vệ lợi ích và doanh nghiệp của chúng tôi nếu các cuộc đàm phán thất bại", Chủ tịch Ủy ban hôm 34, từ Samarkand, Uzbekistan, nơi bà sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Á đầu tiên.
"Chúng tôi cũng sẽ theo dõi chặt chẽ những tác động gián tiếp mà các mức thuế này có thể gây ra, vì chúng tôi không thể hấp thụ được tình trạng dư thừa sản lượng toàn cầu cũng như không chấp nhận việc bán phá giá trên thị trường của mình", bà nói thêm.
Tổng thống Hoa Kỳ đã áp dụng mức thuế tối thiểu 10% vào 2.4 đối với tất cả các quốc gia, trong đó EU được đưa vào danh sách 60 "quốc gia vi phạm tồi tệ nhất" và chịu mức thuế cao hơn là 20%. Mức thuế này dự kiến có hiệu lực vào 9.4. Mức thuế 25% đối với ô tô được sản xuất bên ngoài Hoa Kỳ cũng được công bố có hiệu lực ngay lập tức.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng nói thêm rằng, thuế quan là “một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới”. "Hậu quả sẽ rất thảm khốc đối với hàng triệu người trên toàn cầu", bà von der Leyen lưu ý. “Hàng tạp hóa, vận chuyển và thuốc men sẽ đắt hơn. Và điều này đặc biệt gây tổn hại đến những công dân dễ bị tổn thương nhất".
Canada sẽ có biện pháp đáp trả
Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết, trong ngày 3.4, Ottawa sẽ công bố một loạt “biện pháp đối phó” nhằm đáp trả các mức thuế mới trên diện rộng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Mark Carney nhận định các mức thuế đối ứng được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sẽ "thay đổi căn bản hệ thống thương mại quốc tế"
Ông Mark Carney cũng hứa sẽ có các biện pháp hỗ trợ cho những người lao động bị ảnh hưởng. "Trong khủng hoảng, điều quan trọng là phải đoàn kết và hành động có mục đích và mạnh mẽ", đồng thời nói thêm rằng các ngành chiến lược của Canada như dược phẩm, gỗ và chất bán dẫn đang phải đối mặt với mối đe dọa tiềm tàng từ Hoa Kỳ.
Canada không nằm trong danh sách áp thuế đối ứng nhưng vẫn phải chịu mức thuế 25% đối với hàng hóa không được bao phủ bởi Hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ, Mexico và Canada và thuế đối với nhôm, thép.
Hàn Quốc triển khai biện pháp hỗ trợ khẩn cấp
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo hôm 3.4 ra lệnh triển khai các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các ngành công nghiệp và doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi các mức thuế trên diện rộng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo một tuyên bố từ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc.
Ông Han kêu gọi Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng phân tích chặt chẽ các chi tiết và tác động từ thuế đối ứng của Mỹ, đồng thời tích cực đàm phán với Washington để giảm thiểu ảnh hưởng của thuế quan.
Thái Lan sẵn sàng đàm phán về cán cân thương mại
Tuyên bố hôm 3.4, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết, Thái Lan cam kết hợp tác với Hoa Kỳ để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững. Bà nói thêm rằng, đất nước của bà sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ để bảo đảm thương mại công bằng cho cả hai bên, sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế 36% đối với Thái Lan. Bà kêu gọi các nhà xuất khẩu Thái Lan cũng nên tìm kiếm thêm thị trường cho sản phẩm của mình để giảm rủi ro khi chỉ phụ thuộc vào một thị trường chính.
Ấn Độ nhìn thấy cơ hội trong việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng
Các nhà xuất khẩu và nhà phân tích Ấn Độ cho biết mức thuế mới lên tới 25% của Tổng thống Trump gây ra nhiều tác động tiêu cực cho nước này.
Hôm 3.4, các nhà phân tích Ấn Độ cho rằng, động thái này có thể sẽ tác động đến ngành công nghiệp và việc làm của Ấn Độ, nhưng vẫn có cơ hội cho các doanh nghiệp mới tham gia vì Ấn Độ nằm trong nhóm thấp hơn so với các nước châu Á khác.
SC Ralhan, chủ tịch Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ, cho biết: "Những mức thuế quan này thực sự gây ra nhiều thách thức, nhưng vị thế của Ấn Độ vẫn tương đối thuận lợi".
Ajay Srivastava, cựu quan chức thương mại Ấn Độ và là người sáng lập tổ chức nghiên cứu Sáng kiến Nghiên cứu Thương mại Toàn cầu có trụ sở tại New Delhi, cho biết chế độ thuế quan bảo hộ có thể là chất xúc tác giúp Ấn Độ hưởng lợi từ việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhật Bản tiếp tục đàm phán để tìm kiếm khả năng miễn trừ thuế
Tổng thư ký Nội các Nhật Bản gọi mức thuế này là "cực kỳ đáng tiếc", và cho rằng, Nhật Bản xứng đáng được miễn trừ, sau khi Trump áp thuế bổ sung 24% đối với Nhật Bản.
Ông Yoshimasa Hayashi hôm 3.4 cũng đặt câu hỏi liệu mức thuế quan này có tương thích với các hiệp định thương mại song phương Nhật Bản-Hoa Kỳ hay không và cho biết động thái này có thể ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế của họ, cũng như nền kinh tế toàn cầu và hệ thống thương mại đa phương.
Ông cho biết các quan chức Nhật Bản đang tiếp tục đàm phán với Washington để tìm kiếm khả năng miễn trừ. Ông cũng từ chối bình luận khi được hỏi liệu Nhật Bản có cân nhắc áp dụng thuế quan trả đũa hay nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới hay không.
Nhiều nước phản ứng mạnh
Anh: Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Jonathan Reynolds cho biết Mỹ là "đồng minh thân cận nhất của Anh" nhưng "không có gì là không thể" trong phản ứng đối với mức thuế đối ứng 10%.
Thụy Sĩ: Chính phủ Thụy Sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế sau khi ông Donald Trump áp đặt mức thuế cao hơn đối với quốc gia này so với Liên minh châu Âu.
Australia: Trong khi đó, Thủ tướng Australia Anthony Albanese gọi các biện pháp thuế quan mới là "hoàn toàn không có cơ sở". Ông nói rằng: "Điều này sẽ gây ra hậu quả đối với cách người Úc nhìn nhận mối quan hệ này".
Italy: Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng gọi các biện pháp của ông Donald Trump là "sai lầm". Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã chuẩn bị thảo luận về thuế quan trong bài phát biểu vào sáng 3.4 (theo giờ địa phương).
Ireland: Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho biết bất kỳ phản ứng nào của Liên minh châu Âu (EU) đối với mức thuế 20% của Mỹ đều phải "tương xứng", đồng thời nói thêm rằng ông vô cùng lấy làm tiếc về động thái của ông Donald Trump.
Ông Martin cho biết trong một tuyên bố rằng chính phủ Ireland sẽ thảo luận với các đối tác EU về các bước tiếp theo nhưng bất kỳ hành động nào cũng phải tương xứng, nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và công dân.
Các lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo tác động với người tiêu dùng Mỹ
Giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cho rằng, hành động này tương đương với một đợt tăng thuế lịch sử có thể đẩy trật tự toàn cầu đến điểm bị phá vỡ. Nó khởi động những gì có thể là một quá trình chuyển đổi đau đớn đối với nhiều người Mỹ khi các mặt hàng thiết yếu của tầng lớp trung lưu như nhà ở, ô tô và quần áo dự kiến sẽ trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời phá vỡ các liên minh được xây dựng để đảm bảo hòa bình và ổn định kinh tế.
Thị trường Châu Á lao dốc sau tuyên bố áp thuế của Mỹ
Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo giảm hơn 3,4%, trong khi Kospi ở Hàn Quốc giảm 1,8%. Tại Australia, S&P/ASX 200 cũng giảm 1,8%.
Cổ phiếu Hoa Kỳ đã trải qua một ngày biến động chóng mặt khác trước khi ông Trump công bố mức thuế quan vào thứ Tư. S&P 500 tăng 0,7% và Dow tăng 0,6%. Nasdaq composite tăng 0,9%.
Tesla đã đảo chiều từ mức lỗ lớn vào buổi sáng sang mức tăng vào cuối ngày để giúp kéo thị trường lên cao hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc cũng chuyển từ thấp sang cao sau báo cáo tốt hơn mong đợi về thị trường việc làm.
Quỳnh Vũ
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/phan-ung-cua-cac-nuoc-truoc-thong-bao-ap-thue-doi-ung-cua-my-post409206.html