Ảnh phong cách Ghibli do AI tạo ra. Nguồn: Variety.
Gần đây, công ty OpenAI đã cập nhật tính năng tạo hình ảnh theo phong cách Studio Ghibli cho ChatGPT. Sự cải tiến này nhanh chóng tạo nên một trào lưu sôi động trên mạng xã hội. Một bộ phận người dùng sử dụng tính năng này để biến ảnh cá nhân thành tranh mang đậm dấu ấn Ghibli, họ còn áp dụng phong cách này vào các bức ảnh sự kiện lịch sử, bức vẽ gốc.
Tuy nhiên, xu hướng này đã vấp phải nhiều tranh cãi về đạo đức và bản quyền, đặc biệt là từ giới họa sĩ. Họ lo ngại rằng sự lan tỏa mạnh mẽ của công cụ AI tạo ra tác động tiêu cực đối với ngành công nghiệp sáng tạo và các lĩnh vực có liên quan.
Nghệ thuật chân chính không xuất phát từ sự sao chép
Theo nhận định của các họa sĩ, nếu không có những quy định chặt chẽ, AI có thể làm xói mòn giá trị của bản quyền. Khiến công trình nghệ thuật của các họa sĩ bị đánh cắp mà không được xin phép và tôn trọng.
Họa sĩ Thúy Hà cho rằng những bức tranh do AI tạo ra có thể dễ dàng bị nhận diện là sản phẩm máy móc. Theo cô, AI dựa trên dữ liệu lập trình sẵn, không có sự sáng tạo thực sự và mắc nhiều lỗi chi tiết.
“Các bức tranh AI là kết quả của quá trình tính toán hình ảnh dựa trên những lập trình tạo sẵn. AI chỉ có sự ăn cắp và lỗi chi tiết trong tác phẩm”, họa sĩ Thúy Hà nói. Thúy Hà cho rằng: “Có một sự thật là trong nghệ thuật sáng tạo, AI không thể thay thế con người được. Nó chỉ khiến số đông con người không am hiểu sâu về nghệ thuật lầm tưởng rằng AI có thể thay thế con người mà thôi. Bản thân những nghệ sĩ chân chính, sáng tạo bằng chính bản thân mình thì không bao giờ cho rằng AI có thể thay thế họ”.
Họa sĩ Thúy Hà là người minh họa cho một số tác phẩm của Nhà xuất bản Kim Đồng như Mái Tóc của Hapi, Đi tìm cô tiên tóc, Ngôi nhà thú bông. Ảnh: FBNV.
Trong khi đó, họa sĩ Dương Đức - tác giả bộ truyện One Shot - nhận định tranh AI còn thiếu chiều sâu cảm xúc. Những người sử dụng công cụ này có thể chưa từng thực sự xem phim của họa sĩ Hayao Miyazaki hay hiểu tinh thần Ghibli.
Anh khuyến khích công chúng thay vì sử dụng AI, hãy dành thời gian để thưởng thức các tác phẩm nguyên bản, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn cảm nhận nghệ thuật chân chính.
Họa sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Châu lại chia sẻ những phần mềm tạo ảnh Ghibli này chỉ dành cho những người lười lao động nhưng vẫn muốn có sản phẩm miễn phí. Tác giả Bad luck bày tỏ sự thất vọng khi thấy nhiều người xem nhẹ công sức của họa sĩ và đặt sự tiện lợi cá nhân lên trên giá trị nghệ thuật.
Hơn hết, trước thực trạng tranh Ghibli bị sao chép, các họa sĩ lần nữa lên tiếng về vấn đề AI vi phạm bản quyền. Nếu AI mô phỏng phong cách Ghibli mà không có sự cho phép từ Studio hay các nghệ sĩ liên quan bị xem là hành vi sao chép trái phép. “Lạm dụng AI khiến giá trị lao động sáng tạo của con người bị xem nhẹ và có thể ảnh hưởng đến danh dự của người nghệ sĩ chân chính”, chị Thúy Hà nhấn mạnh. Điều đáng lo ngại không phải là AI thay thế con người, mà là sự thờ ơ của công chúng trước vấn đề này, khiến sáng tạo dần mai một.
Theo họa sĩ Hà Huy Hoàng - người ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm tại Dee Dee Animation - vấn đề tranh Ghibli bị sao chép bởi AI không khác gì những gì Disney hay Pixar từng đối mặt. Cốt lõi của vấn đề là các mô hình AI này hoạt động dựa trên việc thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn, trong đó có cả những bộ phim Ghibli có thể đã được sử dụng bất hợp pháp.
“Tất cả các bộ phim mà hãng Ghibli từng thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử của họ có thể trở thành nguồn dữ liệu đào tạo cho các công cụ AI. Hành động này làm giảm giá trị nghệ thuật của những phong cách có tính truyền thống cao”, họa sĩ Hà Huy Hoàng nói.
Ảnh hưởng lâu dài của GenAI
Công nghệ AI đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho ngành sáng tạo, nhưng đồng thời nó cũng cho thấy các tác động tiêu cực lâu dài như môi trường và nhận thức công chúng về nghệ thuật.
Họa sĩ Hà Huy Hoàng cho biết việc AI tạo ra hàng loạt hình ảnh theo phong cách Ghibli còn kéo theo hệ lụy về môi trường. Theo bài đăng của Sam Altman - CEO của OpenAI - trên mạng xã hội X ngày 27/3, hệ thống máy chủ GPU của họ đang hoạt động quá tải do nhu cầu xuất hình ảnh quá lớn.
Quá trình tiêu thụ nguồn năng lượng khổng lồ, dẫn đến phát thải nhiệt và tác động đến nguồn nước tự nhiên - một thực trạng đáng báo động trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Các trung tâm dữ liệu của những tập đoàn công nghệ lớn như OpenAI, Meta hay Microsoft đều cần hệ thống làm mát tiêu tốn một lượng nước khổng lồ, gây ảnh hưởng đến các khu vực mà họ đặt máy chủ.
Họa sĩ Hayao Miyazaki - cha đẻ phong cách Ghibli - tại lễ trao giải Oscar 2014. Ảnh: Reuters.
Ngoài ra, sự tràn lan của tranh AI còn làm lung lay nhận thức của công chúng về giá trị nghệ thuật. Phim Ghibli được biết đến với quy trình sản xuất thủ công tỉ mỉ, từ từng nét vẽ trên giấy đến quá trình tô màu, tạo nên một phong cách độc đáo và có chiều sâu cảm xúc. Khi AI có thể tạo ra những hình ảnh tương tự trong vài giây, giá trị của công sức nghệ sĩ dường như bị xem nhẹ. Người dùng thông thường có thể cảm thấy phong cách này trở nên rẻ mạt và phổ biến đến mức mất đi sự đặc biệt.
“AI tạo sinh khiến các họa sĩ trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết khi công sức sáng tạo bị đánh đồng với một sản phẩm được tạo ra từ thuật toán”, anh Hà Huy Hoàng chia sẻ.
Trước khi OpenAI làm ra các bức tranh phong cách Ghibli, một số ứng dụng cũng cố tái hiện phong cách này, nhưng kết quả chưa được như mong đợi của người dùng. Ảnh: Fotor.
Từ góc nhìn khác, họa sĩ Thúy Hà nhận thấy ranh giới giữa nghệ thuật cá nhân và sản phẩm của máy móc sẽ trở nên mờ nhạt nếu theo thời gian một tác phẩm nghệ thuật bị sao chép ngay lập tức mà không có giải pháp ngăn chặn điều này. Nếu nghệ sĩ cảm thấy công sức của họ không được tôn trọng, họ có thể chọn cách giữ lại tác phẩm cho riêng mình, thay vì đóng góp cho cộng đồng. Đây là một tổn thất lớn đối với nền nghệ thuật.
Quan trọng hơn hết, công chúng cần có nhận thức đúng đắn về giá trị của nghệ thuật. Sự thờ ơ của số đông trước vấn đề bản quyền khiến giới nghệ sĩ ngày càng cảm thấy vô vọng.
“Không mấy ai thực sự có đủ thời gian và tâm huyết, đủ sự quan tâm và tôn trọng với nghệ thuật để băn khoăn xem nó có đạo đức hay không? Khi lên án về AI tạo sinh, tôi còn nhận một số phản hồi là lắm chuyện, lạc hậu, tụt lùi. Tiếng nói của người làm nghệ thuật sẽ khó lan tỏa so với sự kêu gọi từ các CEO lớn của các tập đoàn AI”, anh Hà Huy Hoàng cho biết.
Tương lai của ngành sáng tạo trong thời đại AI vẫn còn là một câu hỏi lớn. Công nghệ có thể phát triển vượt bậc, nhưng nếu không có sự điều chỉnh phù hợp, những người làm nghệ thuật sẽ ngày càng mất đi chỗ đứng. Sự bấp bênh này có thể tác động đến toàn bộ ngành công nghiệp văn hóa.
Đức Huy