Phản ứng của Mỹ trước lệnh bắt giữ ông Netanyahu của ICC

Phản ứng của Mỹ trước lệnh bắt giữ ông Netanyahu của ICC
7 giờ trướcBài gốc
Khi Thủ tướng Israel ông Benjamin Netanyahu phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào đầu năm nay, các nhà lập pháp đã đứng dậy vỗ tay hàng chục lần.
Giờ đây, khi ông chính thức bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tình nghi là tội phạm chiến tranh, sự ngưỡng mộ mà ông nhận được tại Washington, DC vào tháng 7 từ các chính trị gia Mỹ đang chuyển thành sự tức giận và đe dọa đối với tòa án có trụ sở tại The Hague (La Hay).
Các thẩm phán xét xử của ICC đã ban hành lệnh bắt giữ đối với ông Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì các cáo buộc sử dụng nạn đói làm phương thức chiến tranh cũng như các tội ác chống lại loài người như giết người, đàn áp và các hành vi vô nhân đạo khác. Tòa án nhận thấy có căn cứ hợp lý cho thấy cuộc bao vây Gaza của Israel “đã tạo ra những điều kiện sống được tính toán để gây ra sự hủy diệt đối với một bộ phận dân thường”.
Ngoại trừ một số ít trường hợp, các chính trị gia Mỹ từ cả hai đảng lớn đều bày tỏ sự phẫn nộ trước quyết định của tòa án, nhiều người đặt câu hỏi về tính hợp pháp của tòa án.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) phát biểu với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant (trái), tại lễ khai mạc phiên họp thứ 25 của Knesset đánh dấu kỷ niệm cuộc chiến "Thanh kiếm sắt", tại Jerusalem, ngày 28/10.
Nhà Trắng 'từ chối' lệnh bắt giữ
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhanh chóng lên tiếng phản đối phán quyết này.
Nhà Trắng
Người phát ngôn Nhà Trắng bà Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên: “Chúng tôi về cơ bản bác bỏ quyết định của tòa án về việc ban hành lệnh bắt giữ các quan chức cấp cao của Israel”. “Chúng tôi vẫn rất quan ngại về việc công tố viên vội vàng xin lệnh bắt giữ và những sai sót đáng lo ngại trong quy trình dẫn đến quyết định này”, bà Karine Jean-Pierre cho biết.
Đầu tháng 11, chính quyền của ông Biden đã gây chú ý khi tuyên bố Israel không vi phạm thời hạn cho phép viện trợ nhân đạo cho Gaza, trái ngược với phát hiện của các tổ chức cứu trợ hàng đầu.
Bà Jean-Pierre cũng nhắc lại lập luận của Mỹ rằng, ICC không có thẩm quyền đối với các quan chức Israel vì Israel không phải là một bên tham gia tòa án.
Nhưng tòa án đã bác bỏ lý lẽ đó, khẳng định rằng họ có thẩm quyền giải quyết vấn đề này vì Palestine - nơi xảy ra các tội ác bị tình nghi - chấp nhận thẩm quyền của tòa án.
Các quan chức Mỹ trước đây đã lập luận rằng người Palestine không có nhà nước và do đó không thể tham gia Quy chế Rome, Hiệp ước thành lập tòa án. Nhưng Palestine, quốc gia gia nhập ICC vào năm 2015, là một quốc gia quan sát viên không phải là thành viên của Liên hợp quốc.
Khi được hỏi về lời kêu gọi trừng phạt các quan chức tòa án, bà Jean-Pierre cho biết: “Chúng tôi đang tham vấn với các đối tác, bao gồm cả Israel, về các bước tiếp theo”.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Brown phát hiện rằng, chính quyền ông Biden đã chi 17,9 tỷ USD cho viện trợ an ninh Israel trong năm 2024 - khoản tiền đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tàn khốc của đồng minh Mỹ này tại Gaza.
Kêu gọi trừng phạt
Trong khi chính quyền Dân chủ sắp mãn nhiệm chỉ trích ICC, đảng Cộng hòa thậm chí còn lên án mạnh mẽ hơn tòa án có trụ sở tại The Hague và yêu cầu trừng phạt các quan chức của tòa án này.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đồng minh của Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết đã đến lúc chính phủ Mỹ phải trừng phạt ICC vì lệnh bắt giữ ông Netanyahu và ông Gallant.
Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật vào tháng 6 nhằm áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức tòa án, nhưng biện pháp này vẫn chưa được Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát xem xét.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham viết trong một bài đăng trên mạng xã hội cho rằng, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer “cần phải thông qua luật lưỡng đảng đến từ Hạ viện để phê chuẩn Tòa án vì hành động vô nhân đạo như vậy và Tổng thống Biden cần phải ký ban hành luật này”.
Vào năm 2021, chính quyền ông Biden đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các quan chức ICC do ông Trump áp đặt, người sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/1/2025.
Trợ lý mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump cảnh báo về 'phản ứng mạnh mẽ'
Nghị sĩ Mike Waltz, người sắp đảm nhiệm chức cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump đã chỉ trích tòa án về lệnh bắt giữ.
Ông Waltz viết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng: "ICC không có uy tín và những cáo buộc này đã bị chính phủ Mỹ bác bỏ".
“Israel đã bảo vệ hợp pháp người dân và biên giới của mình khỏi những kẻ khủng bố diệt chủng. Bạn có thể mong đợi một phản ứng mạnh mẽ đối với sự thiên vị bài Do Thái của ICC và Liên hợp quốc vào tháng 1”.
Thượng nghị sĩ cảnh báo ICC bằng 'Đạo luật xâm lược Hague'
Các biện pháp trừng phạt là không đủ đối với Tom Cotton, một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nổi tiếng với việc kêu gọi sử dụng vũ lực quân sự, ngay cả đối với những người biểu tình trong nước.
Khi chỉ trích ICC, ông Cotton đã viện dẫn một đạo luật của Mỹ cho phép tổng thống Mỹ sử dụng "mọi biện pháp cần thiết và phù hợp" để giải thoát người Mỹ hoặc những cá nhân đồng minh bị giam giữ theo yêu cầu của tòa án.
Năm 2002, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Bảo vệ Quân nhân Mỹ, được gọi một cách không chính thức là “Đạo luật Xâm lược Hague” vì nó cho phép sử dụng vũ lực chống lại ICC.
“ICC là một tòa án trá hình và Karim Khan là một kẻ cuồng tín mất trí”, ông Cotton viết trong một bài đăng trên mạng xã hội".
Đảng Dân chủ lên án ICC
Như thường lệ, sự ủng hộ dành cho Israel - ngay cả khi chống lại những cáo buộc về tội ác chiến tranh khủng khiếp đã đưa những nhân vật chủ chốt từ cả hai đảng lớn của Mỹ lại với nhau.
Thượng nghị sĩ ông Pennsylvania John Fetterman đã giận dữ và dùng biểu tượng cảm xúc cờ Israel để nêu quan điểm của mình. "Không có lập trường, sự liên quan hoặc con đường nào cả”, ông viết trong một bài đăng trên mạng xã hội.
Nghị sĩ Jared Moskowitz của Florida cáo buộc ICC có "tiêu chuẩn kép bài Do Thái" và Thượng nghị sĩ Jacky Rosen của Nevada thúc giục ông Biden "sử dụng thẩm quyền của mình để nhanh chóng phản ứng với sự lạm quyền này". Ông Torres viết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng: "ICC nên bị trừng phạt không phải vì thực thi luật pháp mà vì đã bóp méo luật pháp đến mức không thể nhận ra".
Về phần mình, Nghị sĩ New York Ritchie Torres cáo buộc ICC hình sự hóa hành vi tự vệ.
Nữ nghị sĩ Tlaib ca ngợi lệnh bắt giữ 'lịch sử'
Nữ nghị sĩ người Mỹ gốc Palestine, Rashida Tlaib, là tiếng nói hiếm hoi lên tiếng ủng hộ phán quyết của ICC. Bà Tlaib kêu gọi chính quyền Biden chấm dứt “sự thông đồng” trong các hành vi lạm dụng của Israel.
Bà Tlaib cho biết trong một tuyên bố: "Quyết định quá hạn của Tòa án Hình sự Quốc tế về việc ban hành lệnh bắt giữ ông Netanyahu và ông Gallant vì tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người báo hiệu rằng, những ngày tháng chính quyền phân biệt chủng tộc của Israel hoạt động vô luật pháp đang dần kết thúc. Kể từ khi cuộc diệt chủng này bắt đầu, Mỹ đã cung cấp hơn 18 tỷ USD vũ khí cho chính phủ Israel. Chính quyền Biden không thể phủ nhận rằng những vũ khí đó của Mỹ đã được sử dụng trong vô số tội ác chiến tranh”.
Bà nói thêm rằng Washington phải ngay lập tức dừng mọi hoạt động chuyển giao vũ khí cho “ chế độ phân biệt chủng tộc Israel ”.
Thị trưởng Abdullah Hammoud nói rằng thành phố Dearborn sẽ thực thi lệnh của ICC đối với ông Gallant và ông Netanyahu.
Ông Abdullah Hammoud, thị trưởng vùng ngoại ô Dearborn của Detroit, nơi có đông người Mỹ gốc Ả Rập sinh sống cho biết, thành phố sẽ thực thi lệnh của ICC đối với ông Gallant và ông Netanyahu.
Ông Hammoud viết trong một bài đăng trên mạng xã hội “Dearborn sẽ bắt giữ Thủ tướng Netanyahu và ông Gallant nếu họ bước vào ranh giới thành phố Dearborn”.
Mỹ không công nhận quyền tài phán của ICC trên lãnh thổ của mình, do đó không rõ liệu các thành phố của Mỹ có thẩm quyền bắt giữ ông Netanyahu hay không.
Tuy nhiên, lời đe dọa của Thị trưởng Hammoud nêu bật những nguy cơ pháp lý mà Thủ tướng Netanyahu và ông allant sẽ phải đối mặt trên toàn thế giới với tư cách là những tội phạm chiến tranh bị cáo buộc chính thức.
Hồng Hà
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/phan-ung-cua-my-truoc-lenh-bat-giu-ong-netanyahu-cua-icc-282330.htm