Phản ứng của Nga trước tối hậu thư của ông Trump về Ukraine tiết lộ điều gì?

Phản ứng của Nga trước tối hậu thư của ông Trump về Ukraine tiết lộ điều gì?
4 giờ trướcBài gốc
Lập trường của Tổng thống Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin có ý định tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine cho đến khi phương Tây chấp nhận đàm phán hòa bình theo các điều kiện của Moscow, bất chấp những lời đe dọa từ Tổng thống Donald Trump về các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Thậm chí, khi các lực lượng của Moscow tiếp tục tiến công, các mục tiêu về lãnh thổ của Điện Kremlin có thể sẽ mở rộng, 3 nguồn thạo tin thân cận với Điện Kremlin cho hay. Theo các nguồn tin này, Tổng thống Putin tin rằng nền kinh tế và quân đội Nga đủ mạnh để đối mặt với các biện pháp trừng phạt bổ sung từ phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Ngày 14/7, Tổng thống Trump tỏ ra thất vọng trước việc ông Putin từ chối lệnh ngừng bắn, đồng thời công bố kế hoạch chuyển giao hàng loạt vũ khí cho Ukraine, trong đó có hệ thống tên lửa đất đối không Patriot. Ông cũng đe dọa sẽ gia tăng trừng phạt Nga trừ khi một thỏa thuận hòa bình đạt được trong vòng 50 ngày.
3 nguồn tin am hiểu quan điểm của giới lãnh đạo Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin sẽ không dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine dưới sức ép phương Tây và cho rằng Nga - quốc gia đã vượt qua nhiều vòng trừng phạt khắc nghiệt nhất, có thể chịu thêm tổn thất kinh tế, kể cả những biện pháp thuế quan mà Mỹ đe dọa áp lên các quốc gia mua dầu Nga.
"Tổng thống Putin cho rằng không có ai thực sự ngồi xuống thảo luận với ông ấy về các chi tiết của một kế hoạch hòa bình ở Ukraine, kể cả Mỹ. Vì thế, ông ấy sẽ tiếp tục chiến dịch này cho đến khi đạt được điều mình muốn", một nguồn tin giấu tên nói với Reuters.
Dù đã có một số cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin, cũng như chuyến thăm Nga của Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff nhưng nhà lãnh đạo Nga vẫn cho rằng chưa có cuộc thảo luận nào thực sự cụ thể về cơ sở của một thỏa thuận hòa bình.
“Ông Putin coi trọng mối quan hệ với ông Trump và đã có những cuộc trao đổi hiệu quả với ông Witkoff nhưng lợi ích quốc gia của Nga luôn đặt lên hàng đầu", nguồn tin trên tiết lộ.
Trả lời Reuters, Người phát ngôn Nhà Trắng Anna Kelly nhấn mạnh: "Tổng thống Trump tập trung vào việc chấm dứt thương vong ở Ukraine và ông Putin sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nếu không chấp nhận ngừng bắn".
Các điều kiện hòa bình của Tổng thống Putin bao gồm: NATO cam kết bằng văn bản rằng sẽ không mở rộng về phía Đông, Ukraine giữ vị thế trung lập và giới hạn năng lực quân sự, bảo vệ quyền của cộng đồng nói tiếng Nga tại Ukraine cũng như công nhận các vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát. Tổng thống Putin cũng sẵn sàng bàn bạc về một cơ chế bảo đảm an ninh cho Ukraine với sự tham gia của các cường quốc, dù chưa rõ nội dung chi tiết.
Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố Ukraine sẽ không bao giờ công nhận chủ quyền của Nga tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và khẳng định Kiev có toàn quyền quyết định việc gia nhập NATO.
Nga nắm thế chủ động
Một nguồn tin khác cho biết ông Putin coi mục tiêu chiến lược của Moscow quan trọng hơn mọi thiệt hại kinh tế do phương Tây gây ra và không bị ảnh hưởng bởi lời đe dọa của Mỹ về việc áp thuế với Trung Quốc hay Ấn Độ vì mua dầu từ Nga.
Hai nguồn tin cho biết Nga đang nắm thế chủ động trên chiến trường và nền kinh tế nước này hiện sản xuất vũ khí, đặc biệt là đạn pháo, với tốc độ vượt cả NATO. Theo dữ liệu từ DeepState - một dự án tình báo nguồn mở, hiện Nga kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine và đã chiếm thêm khoảng 1.415 km vuông trong ba tháng qua.
Hiện tại, Nga kiểm soát toàn bộ bán đảo Crimea mà nước này tuyên bố sáp nhập năm 2014, toàn bộ tỉnh Lugansk, hơn 70% Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson, cùng với một phần các tỉnh Kharkov, Sumy và Dnipropetrovsk. Nga tuyên bố công khai 5 khu vực đầu tiên là lãnh thổ của mình sau các cuộc trưng cầu ý dân và yêu cầu Kiev rút khỏi những khu vực đó thì mới có thể đàm phán hòa bình. Các nguồn tin cho rằng nếu phòng tuyến Ukraine sụp đổ thì Nga có thể mở rộng mục tiêu chiếm thêm các khu vực khác.
“Nga sẽ hành động dựa trên điểm yếu của Ukraine. Nếu đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ, Moscow có thể dừng lại sau khi kiểm soát toàn bộ 4 vùng miền đông. Nhưng nếu phòng tuyến Ukraine sụp đổ, sẽ có thêm Dnipropetrovsk, Sumy và Kharkiv nằm dưới sự kiểm soát của Nga".
Tổng thống Zelensky nói rằng cuộc tấn công mùa hè của Nga không đạt được kỳ vọng. Bộ chỉ huy quân sự Ukraine cũng thừa nhận họ đang phải đối đầu với một lực lượng đông đảo hơn nhưng tuyên bố vẫn giữ được phòng tuyến và gây tổn thất nhất định cho Nga.
Mối quan hệ Trump - Putin
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025 với lời hứa sẽ nhanh chóng kết thúc xung đột, Tổng thống Donald Trump đã tìm cách hàn gắn quan hệ với Nga. Ông điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin ít nhất 6 lần. Trong một cuộc họp báo gần đây, ông Trump thừa nhận nhà lãnh đạo Nga là "một người cứng rắn".
Tổng thống Trump cũng thể hiện lập trường trái ngược hoàn toàn với người tiền nhiệm Joe Biden. Chính quyền ông Trump đã coi cuộc xung đột tại Ukraine là một cuộc đối đầu ủy nhiệm chết chóc giữa Nga và Mỹ, rút lại sự ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO và thậm chí đề xuất công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga mặc dù đây là một ý tưởng gây tranh cãi.
Về phía mình, ông Putin gọi xung đột Ukraine là bước ngoặt trong quan hệ Nga - phương Tây. Ông cho rằng, việc NATO mở rộng về phía Đông sau khi Liên Xô tan rã năm 1991 là hành vi làm tổn thương và bao vây Nga, đặc biệt là tại các nước như Ukraine và Gruzia.
Ông Trump từng đề xuất một lệnh ngừng bắn vô điều kiện - điều mà Kiev nhanh chóng ủng hộ nhưng cho đến nay Tổng thống Putin vẫn chưa chấp thuận. Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục sử dụng hàng trăm UAV để tập kích các thành phố Ukraine.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với BBC công bố hôm 15/7, ông Trump khẳng định chưa từ bỏ nỗ lực ngoại giao với Tổng thống Putin và vẫn hy vọng đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột.
Một nguồn tin từ phía Nga bác bỏ phát ngôn của ông Trump tuần trước rằng ông Putin chỉ nói "những lời sáo rỗng”. Người này cho rằng cuộc đối thoại tích cực giữa Tổng thống Putin và Đặc phái viên Steve Witkoff chưa thể chuyển hóa thành một nền tảng cụ thể cho tiến trình hòa bình.
Một quan chức Nhà Trắng hôm 14/7 tiết lộ, ông Trump đang cân nhắc áp thuế 100% đối với hàng hóa Nga cũng như các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các nước vẫn mua hàng xuất khẩu của Moscow, cụ thể là dầu mỏ. Trung Quốc và Ấn Độ hiện là hai khách hàng lớn nhất nhập khẩu dầu Nga.
Dù đang chịu trừng phạt và tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine nhưng nền kinh tế Nga vẫn duy trì khả năng chống chịu đáng kinh ngạc. Bộ Kinh tế Nga dự báo tăng trưởng năm 2025 sẽ chậm lại còn 2,5%, giảm so với mức 4,3% năm 2024.
Một nguồn tin cho rằng ông Trump có rất ít đòn bẩy với ông Putin. Ngay cả khi Washington áp thuế lên các nước mua dầu Nga, Moscow vẫn có thể tìm cách bán được dầu ra thị trường toàn cầu.
“Ông Putin hiểu ông Trump là người khó đoán và có thể làm những việc khó chịu. Nhưng ông ấy đang cố gắng để tránh chọc giận ông Trump quá mức", nguồn tin này nói.
Một trong những nguồn tin cũng cảnh báo, cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể leo thang trong những tháng tới, làm tăng nguy cơ đối đầu giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, đồng thời nhận định, xung đột chưa thể sớm kết thúc.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Reuters
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/phan-ung-cua-nga-truoc-toi-hau-thu-cua-ong-trump-ve-ukraine-tiet-lo-dieu-gi-post1215068.vov