Ngày 16/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiếm đã phản ứng chính thức trước việc Nhà Trắng tuyên bố hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ phải chịu thuế quan tổng cộng 245%.
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại họp báo, ông Lâm Kiếm khẳng định: “Cuộc chiến thuế quan và thương mại không có người thắng. Trung Quốc không mong muốn chiến tranh thương mại, nhưng cũng không sợ điều đó”.
Trước đó, Trung Quốc quyết định tăng thuế đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ từ mức 84% lên 125% bắt đầu từ ngày 12/4, đồng thời tuyên bố sẽ phớt lờ bất kỳ đợt tăng thuế nào tiếp theo mà Washington công bố kể từ thời điểm này.
Quyết định này được Bộ Tài chính Trung Quốc công bố vào ngày 11/4, sau khi Nhà Trắng xác nhận rằng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc đã tăng lên 145%. Trung Quốc cho biết việc Mỹ tiếp tục áp thêm thuế không còn mang lại ý nghĩa kinh tế nữa.
Tuyên bố của bộ trên nêu rõ: “Xét thấy hiện tại là không còn khả năng thị trường có thể chấp nhận hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc với mức thuế quan hiện nay, nếu phía Mỹ tiếp tục áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ thì phía Trung Quốc không quan tâm đến điều đó nữa”.
Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định: “Việc Washington liên tục sử dụng các mức thuế cao quá mức đã trở thành một trò chơi con số, không còn ý nghĩa kinh tế”.
Ông Lâm Kiếm nhấn mạnh nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết vấn đề thông qua đàm phán, họ cần từ bỏ cách tiếp cận gây áp lực cực đoan và tham gia đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi.
Trước đó, ngày 9/4, Tổng thống Trump đã quyết định tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày và và đưa về mức đồng đều 10%, trừ Trung Quốc. Ban đầu, ông Trump tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 84% lên 125%.
Tuy nhiên, mức thuế này được cộng thêm với khoản thuế 20% liên quan đến fentanyl đã áp đặt trước đó đối với Trung Quốc đã đưa tổng thuế suất áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc là 145%. Ngày 16/4, Chính phủ Mỹ cho biết hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào nước này phải đối mặt với mức thuế quan lên đến 245% do các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh.
Trong diễn biến khác cùng ngày 16/4, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã giảm mạnh dự báo về thương mại hàng hóa toàn cầu từ mức tăng trưởng vững chắc xuống mức suy giảm, đồng thời cảnh báo các tác động do thuế quan của Mỹ có thể dẫn đến sự suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19.
Cụ thể, WTO dự báo thương mại hàng hóa sẽ giảm 0,2% trong năm nay trong khi mức dự báo vào tháng 10 là đạt tăng trưởng 3%.
Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala bày tỏ lo ngại: "Sự suy giảm trong tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu là mối quan ngại lớn". Kể từ khi trở lại nhiệm sở, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới cùng với mức thuế 25% đối với thép, nhôm và ôtô.
Trong khi ông tạm ngừng áp mức thuế cao hơn đối với hàng chục quốc gia, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc đã trở nên căng thẳng hơn khi mức thuế Mỹ áp với Trung Quốc đã lên tới 245% và thuế Trung Quốc trả đũa Mỹ lên tới 125%.
Theo WTO, nếu ông Trump áp dụng lại mức thuế quan mở rộng đầy đủ đã lên kế hoạch, tăng trưởng thương mại hàng hóa sẽ giảm 0,6 điểm phần trăm, với mức giảm thêm 0,8 điểm phần trăm do tác động lan tỏa ra ngoài thương mại liên quan đến Mỹ. Kịch bản này sẽ dẫn đến mức giảm 1,5% - giảm mạnh nhất kể từ năm 2020.
Bà Okonjo-Iweala cho biết thêm: "Nếu thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm sẽ dẫn tới tăng trưởng GDP giảm. Mối lo ngại về thương mại cũng có thể tác động tiêu cực tới thị trường tài chính, sang các lĩnh vực rộng lớn hơn khác của nền kinh tế". Bà cũng cảnh báo về tác động đối với các nước đang phát triển.
WTO cho biết dù không phải chịu thuế quan, nhưng thương mại dịch vụ cũng sẽ bị ảnh hưởng do nhu cầu liên quan đến thương mại hàng hóa như vận tải và hậu cần suy yếu.
Sự bất ổn rộng hơn có thể làm giảm chi tiêu cho du lịch và các dịch vụ liên quan đến đầu tư. WTO dự báo thương mại dịch vụ sẽ tăng trưởng 4% vào năm 2025 và 4,1% vào năm 2026, thấp hơn nhiều so với mức dự báo cơ bản là 5,1% và 4,8%.
Người đứng đầu WTO cho biết nỗi lo sợ lớn nhất của bà là nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ đang tách rời nhau. Bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh trong kịch bản này, GDP toàn cầu có thể giảm 7% trong dài hạn.
Cũng trong ngày 16/4, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho biết các biện pháp thuế quan của Mỹ đã tạo ra sự bất ổn lớn cho doanh nghiệp và các nền kinh trên toàn cầu. Thủ tướng Singapore nhấn mạnh mức thuế cơ sở hiện tại vẫn cao hơn nhiều so với trước đây, và những biến động trên thị trường khiến không doanh nghiệp nào có thể thoải mái lập kế hoạch đầu tư dài hạn khi mức thuế có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Đề cập đến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, ông cho rằng điều này khiến hoạt động thương mại giữa các quốc gia bị đình trệ và "không chỉ họ mà các quốc gia trên khắp thế giới cũng sẽ phải chịu tổn thất".
Cảnh báo cuộc chiến thương mại sẽ đẩy nhanh quá trình tách rời nền kinh tế đầu tàu thế giới, người đứng đầu đảo quốc Singapore cũng nhận định nền kinh tế toàn cầu đang tái thiết, song không phải là một hệ thống tích hợp, mà là các hệ sinh thái ngày càng phân nhánh tập trung xung quanh Mỹ và Trung Quốc.
Đồng tình với Thủ tướng Singapore, cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Singapore Gan Kim Yong cũng cảnh báo về nguy cơ suy thoái đối với nền kinh tế của đảo quốc.
Theo ông, các công ty ở Singapore đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và tác động kinh tế toàn cầu sẽ còn lớn hơn nữa nếu Mỹ áp thêm thuế đối với các ngành công nghiệp bán dẫn và dược phẩm.
Cũng trong cuộc họp báo, ông Gan Kim Yong cũng công bố thành lập lực lượng đặc nhiệm để giúp các doanh nghiệp và người lao động giải quyết các thách thức kinh tế. Lực lượng do ông Gan Kim Yong đứng đầu này sẽ có 8 thành viên bao gồm các bộ trưởng, quan chức từ nhiều bộ và đại diện từ các hiệp hội doanh nghiệp và công đoàn lao động.
Nhóm đặc nhiệm này sẽ đánh giá tác động của những diễn biến mới, giải quyết những thách thức phát sinh và xây dựng các chiến lược và phản ứng dài hạn. Hôm 14/4, Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 xuống 0-2% từ mức 1-3% trước đó sau khi ước tính sơ bộ cho thấy nền kinh tế đã suy giảm trong quý đầu tiên. Singapore phải chịu mức thuế cơ sở 10% đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)