Phan Văn Tình - Tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước

Phan Văn Tình - Tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước
4 giờ trướcBài gốc
Năm 2006, Đảng bộ, chính quyền xã Bình An và nhân dân ấp An Hòa 1 tổ chức rước vong linh AHLLVTND Phan Văn Tình về thờ phụng tại đình An Hòa. Lễ giỗ của liệt sĩ hàng năm do chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức. Tấm gương của ông được nhắc nhở, lưu truyền tại An Hòa như niềm tự hào của vùng đất này.
Xóm nhỏ anh hùng
Trong ký ức của cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Tỷ, ấp An Hòa 1 năm xưa là vùng đất hẻo lánh, có con rạch nhỏ chạy ngang qua. “Khu vực này khi xưa chỉ có khoảng 11 nóc gia, 18 thanh niên thì có đến 13 người tham gia cách mạng. Trong đó, 12 người hy sinh, tôi là người cuối cùng còn sót lại. Giờ đây, ấp có 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 1 AHLLVTND là đồng chí Phan Văn Tình” - CCB Trần Văn Tỷ nói.
Ngay trong gia đình ông Trần Văn Tỷ cũng có 4 liệt sĩ và 1 Mẹ VNAH. Cả cha và 3 người chú của ông Tỷ đều là liệt sĩ (3 chú hy sinh lúc chưa lập gia đình). Có lẽ truyền thống anh hùng đó thôi thúc ông Tỷ sớm tham gia cách mạng. Địch từng treo giải thưởng 20.000 đồng bạc cho ai bắt hoặc giết được ông. Được sự bảo bọc, chở che của người dân nên CCB Trần Văn Tỷ mới có thể nhiều lần thoát được “nanh vuốt” kẻ thù và trở thành nhân chứng sống cuối cùng về sự anh hùng của vùng đất An Hòa 1 cũng như AHLLVTND Phan Văn Tình - niềm tự hào của người dân địa phương.
Cựu chiến binh Trần Văn Tỷ, nhân chứng sống của vùng đất An Hòa 1 (xã Bình An, huyện Thủ Thừa), cũng là người từng "kề vai sát cánh" Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Tình
“Tôi và đồng chí Tình vừa là hàng xóm, vừa là đồng đội, chúng tôi cùng tham gia cách mạng, hoạt động cùng nhau, cùng kết nạp Đoàn, kết nạp Đảng. Trong “trận chiến cuối cùng” của anh, tôi và anh cũng kề vai sát cánh bên nhau” - CCB Trần Văn Tỷ chầm chậm kể.
AHLLVTND Phan Văn Tình sinh năm 1941, tham gia cách mạng khi mới 18 tuổi. Ông được kết nạp Đảng tháng 8/1962, đến tháng 10/1962 đã anh dũng hy sinh, nêu cao tinh thần hiên ngang bất khuất, không khuất phục dù bị địch tra tấn dã man và dùng lợi lộc khuyến dụ.
Người anh hùng của đất an hòa 1
Trong ký ức của đồng đội, AHLLVTND Phan Văn Tình là người dễ mến, được đồng đội thương yêu và người dân quý mến. Ông từng tham gia nhiều trận đánh quan trọng tại địa phương, trong đó có trận phục kích tiêu diệt tên trung úy Tâm khét tiếng tàn ác tại xã Bình Phong Thạnh (nay là xã Bình An), làm nổ 1 xe RMC, tiêu diệt 12 tên địch (trong đó có trung úy Tâm), thu được 12 súng các loại và 1 máy bộ đàm.
Ngày 24/10/1962, địch mở trận càn lớn vào Thủ Thừa. Đang trên đường đi vận động quần chúng đấu tranh chính trị, 2 chiến sĩ cách mạng Phan Văn Tình và Trần Văn Tỷ gặp phải đoàn hành quân của địch. Để bảo đảm an toàn cho đồng bào, 2 đồng chí thu hút sự chú ý của địch về phía mình. Chúng bắn cả 2 bị thương. Lúc đó, AHLLVTND Phan Văn Tình đề nghị 2 người đi về 2 hướng để bảo đảm an toàn cho người còn lại nếu không may bị địch bắt.
Đường Phan Văn Tình là một trong những tuyến đường chính tại thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa
Không bao lâu sau, địch lần theo vết máu và bắt được AHLLVTND Phan Văn Tình. “Chúng vào nhà kế bên lấy dây niệt trâu choàng cổ, dùng xe RMC lôi sượt anh đi trên đường đá đỏ, để anh phải cày mình trên sỏi đá và tưởng chừng anh sẽ vì vậy mà khai báo.
Nhưng không, anh Tình đã nói với chúng rằng “Tổ chức, vũ khí để chiến đấu, nơi ăn chỗ ở để giết chúng bây là do tất cả đồng bào, bây có hiểu chưa”. Bọn chúng điên cuồng bắn anh gãy một chân nữa. Chúng lôi anh về chợ Thủ Thừa, đồng chí Phan Văn Tình chỉ tay vào những tên địch và hiên ngang nói “bắn tao đi, bây đừng dụ dỗ tao hàng... Đả đảo Mỹ Diệm. Đế quốc Mỹ cút đi...”. Sau đó, bọn chúng đâm chết anh, không cho người nhà đưa anh về an táng mà đưa anh ra giữa sông rồi nhận chìm xuồng. Quan tài của anh trôi dạt trên sông, được người dân xã Nhị Thành đưa về chôn cất” - CCB Trần Văn Tỷ kể lại về sự hy sinh anh dũng của người đồng chí, đồng đội Phan Văn Tình.
Tấm gương hy sinh của AHLLVTND Phan Văn Tình được đời sau ghi nhớ, tự hào, là tấm gương sáng để giáo dục truyền thống tại địa phương. Việc đưa ông vào thờ tại đình An Hòa thể hiện rõ tấm lòng người dân An Hòa 1 nói riêng và xã Bình An nói chung đối với người anh hùng của vùng đất này. Hàng năm, câu chuyện về tấm gương yêu nước, hiên ngang của AHLLVTND Phan Văn Tình lại được nhắc nhở cho thế hệ sau trong ngày giỗ của ông.
Vùng quê An Hòa 1 ngày nay đã hoàn toàn thay đổi, con đường đá năm xưa người anh hùng phải “cày mình” trên đó giờ đã thành đường bêtông, đường nhựa. Đời sống người dân được nâng lên với những ruộng lúa mướt xanh. Vùng quê sáng lên với những mái nhà kiên cố, những hàng cây, hoa trồng dọc các tuyến đường. Tên người anh hùng được dùng đặt cho một tuyến đường lớn tại thị trấn Thủ Thừa, để người dân đời sau mãi nhớ./.
Quế Lâm
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/phan-van-tinh-tam-guong-sang-ngoi-ve-long-yeu-nuoc-a187254.html