Pháo đất - nét đẹp văn hóa trong Lễ hội đền Trần 2025

Pháo đất - nét đẹp văn hóa trong Lễ hội đền Trần 2025
5 giờ trướcBài gốc
Từ chiều ngày 11/2 đến ngày 12/2 (tức ngày 14 – 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Di tích quốc gia đặc biệt - Khu Lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần - xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, Ban Tổ chức Lễ hội đền Trần năm 2025 tổ chức hội thi pháo đất. Đồng chí Đinh Bá Khải, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện đã tới dự và động viên hội thi.
Tham gia hội thi, 50 pháo thủ đến từ 5 đội thi thuộc xã Chi Lăng (Hưng Hà) đã thể hiện sức khỏe dẻo dai, tài năng khéo léo, sự phối hợp nhịp nhàng và tinh thần đồng đội thông qua việc làm và ném pháo đất hình bầu dục. Mỗi quả pháo có độ dài từ 4 - 8 thước, trọng lượng 20 - 27 kg nên trước khi gieo phải cần vài người hỗ trợ nâng pháo lên cho pháo thủ.
Đồng chí Đinh Bá Khải, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện tới dự, động viên hội thi Pháo đất và tham gia gieo pháo cùng các đội.
Mỗi pháo thủ có 3 lượt ném, tổng cộng mỗi đội thi có 30 lượt ném. Sau mỗi lần pháo thủ tranh tài, Ban Tổ chức đều tiến hành đo và công bố giềng pháo. Kết thúc hội thi, đội nào có tổng chiều dài giềng pháo lớn nhất sẽ thắng cuộc. Ngoài giải đồng đội, Ban Tổ chức hội thi trao giải cho các pháo thủ có thành tích tốt nhất.
Khi chuẩn bị gieo, chân pháo thủ đứng vuông với hai vai, khuỷu tay tỳ vào bụng, hai bàn tay xòe ra đỡ lấy bụng pháo và giữ pháo cân bằng. Khi gieo, pháo thủ phải để hai chân mở bằng vai, dồn lực vào hai gối, hai nách khép, sau đó dùng lực của hai cánh tay để tán pháo, rồi mới gieo xuống. Để gieo pháo tốt, đòi hỏi mỗi pháo thủ phải rèn luyện cả về sức khỏe và kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Tư, thôn Mình Khai, 65 tuổi, một pháo thủ tham gia chơi hơn 20 năm chia sẻ: "Trước khi gieo pháo, mỗi pháo thủ cần hít thở sâu, lấy lại sự bình tĩnh và nhìn bàn gieo pháo để làm sao gieo cho cân, vuông thì quả pháo mới ra cân 2 bên cánh và pháo ra dài hơn”.
Thông qua hội thi pháo đất đã tạo cơ hội cho các pháo thủ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm chơi pháo để rèn luyện sức khỏe. Đồng thời, pháo đất còn là hoạt động nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân gian, gắn với bảo tồn và phát huy tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết, tạo không khí vui tươi phấn khởi, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân trong các dịp lễ hội đầu xuân...
Dưới đây là hình ảnh được ghi lại tại hội thi pháo đất:
Mỗi quả pháo có trọng lượng từ 20 - 27 kg
Hội thi pháo đất góp phần bảo lưu nét đẹp trong truyền thống văn hóa tại vùng đất Long Hưng xưa – Hưng Hà ngày nay
Đồng chí Đinh Bá Khải, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện tới dự, động viên hội thi Pháo đất và tham gia gieo pháo cùng các đội
Hội thi pháo đất thu hút du khách tại lễ hội quan tâm theo dõi
Ban tổ chức trao giải cho các đội tham gia hội thi Pháo đất tại đền Trần năm 2025
Lễ hội đền Trần diễn ra từ ngày 10-14/2 (tức ngày 13-17 tháng Giêng năm Ất Tỵ) theo quy mô cấp tỉnh, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Lễ bái yết và dâng hương, lễ rước nước, lễ khai ấn, các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian... Lễ khai ấn là một trong những hoạt động quan trọng nhất của lễ hội. Cùng với đó còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian như: Thi cỗ cá, gói bánh chưng, pháo đất, têm trầu cánh phượng, kéo lửa nấu cơm, kéo co, cờ tướng, liên hoan hát văn...
Điểm nhấn của chương trình là màn thể hiện bài hát ca ngợi công đức của vua Trần Nhân Tông; ca khúc dân gian đương đại về Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, chương trình ca múa nhạc “Thái Bình vươn mình cùng kỷ nguyên mới của dân tộc” gồm các ca khúc về đất nước, Thái Bình và mùa xuân…
Hoàng Thủy - Ngọc Hoa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/phao-dat-net-dep-van-hoa-trong-le-hoi-den-tran-2025-373504.html