AK-306: Từ boong tàu chiến đến chiến trường Ukraine
AK-306 là pháo sáu nòng, cỡ nòng 30mm, tốc độ bắn nhanh, ban đầu được thiết kế cho hạm đội Liên Xô. Hệ thống được dùng để phòng thủ trước các mục tiêu trên không như tên lửa, máy bay, và thậm chí cả trực thăng bay thấp hướng về phía tàu chiến. Giờ đây, vũ khí này được bố trí tại khu vực Kherson ở Ukraine do Nga chiếm giữ và lắp đặt trên các xe địa hình - một minh chứng cho thiết kế bền bỉ và tính linh hoạt.
Hệ thống pháo AK-306. Ảnh: Modern Engineering Marvels
Việc chuyển đổi AK-306 từ ứng dụng trên biển sang ứng dụng trên bộ nêu bật xu hướng phổ biến trong xung đột: tái sử dụng công nghệ cũ để đối phó với các mối đe dọa hiện đại. Theo báo cáo của Militarnyi, quân đội Nga đã lắp đặt AK-306 tại các vị trí phòng thủ cố định, tận dụng tốc độ bắn cao để chống lại máy bay không người lái và các mục tiêu bay thấp khác.
Khi sử dụng cho lực lượng hải quân, AK-306 được trang bị hệ thống theo dõi quang điện tử Lazur và có thể vận hành từ xa bằng thiết bị ngắm quang OPU-1. Điều này cho phép hệ thống tự động nhắm mục tiêu và bắn, giảm thiểu nguy cơ lộ diện của kíp lái và tăng tốc độ phản ứng nhanh.
Khi được chuyển đổi để sử dụng trên mặt đất, một số nhà phân tích cho rằng các kỹ thuật vận hành từ xa vẫn được giữ lại mặc dù ở mức độ khác. Tính năng này đặc biệt quan trọng tại các vùng lãnh thổ có giao tranh, nơi ưu tiên hàng đầu là giảm thiểu rủi ro cho binh sỹ.
Hỏa lực của AK-306
AK-306 là một vũ khí mạnh mẽ khi xét theo cả tiêu chuẩn thời Liên Xô lẫn tiêu chuẩn hiện tại. Theo Army Recognition, khẩu pháo này có thể bắn tới 1.000 viên đạn mỗi phút, với tốc độ đầu đạn đạt 880m mỗi giây. Điều này giúp nó có khả năng tấn công tốt các mục tiêu trên không di chuyển nhanh, chẳng hạn như máy bay không người lái vốn rất phổ biến trên chiến trường Ukraine.
Mặc dù AK-306 chỉ bắn đạn gây cháy nổ mạnh (OF-84) và đạn phân mảnh (OR-84), cả hai đều không xuyên giáp, nhưng tốc độ bắn cao đã bù đắp cho nhược điểm này. Vũ khí này được thiết kế để tấn công nhanh và dồn dập, khiến nó trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các bầy UAV.
Nâng cấp nổi bật
Theo các chuyên gia quân sự, Nga đã thực hiện quá trình cải tiến và nâng cấp để AK-306 có thể sử dụng trong cuộc chiến trên bộ. Có lẽ cải tiến ấn tượng nhất là việc lắp đặt AK-306 trên khung gầm KamAZ-5350 - xe tải địa hình sáu bánh. Khung gầm di động này, vốn nổi tiếng với độ bền và khả năng cơ động vượt địa hình sẽ làm gia tăng tính linh hoạt hệ thống pháo khi vận hành.
Sự kết hợp giữa AK-306 và KamAZ-5350 tạo ra nền tảng tương tự như hệ thống phòng không di động. Điều này không chỉ giúp ích về mặt hậu cần mà còn đánh dấu bước tiến lớn trong khả năng tái triển khai nhanh chóng các phương tiện phòng không của Nga, để ứng phó với các mối đe dọa và tận dụng sự phức tạp của địa hình. Army Recognition nhận định, việc lắp đặt AK-306 trên khung gầm di động cho thấy nhu cầu ngày càng gia tăng đối với các hệ thống phòng không linh hoạt, phản ứng nhanh, có khả năng phát triển các biện pháp đối phó nhanh chóng trong điều kiện chiến đấu thay đổi.
Đối phó với nhiều mối đe dọa
Sự hồi sinh của pháo AK-306 có liên quan trực tiếp đến cuộc chiến máy bay không người lái đang leo thang ở Ukraine. Máy bay không người lái, trong đó có cả UAV trinh sát và tấn công, đã làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột. Tốc độ bắn và khả năng theo dõi của AK-306 đối với các mục tiêu di chuyển nhanh, bay thấp khiến hệ thống trở thành một biện pháp đối phó hiệu quả trước những mối đe dọa khó lường này.
AK-306 vừa có thể đặt cố định lại vừa dễ thay đổi vị trí, là một minh chứng cho chiến lược thực dụng trong tác chiến chống máy bay không người lái. Mặc dù thiếu cảm biến hiện đại, nhưng điều này có thể được bù đặp bằng hỏa lực mạnh và tính linh hoạt của hệ thống.
Nhược điểm
AK-306 không phải là vũ khí chống đạn. Theo giới phân tích, việc Nga triển khai hệ thống ra tiền tuyến ở Kherson là quyết định nhiều rủi ro. Do thiếu lớp giáp bảo vệ nên nó dễ bị tấn công, đặc biệt là từ máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine. Sự đánh đổi giữa tính hữu dụng và khả năng sống sót là một cân nhắc thường xuyên đối với chỉ huy các đơn vị đang sử dụng hệ thống cũ này.
Sự hồi sinh của AK-306 đại diện cho một xu hướng rộng hơn trong cuộc chiến Ukraine: tái sử dụng một cách sáng tạo công nghệ cũ để chống lại những thách thức mới. Khi môi trường chiến đấu thay đổi, thiết bị và chiến thuật được cả hai bên sử dụng cũng thay đổi theo. Đối với các chuyên gia công nghệ quốc phòng, những đổi mới này cung cấp manh mối quan trọng cho tương lai của xung đột, nơi sự khác biệt giữa thiết bị cũ và mới, giữa ứng biến và thiết kế, gần như không thể phân định.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Modern Engineering Marvels