Đến cuối năm 2030, Quân đội Pháp sẽ nhận được 13 hệ thống pháo phản lực dẫn đường tầm xa thay thế các tổ hợp LRU hiện có vì dự kiến chúng sẽ ngừng hoạt động vào năm 2027.
Ngoài ra đến năm 2035, số lượng sẽ tăng lên 26 hệ thống, nhưng đặc điểm và mô hình cụ thể của vũ khí trong tương lai chưa được tiết lộ. Điều này được biết đến từ một báo cáo của quốc hội Pháp vừa công bố.
Đồng thời như những người phát biểu tại quốc hội lưu ý, 26 hệ thống sẽ chỉ cho phép thành lập một trung đoàn vào năm 2035. Trong khi đó, tham vọng của Pháp bao gồm việc thành lập đơn vị lớn hơn đòi hỏi phải bao gồm 2 trung đoàn.
Hiện tại có tiếng nói kêu gọi đẩy nhanh tiến độ bàn giao 26 hệ thống trong khuôn khổ luật tài trợ quân sự giai đoạn 2024 - 2030 để có được đội hình trực chiến vào năm 2030. Đồng thời họ ủng hộ việc tăng số lượng vào năm 2035 - 2040, để đạt được mục tiêu thành lập 2 trung đoàn mới.
Việc thay thế các hệ thống MLRS LRU hiện có đang được thực hiện trong khuôn khổ chương trình Tấn công tầm xa trên bộ quy mô lớn (PEM FLP-T), hiện được chia thành hai giai đoạn.
Phần đầu tiên tập trung vào cuộc tấn công chiến thuật (lên tới 150 km), phần thứ hai tập trung vào cuộc tấn công tầm trung (hơn 500 km hoặc thậm chí 1.000 km).
Giai đoạn chuẩn bị của chương trình FLP-T bắt đầu vào tháng 7/2023 nhằm mục đích khám phá các phương án khác nhau để lựa chọn giải pháp, ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2025.
Vào tháng 11/2024, các nghiên cứu sơ bộ đã được thông báo cho hai tập đoàn kinh doanh cạnh tranh gồm Safran/MBDA và Thales/ArianeGroup. Họ quan tâm đến việc phát triển một hệ thống hoàn toàn nội địa.
Ngoài ra, một giải pháp phát triển đầy triển vọng do công ty Turgis Gaillard đề xuất cũng đang được xem xét khi tương thích với các tên lửa do trong nước sản xuất.
Đánh giá sơ bộ về chương trình pháo phản lực dẫn đường thế hệ mới dự kiến diễn ra vào tháng 11/2025 và lần ra mắt trình diễn đầu tiên theo kế hoạch được thực hiện vào tháng 4/2026.
Tuy nhiên theo thông tin cung cấp cho báo chí, việc phân tích đề xuất đấu thầu và thông báo cho liên danh được chọn nhiều khả năng thực hiện vào nửa cuối năm 2026, tức là chậm hơn đáng kể so với lịch trình ban đầu.
Theo các công ty sản xuất, hệ thống của họ sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2030, trong khi lực lượng vũ trang Pháp hy vọng có thể đưa chúng vào sử dụng từ năm 2029.
Trong phiên điều trần, đại diện Cơ quan mua sắm quốc phòng Pháp (DGA) đã xác nhận rằng hệ thống MLRS đang được phát triển phải có tầm bắn lên tới 150 km.
Nó cũng phải có độ chính xác và hiệu quả ứng dụng ít nhất ngang bằng với LRU, đồng thời có tính cơ động cao. Ngoài ra, kích thước của tổ hợp phải phù hợp với khoang chở hàng của máy bay A400M.
Đồng thời, hệ thống này phải tương thích với nhiều loại đạn dược tầm xa, chủ yếu là các tên lửa do Mỹ sản xuất đang được Quân đội Pháp sử dụng, để có thể tận dụng các loại đạn vẫn đang có trong biên chế.
Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh đến nhu cầu sử dụng đạn dược từ một bệ phóng duy nhất đến chiều sâu tác chiến không chỉ của cấp sư đoàn (50 - 150 km), mà còn tới cấp quân đoàn (150 - 300 km), tương tự các giải pháp tự hiện đang được Mỹ hoặc Nga sử dụng.
Hơn nữa, có vẻ như DGA đang yêu cầu hai tập đoàn này cam kết đạt được mục tiêu sở hữu 300 tên lửa tầm xa vào năm 2030, với sản lượng hàng năm từ 50 đến 100 đạn.
Tuy nhiên kinh nghiệm từ Ukraine cho thấy Quân đội Pháp sẽ cạn kiệt nguồn cung cấp tên lửa trong vòng chưa đầy một năm nếu xảy ra các hoạt động chiến đấu cường độ cao.
Song song với đó, công tác chuẩn bị giải pháp dự phòng từ nước ngoài cũng đang được tiến hành trong trường hợp giải pháp trong nước quá tốn kém hoặc không kịp triển khai.
Về mặt lý thuyết, việc mua một hệ thống làm sẵn có thể liên quan đến M142 HIMARS của Mỹ, K239 của Hàn Quốc, Europuls của Đức - Israel hoặc thậm chí là Pinaka của Ấn Độ.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng việc lựa chọn đối tác Mỹ, trong bối cảnh đối tác Washington ngày càng tỏ ra không nhất quán, sẽ là rủi ro về mặt địa chính trị.
Bạch Dương
Theo Defense Express