Pháo thủ xe tăng 390 và hồi ức húc đổ cổng Dinh Độc Lập

Pháo thủ xe tăng 390 và hồi ức húc đổ cổng Dinh Độc Lập
4 giờ trướcBài gốc
Không chỉ TP. Hồ Chí Minh, vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không khí trang trọng và đầy tự hào đang tràn ngập khắp các địa phương, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.
Tại buổi khai mạc triển lãm “Non sông liền một dải” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức mới đây, người dân Thủ đô rất bất ngờ, háo hức khi được gặp những người hùng năm xưa. Trong đó, có pháo thủ xe tăng 390 - ông Ngô Sỹ Nguyên, người đã góp phần tạo nên một trong những khoảnh khắc lịch sử vĩ đại đánh chiếm Dinh Độc Lập, kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài suốt 21 năm, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trước niềm háo hức, chờ đợi của người dân Hà Nội được nghe nhân chứng lịch sử kể lại khoảnh khắc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập 50 năm trước, ông Ngô Sỹ Nguyên bồi hồi xúc động.
Hình ảnh xe tăng 843, 390 tiến vào Dinh Độc Lập trong trưng bày "Non sông liền một dải". Ảnh: Hoa Quỳnh
Khoảnh khắc lịch sử trong ký ức pháo thủ
Từ tốn, ông Ngô Sỹ Nguyên chia sẻ, ngày 30/4/1975 là một dấu mốc không thể nào quên trong cuộc đời ông. Sáng 30/4, với tinh thần thần tốc, 4 đoàn quân, trong đó quân đoàn 2 của ông có hai xe tăng là 843, 390 tiến vào Sài Gòn, vượt qua những vòng phòng thủ cuối cùng của địch, tiến thẳng vào nội đô. Một trong những mục tiêu then chốt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Tổng Nha cảnh sát, Trường sỹ quan võ bị và Bộ Tư lệnh Hải quân.
Kíp xe tăng 390 đánh chiếm Dinh Độc Lập gồm 4 người: ông Vũ Đăng Toàn - đại đội trưởng, trưởng xe tăng 390; ông Nguyễn Văn Tập - lái xe tăng 390; ông Ngô Sỹ Nguyên - pháo thủ số 1 xe tăng 390 và ông Lê Văn Phượng (đã qua đời). Bên cạnh đó, kíp xe tăng 843 gồm: Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, lái xe Lữ Văn Hỏa, pháo thủ số 1 Thái Bá Minh, pháo thủ số 2 Nguyễn Văn Kỷ đã nhanh chóng tiến vào Sài Gòn, đánh bại quân địch tại nhiều điểm quan trọng, tạo điều kiện cho những bước tiến quyết định.
Pháo thủ xe tăng 390 húc đổ Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 Ngô Sỹ Nguyên chia sẻ với báo chí. Ảnh: Hoa Quỳnh
Ông Ngô Sỹ Nguyên kể: Xe tăng 390, theo sơ đồ của chính ủy Bùi Văn Tùng, đã vượt qua nhiều ngã tư, vượt qua cầu Thị Nghè và tiến đến Dinh Độc Lập mà không hề hay biết đã vượt qua bao nhiêu con đường. Trong lúc xe tăng 843 lao vào cổng phụ và dừng lại, ông Nguyễn Văn Tập đã nhận lệnh từ Đại đội trưởng Vũ Đăng Toàn: “Đâm thẳng vào!”. Và thế là, xe tăng 390 húc đổ cánh cổng sắt, mở ra một cửa ngõ cho quân đoàn phía sau tiến lên tiêu diệt cơ quan đầu não của địch.
Sau khi xe tăng 390 tiến vào sân Dinh Độc Lập, đại đội trưởng Bùi Quang Thận, không mang theo súng, đã nhanh chóng nhảy ra khỏi xe tăng 843, chạy sang phía xe tăng 390, tiến vào tiền sảnh của Dinh Độc Lập. Cùng với trưởng xe Vũ Đăng Toàn, họ tiếp tục xông vào trong, bắt giữ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh. Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên, với khẩu AK trong tay, cũng lao ra khỏi tháp pháo xe tăng, chạy vào để yểm trợ đồng đội.
Một khoảnh khắc lịch sử khác diễn ra tại Dinh Độc Lập, ông Ngô Sỹ Nguyên kể lại đầy khí thế: Khi Chính ủy Bùi Văn Tùng bước vào phòng lớn, nơi Tổng thống Dương Văn Minh đang ngồi. Dương Văn Minh đứng dậy, cúi người nói: “Chúng tôi đang chờ các ông vào để bàn giao”. Ông Bùi Văn Tùng đáp lại một cách kiên quyết: “Các ông là những người bại trận, còn gì để mà bàn giao, chỉ có đầu hàng vô điều kiện". Sau đó, Dương Văn Minh và nội các của ông được áp giải ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng, chính thức chấm dứt chiến tranh, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
Ông Ngô Sỹ Nguyên chụp ảnh kỷ niệm cùng các bạn trẻ Hà Nội. Ảnh: Hoa Quỳnh
Biểu tượng của sức mạnh dân tộc
Với pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên - khoảnh khắc xe tăng 390, 843 húc đổ cổng và đánh chiếm Dinh Độc Lập là một ký ức vĩnh cửu, dấu mốc chọi lói của lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, ông lại hết sức khiêm nhường bày tỏ, ông cùng đồng đội chỉ là những người lính bình thường, nhưng may mắn được lịch sử giao phó trọng trách quan trọng nhất trong khoảnh khắc huy hoàng của dân tộc.
Đồng thời, ông nhấn mạnh thêm: “Khoảnh khắc xe tăng 843, 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập không chỉ là việc đâm đổ một cánh cổng sắt. Đó là biểu tượng của sức mạnh dân tộc, là khát vọng hòa bình của người Việt Nam. 21 năm kháng chiến gian khổ và hy sinh mới có giây phút này”.
Khẳng định giá trị của chiến thắng 50 năm trước, ông Ngô Sỹ Nguyên cho hay là xứng đáng và vô giá. Bởi, trong suốt cuộc chiến, hàng triệu người đã hy sinh, hàng vạn người phải sống với thương tật suốt đời. Những nỗi đau từ chiến tranh, đặc biệt là hậu quả của chất độc da cam, sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức của những người tham gia cuộc chiến.
Ông Ngô Sỹ Nguyên ghi lưu bút tại trưng bày "Non sông liền một dải". Ảnh: Hoa Quỳnh
Hà Nội tháng Tư, nắng vàng đã bắt đầu trải dài khắp từng con phố, không khí rộn ràng kỷ niệm ngày 30/4 lịch sử, trong lòng mỗi người dân Thủ đô đều dâng trào niềm tự hào, xúc động khi hướng về miền Nam thân yêu, nơi 50 năm trước, những đoàn quân giải phóng đã tiến vào Sài Gòn, giải phóng thành đô.
Trong phòng trưng bày "Non sông liền một dải", ký ức hào hùng của dân tộc như sống lại trong từng nhịp đập, từng ánh mắt, nụ cười. Đặc biệt, qua những hồi ức vẹn nguyên trong lòng cựu chiến binh - pháo thủ xe tăng 390 Ngô Sỹ Nguyên đã như tiếp thêm sự hào hùng về lịch sử của dân tộc.
Giây phút được nghe chia sẻ từ pháo thủ xe tăng 390, trong tâm thức của người dân Hà Nội, pháo thủ xe tăng 390 Ngô Sỹ Nguyên và các đồng đội của ông - những người đã hùng dũng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 - chính là biểu tượng của tinh thần chiến đấu kiên cường, mãi là biểu tượng của lòng yêu nước, biểu tượng của sức mạnh dân tộc và của khát vọng hòa bình.
Sau khi đất nước thống nhất, xe tăng 390 tiếp tục tham gia các nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Còn xe tăng 843, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Sài Gòn, được chuyển về Hà Nội, tham gia triển lãm mừng ngày thống nhất. Ngày 1/10/2012, cả hai chiếc xe tăng 843 và 390 đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, trở thành những chứng tích sống động về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.
Bảo Thoa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/phao-thu-xe-tang-390-va-hoi-uc-huc-do-cong-dinh-doc-lap-385348.html