Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp thượng đỉnh ba bên tại thủ đô Cairo, ngày 7/4. (Nguồn: Jordan Times)
Thể hiện vai trò
Trong chuyến thăm từ ngày 6-8/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp nước chủ nhà Abdel Fattah al-Sisi đã tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược, đồng thời ký kết bảy thỏa thuận hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực y tế, giao thông, năng lượng và nước.
Chuyến thăm lần thứ tư của ông Macron tới quốc gia Bắc Phi kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu vào năm 2017 diễn ra trong bối cảnh khu vực Trung Đông tiếp tục đối mặt nhiều bất ổn, đặc biệt cuộc xung đột giữa Israel và Hamas tiếp tục leo thang. Trong khi đó, nền kinh tế của Ai Cập cũng đang gặp nhiều khó khăn với lạm phát tăng cao, thiếu hụt ngoại tệ…
Tháp tùng Tổng thống là đoàn quan chức cấp cao, bao gồm các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Kinh tế… cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Pháp - minh chứng cho cam kết thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Đáng chú ý, ngay khi bay đến không phận Ai Cập hôm 6/4, chuyên cơ chở Tổng thống Macron đã được một phi đội chiến đấu cơ Rafale thuộc lực lượng không quân Ai Cập đón chào và hộ tống. Viết trên mạng xã hội X sau đó, nhà lãnh đạo Pháp mô tả các máy bay chiến đấu Rafale chính là biểu tượng hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước.
Tại họp báo chung sau hội đàm, ông Macron khẳng định Paris tiếp tục hỗ trợ Ai Cập trong các lĩnh vực then chốt, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Cairo trong việc bảo đảm ổn định khu vực. Đáp lại, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi mô tả chuyến thăm của ông Macron là biểu tượng sinh động cho mối quan hệ bền chặt, mang tính xây dựng giữa hai quốc gia có lịch sử gắn bó lâu dài.
Vị khách đến từ châu Âu cam kết hỗ trợ tài chính cho Ai Cập thông qua khoản tín dụng và viện trợ trị giá 260 triệu Euro, tập trung vào các lĩnh vực giao thông, y tế, nước và năng lượng. Ngoài ra, Paris cũng cam kết ủng hộ Cairo trong đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu trong bối cảnh nền kinh tế nước này đối mặt nhiều thách thức.
Một trong những điểm nhấn của chuyến công du là hai nhà lãnh đạo cùng thảo luận về tình hình tại Dải Gaza. Tổng thống Macron nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp viện trợ nhân đạo không bị cản trở cho Gaza, đồng thời kêu gọi Israel dỡ bỏ các hạn chế đối với viện trợ nhân đạo. Ông thông báo rằng Pháp sẽ gửi một tàu hải quân và thiết bị y tế để hỗ trợ các bệnh viện tại Gaza, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Pháp trong hỗ trợ người dân Palestine và thúc đẩy hòa bình trong khu vực.
Tìm tiếng nói chung
Trong chuyến thăm, hôm 8/4, Tổng thống nước chủ nhà đã cùng vị khách châu Âu đến thăm thành phố cảng El-Arish của Ai Cập - điểm trung chuyển quan trọng cho hàng viện trợ đến Dải Gaza. Phát biểu với các phóng viên khi đến thăm một bệnh viện đang chữa trị cho hàng trăm bệnh nhân người Palestine, ông Macron kêu gọi sự cấp bách phải nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo càng sớm càng tốt, đồng thời lên án cuộc tấn công của Israel vào các nhân viên cứu trợ ở Gaza, khiến 15 nhân viên y tế và cứu hộ thiệt mạng vào ngày 23/3 vừa qua.
Trước đó, Tổng thống Macron và Quốc vương Jordan Abdullah II đã cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh ba bên đặc biệt tại Cairo do Tổng thống nước chủ nhà Abdel Fattah al-Sisi chủ trì. Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo ra Tuyên bố chung kêu gọi ngừng bắn lập tức tại Dải Gaza, thực hiện đầy đủ các giai đoạn của lệnh ngừng bắn đã đạt được, đồng thời nối lại viện trợ nhân đạo để ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng mà người dân Gaza phải đối mặt.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ba nước tái khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước, kêu gọi con đường chính trị dẫn đến thành lập nhà nước Palestine độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô và chấm dứt tình trạng leo thang xung đột, mở đường cho hòa bình và an ninh lâu dài trong khu vực.
Tuyên bố ba bên cũng nhấn mạnh vai trò của Chính quyền Palestine (PA) trong quản lý và bảo đảm an ninh ở Dải Gaza, đồng thời kêu gọi sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ khu vực và quốc tế, bao gồm các nước châu Âu để thực hiện kế hoạch tái thiết Gaza mà không phải di dời người dân - một đề xuất được Tổng thống Mỹ đưa ra mới đây nhưng đã vấp phải phản đối gay gắt từ nhiều nước khu vực.
Trong bối cảnh tình hình tại Dải Gaza tiếp tục leo thang - với hơn 50.700 người thiệt mạng kể từ tháng 10/2023 theo số liệu Liên hợp quốc - sự hiện diện của ông Macron tại Ai Cập và cùng dự Hội nghị thượng đỉnh ba bên được nhìn nhận là nỗ lực đáng kể của Paris nhằm khẳng định vai trò và thúc đẩy các giải pháp hòa bình tại khu vực.
Bên cạnh đó, vào thời điểm địa chính trị khu vực và toàn cầu tiếp tục biến động, sự phối hợp chặt chẽ giữa Pháp, Ai Cập và Jordan là dấu hiệu tích cực, cho thấy ngoại giao đa phương và hợp tác khu vực vẫn đóng vai trò thiết yếu trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển.
Nhất Phong