Theo ông Francois-Xavier Bieuville, Tỉnh trưởng Mayotte, số người thiệt mạng có thể lên đến 1.000 người. Trong một phát biểu trên truyền hình, ông Xavier Bieuville nói: "Tôi tin rằng có hàng trăm, thậm chí cả nghìn người đã chết... nhưng hiện rất khó để đưa ra con số chính xác vì mức độ tàn phá quá lớn".
Một đống đổ nát gồm các tấm kim loại, gỗ, đồ nội thất và vật dụng sau khi cơn bão Chido tấn công Mayotte, vùng lãnh thổ Ấn Độ Dương của Pháp. (Nguồn: AFP)
Bão Chido, được ghi nhận là cơn bão mạnh nhất tấn công khu vực này trong hơn 90 năm qua, mang theo những cơn gió giật trên 200 km/h vào ngày 14/12. Tàn phá không chỉ dừng lại ở Mayotte, mà còn ảnh hưởng đến các đảo lân cận như Comoros và Madagascar, trước khi đổ bộ vào Mozambique trên lục địa châu Phi.
Mayotte – Vùng lãnh thổ chật vật trong nghèo đói
Mayotte là một tỉnh hải ngoại của Pháp với hơn 300.000 dân, trong đó khoảng 1/3 là người di cư không giấy tờ. Nhiều người trong số họ sống trong các khu ổ chuột với những túp lều tạm bợ, càng làm tăng nguy cơ thiệt hại khi cơn bão ập đến.
Một đoạn video từ lực lượng hiến binh Pháp cho thấy hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy, nằm rải rác trên các sườn đồi.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi lời chia buồn sâu sắc: "Tôi xin chia sẻ với những người đồng hương tại Mayotte, những người đã trải qua những giờ phút kinh hoàng nhất, mất đi tất cả – thậm chí cả mạng sống".
Thủ tướng Francois Bayrou cũng xác nhận sân bay chính và các bệnh viện trên đảo đã bị thiệt hại nặng nề, trong khi hàng nghìn người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Mohamed Ishmael, một cư dân tại thủ phủ Mamoudzou của Mayotte, chia sẻ với Reuters: "Chúng tôi đang sống trong một thảm kịch. Nhìn quanh, bạn có cảm giác như đây là hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tôi đã chứng kiến cả một khu phố biến mất chỉ sau một đêm".
Một bệnh viện địa phương báo cáo có 9 người trong tình trạng nguy kịch và 246 người khác bị thương. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Pháp cho biết việc thống kê chính xác thương vong vẫn gặp nhiều khó khăn.
Pháp đã nhanh chóng triển khai 1.600 cảnh sát, lính cứu hỏa và lực lượng cứu hộ từ Mayotte và đảo Reunion lân cận. Nhiều chuyến hàng cứu trợ bao gồm lương thực và nhu yếu phẩm cũng đã được vận chuyển bằng máy bay và tàu quân sự.
Sau khi rời Mayotte, bão Chido đổ bộ vào Mozambique, nơi tỉnh Cabo Delgado – với dân số khoảng 2 triệu người – chịu thiệt hại nặng nề. UNICEF báo cáo nhiều nhà cửa, trường học và cơ sở y tế bị phá hủy, khiến hàng trăm nghìn người rơi vào cảnh thiếu thốn.
Người phát ngôn của UNICEF tại Mozambique Guy Taylor cho biết: "Các cộng đồng tại đây đối mặt với nguy cơ bị cô lập trong nhiều tuần, không thể tiếp cận trường học và các dịch vụ y tế".
Malawi và Zimbabwe cũng đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp, chuẩn bị sơ tán cư dân tại các vùng trũng thấp để đối phó với nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng.
Từ tháng 12 đến tháng 3, khu vực Đông Nam Ấn Độ Dương thường xuyên hứng chịu các cơn bão mạnh. Những năm gần đây, tần suất và sức mạnh của bão ngày càng gia tăng, một phần do biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia nhấn mạnh, các quốc gia nghèo ở miền Nam châu Phi – dù chỉ đóng góp rất ít vào hiện tượng nóng lên toàn cầu – lại phải chịu hậu quả nặng nề nhất. Họ kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các quốc gia giàu có, để giúp những khu vực này vượt qua các thảm họa nhân đạo đang ngày một nghiêm trọng.
Xuân Minh