Kế hoạch mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Pháp được chứng minh bằng những tuyên bố mới nhất từ các quan chức và kế hoạch do lãnh đạo đất nước đưa ra.
Theo các chuyên gia, động thái này nhằm mục đích củng cố sự độc lập chiến lược của Paris trong bối cảnh căng thẳng quốc tế gia tăng và sự thay đổi trong cán cân quyền lực trên trường thế giới.
Chính quyền Pháp coi việc hiện đại hóa và mở rộng tiềm năng hạt nhân là yếu tố then chốt trong học thuyết phòng thủ của mình, có thể ảnh hưởng đáng kể đến cán cân quyền lực ở châu Âu và nhiều nơi khác.
Theo nguồn tin nội bộ, Paris không chỉ muốn nâng cấp các hệ thống vũ khí hiện có mà còn muốn tăng số lượng. Nội dung thảo luận là về sự phát triển hơn nữa của kho vũ khí hạt nhân.
Những thành tố chính bao gồm tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm và tên lửa hành trình phóng từ trên không, tạo thành nền tảng cho "lực lượng răn đe" của Pháp (Force de Frappe).
Quá trình này dự kiến sẽ đi kèm với những khoản đầu tư đáng kể vào lĩnh vực quốc phòng, những gì diễn ra nhấn mạnh sự nghiêm túc trong ý định của chính quyền.
Trong bối cảnh hiện tại, Pháp vẫn cam kết thực hiện chính sách "đủ nghiêm ngặt" của mình, theo đó kho vũ khí hạt nhân phải ở mức tối thiểu cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, nhưng đồng thời cần thích ứng với những thách thức mới.
Về mặt lịch sử, Pháp đã trở thành cường quốc hạt nhân vào năm 1960 với cuộc thử nghiệm đầu tiên tại sa mạc Sahara, và kể từ đó họ luôn duy trì chương trình hạt nhân độc lập, không phụ thuộc vào công nghệ bên ngoài, khác hẳn với Anh vốn phụ thuộc vào Mỹ.
Ngày nay, Pháp có khoảng 290 đầu đạn, trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ tư thế giới sau Nga, Mỹ và Trung Quốc. Trong bối cảnh mối đe dọa toàn cầu đang gia tăng, Paris nhận thấy cần phải tăng cường tiềm năng để duy trì vị thế chiến lược của mình trong các vấn đề quốc tế.
Ngoài thông tin này, điều đáng chú ý là những bước đi mới nhất của giới lãnh đạo Pháp theo hướng trên. Trong tháng 3/2025, Tổng thống Emmanuel Macron đã tái khẳng định mong muốn của Paris trong việc đầu tư mạnh vào quốc phòng, bao gồm cả công nghệ hạt nhân.
Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận này bao gồm việc chi khoảng 1,6 tỷ đô la để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, như mua tiêm kích Rafale mới có khả năng mang tên lửa hạt nhân và phát triển thế hệ tên lửa đạn đạo M51.3 tiếp theo.
Ông Macron cho biết các biện pháp này nhằm mục đích tăng cường chủ quyền của Pháp và vai trò của họ trong việc bảo vệ châu Âu, đặc biệt là giữa bối cảnh không chắc chắn về cam kết của Mỹ đối với NATO sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Ngoài ra, Pháp đã tăng cường đối thoại với các đối tác châu Âu về khả năng mở rộng phạm vi bảo vệ hạt nhân của mình đối với các đồng minh tại Cựu lục địa.
Theo tờ Le Monde, vào tháng 2/2025, Thủ tướng Đức tương lai Friedrich Merz đã bày tỏ mong muốn thảo luận về việc mở rộng việc bảo vệ hạt nhân với Paris và London, đây là một bước ngoặt bất ngờ đối với Berlin, nơi trước đó vẫn hoài nghi về những sáng kiến như vậy.
Động thái này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng ở châu Âu về độ tin cậy của các bảo đảm từ phía Mỹ, đặc biệt là sau khi Washington đóng băng viện trợ quân sự cho Ukraine.
Đáp lại, Tổng thống Macron đề xuất mở một "cuộc đối thoại chiến lược" về vai trò liên quan đến tiềm lực hạt nhân Pháp trong hệ thống phòng thủ tập thể của châu Âu, đồng thời duy trì toàn quyền kiểm soát kho vũ khí của mình.
Bạch Dương
Theo AFP