Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu vừa lên tiếng xác nhận Paris sẽ nối lại việc sản xuất tên lửa hành trình SCALP sau 15 năm tạm ngừng.
Tên lửa SCALP hay Storm Shadow do Pháp và Anh hợp tác phát triển, vốn được sản xuất bởi tập đoàn MBDA của Pháp.
Trong bối cảnh Pháp và Anh liên tục viện trợ loại tên lửa SCALP/Storm Shadow cho Ukraine, kho dự trữ của họ đã cạn kiệt, buộc phải nối lại sản xuất để bổ sung.
Tên lửa hành trình tầm xa SCALP/Storm Shadow phóng từ trên không. Ảnh: MBDA
Quan chức Quốc phòng Pháp tiết lộ tên lửa SCALP/Storm Shadow sẽ được "hồi sinh" sản xuất tại nhà máy của MBDA ở Stevenage - Anh trong năm 2025.
"Tên lửa SCALP/Storm Shadow của Pháp – Anh đã chứng minh hiệu quả trong các trận đánh hiện đại cường độ cao, mang tính quyết định khi được cung cấp cho Ukraine" – Bộ trưởng Quốc phòng Pháp viết trên X sau chuyến thăm nhà máy của MBDA cùng người đồng cấp Anh John Healey.
Tên lửa SCALP/Storm Shadow được phóng từ máy bay, có thể tiêu diệt các mục tiêu kiên cố. Phiên bản gốc có tầm bắn khoảng 400 km, trong khi bản xuất khẩu chỉ đạt tầm bắn khoảng 250 km.
Cùng với việc công bố kế hoạch đặt mua thêm SCALP/Storm Shadow, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp – Anh cũng tuyên bố bước tiếp theo trong chương trình phát triển phiên bản nâng cấp tên lửa Future Cruise/Anti-Ship Weapon (FC/ASW).
Khởi động từ năm 2017, tên lửa FC/ASW sẽ thay thế SCALP/Storm Shadow, đồng thời thay thế cả hai loại tên lửa chống hạm Exocet và Harpoon đang được hải quân Pháp và Anh sử dụng.
Dự án này do MBDA phát triển, theo đuổi hai hướng thiết kế gồm phiên bản siêu thanh cơ động cao và phiên bản bay chậm nhưng có khả năng tàng hình vượt trội.
"Pháp và Anh đang cùng nhau đối mặt với các mối đe dọa hiện tại và thách thức tương lai" – Bộ trưởng Quốc phòng Anh nhấn mạnh - "Chúng tôi cam kết đưa quốc phòng trở thành động lực tăng trưởng, tăng tốc phát triển năng lực chiến đấu và bảo đảm lực lượng vũ trang hai nước có thể phối hợp tác chiến từ Bắc Cực đến biển Đen".
Trong khi đó, tạp chí Military Watch cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang cân nhắc cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình JASSM.
JASSM được phóng từ tiêm máy bay chiến đấu F-16, sẽ tăng đáng kể khả năng của Ukraine trong việc tấn công các mục tiêu chiến lược sâu trong lãnh thổ Nga.
Với tầm bắn lên tới 370 km, đầu đạn nặng 450 kg và khả năng dẫn đường chính xác cao, tên lửa JASSM có thể làm thay đổi cục diện năng lực chiến đấu của Ukraine.
Tên lửa không đối đất tầm xa AGM-158 JASSM của Mỹ. Ảnh: Wiki
Hiện chỉ có 4 quốc gia đang vận hành hệ thống vũ khí tiên tiến này, bao gồm Ba Lan, nước đã mua 110 quả JASSM cho phi đội F-16 của mình.
Mỹ trước đây từng từ chối xuất khẩu loại tên lửa này cho các đồng minh như Hàn Quốc với lo ngại làm lộ công nghệ nhạy cảm.
Nếu được phê duyệt, thương vụ JASSM sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn trong hỗ trợ quân sự của Mỹ đối với Ukraine, đặc biệt dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, theo AP, ông Donald Trump hôm 15-7 lại giảm nhẹ khả năng gửi vũ khí tầm xa cho Ukraine. Khi các phóng viên hỏi về việc cung cấp vũ khí có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga cho Ukraine, ông chủ Nhà Trắng đáp: "Chúng tôi không định làm vậy".
Trước đó một ngày, ông đề cập đến các đòn thuế quan cao ngất nếu Nga không chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 50 ngày, đồng thời công bố kế hoạch tăng cường kho dự trữ vũ khí của Ukraine bằng cách bán vũ khí Mỹ cho các đồng minh NATO, sau đó các đồng minh này chuyển tiếp cho Kiev.
Hải Hưng