Gần 3 triệu euro tiền biển thủ
Chủ tịch Đảng Tập hợp dân tộc (RN) cực hữu và 24 thành viên của đảng này đã bị kết tội biển thủ quỹ của Nghị viện châu Âu và bị cấm ra tranh cử 5 năm "có hiệu lực ngay lập tức", một tòa án ở Paris đã ra phán quyết vào 31.3 trong thời điểm quan trọng quyết định tương lai chính trị của Le Pen. Bà Le Pen cũng bị kết án bốn năm tù, trong đó có hai năm được giảm án bằng cách đeo thiết bị giám sát điện tử và nộp phạt 100.000 euro.
Chủ tịch đảng RN Marine Le Pen
Với phán quyết này, bà vẫn có thể tiếp tục vị trí nghị sĩ của mình trong Quốc hội nhưng sẽ không thể tham gia tranh cử lập pháp trong trường hợp Quốc hội bị giải tán trong tương lai gần. Đồng thời, bản án này trên thực tế đã cấm bà Le Pen tham gia tranh cử tổng thống vào năm 2027 ngay cả khi bà kháng cáo, điều mà bà mô tả trước đó là "có động cơ chính trị".
Tòa án ước tính tổng số tiền mà Nghị viện châu Âu bị biển thủ lên đến 2,9 triệu euro, trong đó cá nhân bà Le Pen biển thủ khoảng 474.000 euro.
Thẩm phán Bénédicte de Perthuis cho biết, mặc dù đây không phải hành vi biển thủ để làm giàu cho cá nhân, nhưng là biển thủ làm lợi cho một bên. Ông tuyên bố điều này vi phạm các nguyên tắc tài trợ cho chính đảng và việc biển thủ là hành động "xâm phạm nền dân chủ", lừa dối quốc hội và cử tri.
Phán quyết có động cơ chính trị?
Phát biểu với kênh truyền hình Pháp TF1 trong phản ứng đầu tiên của bà trước phán quyết, Le Pen gọi phán quyết này là một "có động cơ chính trị" nhằm ngăn cản bà tham gia tranh cử tổng thống năm 2027; đồng thời nói rằng hàng triệu người Pháp "vô cùng phẫn nộ" trước phán quyết.
Bà gọi phán quyết này là hành vi vi phạm pháp luật, cho biết bà sẽ kháng cáo và yêu cầu phiên tòa diễn ra trước chiến dịch tranh cử năm 2027. Tuy nhiên, bà sẽ không đủ tư cách để trở thành ứng cử viên cho đến khi đơn kháng cáo được giải quyết.
“Tôi không nghĩ các thẩm phán sẽ đi quá xa so với tiến trình dân chủ”, bà nói trong cuộc phỏng vấn với TF1. "Đây là ngày đen tối với nền dân chủ của chúng ta”.
Bà đã phủ nhận mọi cáo buộc đứng đầu "một hệ thống" nhằm rút tiền của Nghị viện châu Âu để mang lại lợi ích cho đảng của bà, thay vào đó bà cho rằng việc điều chỉnh công việc của các trợ lý Quốc hội theo nhu cầu của các nhà lập pháp trong đảng của bà là điều có thể chấp nhận được. Khi làm chứng, Le Pen nói với tòa: “Tôi hoàn toàn không cảm thấy mình đã phạm phải bất kỳ sai phạm nhỏ nhất hay hành động bất hợp pháp nào”.
Ứng cử viên tổng thống tiềm năng?
Bà Le Pen, 56 tuổi, là đối thủ lớn nhất của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 và 2022.
Vào tháng 6.2024, đảng này trở thành đảng có số ghế lớn nhất trong Quốc hội sau cuộc bầu cử lập pháp. Kết quả này giúp bà Le Pen tin rằng bà có đủ động lực để đắc cử trong cuộc chạy đua ghế tổng thống Pháp vào năm 2027 nhờ mối quan tâm của công chúng về vấn đề nhập cư và chi phí sinh hoạt gia tăng.
Các cuộc thăm dò dự đoán bà dễ dàng dẫn đầu vòng bỏ phiếu đầu tiên và lọt vào vòng tiếp theo để tham gia cuộc đối đầu trực tiếp với ứng viên còn lại. Tuy nhiên, phán quyết của tòa gần như đã khép lại triển vọng chính trị với lãnh đạo đảng cực hữu Pháp.
Với mức độ nổi tiếng hiện tại của bà Le Pen và đảng RN, thậm chí một số đối thủ cũng bày tỏ không hài lòng trước viễn cảnh bà không thể tham gia cuộc bầu cử tổng thống. "Có rất nhiều công dân Pháp đồng cảm với những tuyên bố và cuộc đấu tranh của Marine Le Pen, và nói một cách nhẹ nhàng, cá nhân tôi sẽ rất buồn nếu bà ấy không thể ra tranh cử để đại diện cho họ", cựu ủy viên EU của Pháp Thierry Breton phát biểu trên truyền hình hồi cuối tuần.
Quỳnh Vũ (Theo EuroNews)