Pháp luật quy định thế nào về quy chuẩn đạo đức của nhà giáo?

Pháp luật quy định thế nào về quy chuẩn đạo đức của nhà giáo?
4 giờ trướcBài gốc
Theo Thạc sĩ - luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp "trồng người". Đây chính là nền tảng, động lực thôi thúc trách nhiệm, nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình, xứng danh với nghề cao quý mà xã hội tôn vinh, góp phần xây dựng một môi trường học tập tích cực, là tấm gương cho học sinh noi theo.
Tuy nhiên, gần đây, nhiều thông tin cho thấy một số nhà giáo vi phạm quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp khi "đòi" phụ huynh mua laptop, "ép" học sinh đi học thêm, nữ giáo viên trẻ quá thân mật với học sinh nam... Những hình ảnh này phần nào làm mất đi vẻ đẹp của một nghề cao quý được xã hội tôn vinh, ảnh hưởng đến truyền thống "tôn sư trọng đạo".
Pháp luật quy định như thế nào về tiêu chuẩn đạo đức của giáo viên?
Luật sư Hoàng Thị Hương Giang cho hay, dưới góc độ pháp lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/4/2008 quy định về đạo đức nhà giáo. Trong đó, tại Điều 4 của Quyết định này quy định rõ như sau:
"1. Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng.
2. Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành.
3. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.
4. Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục".
Ngoài ra, Điều 6 Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về việc giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo như sau:
"1. Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; không gây khó khăn, phiền hà đối với người học và nhân dân.
4. Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác…"
Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ GD&ĐT
Ngày 14/4/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ GD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Hình ảnh giáo viên trẻ quá thân mật với nam sinh lớp 10 lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình.
Cụ thể, đối với giáo viên mầm non, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp được quy định tại khoản 1, Điều 1 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ GD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
1. Bổ sung Điều 2a như sau:
"Điều 2a. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
1. Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục mầm non.
2. Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước trẻ em.
3. Yêu nghề, thương yêu trẻ em; biết quản lý cảm xúc; đối xử công bằng và tôn trọng trẻ em; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.
4. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ GD&ĐT về đạo đức nhà giáo."
Đối với giáo viên tiểu học công lập, THCS công lập, THPT công lập, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp được quy định lần lượt tại khoản 1, Điều 2, khoản 1, Điều 3 và khoản 1, Điều 4 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT như sau:
Bổ sung Điều 2a sau Điều 2: Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
1. Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục tiểu học (THCS, THPT).
2. Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh.
3. Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.
4. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ GD&ĐT về đạo đức nhà giáo.
Luật sư Hoàng Thị Hương Giang cũng cho biết, bên cạnh các quy định pháp lý nêu trên thì Bộ GD&ĐT cũng ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019 quy định về quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Theo đó, giáo viên cần:
Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Ứng xử với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Ứng xử với cán bộ quản lý: Ngôn ngữ tôn trọng, trung thực, cầu thị, tham mưu tích cực và thể hiện rõ chính kiến; phục tùng sự chỉ đạo, điều hành và phân công của lãnh đạo theo quy định. Không xúc phạm, gây mất đoàn kết; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cán bộ quản lý.
Ứng xử với đồng nghiệp và nhân viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ; tôn trọng sự khác biệt; bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của đồng nghiệp, nhân viên. Không xúc phạm, vô cảm, gây mất đoàn kết.
Ứng xử với cha mẹ người học: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ. Không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi.
Ứng xử với khách đến cơ sở giáo dục: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà.
Giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị xử lý thế nào?
Cũng theo luật sư Hoàng Thị Hương Giang, căn cứ vào quy định trên thì việc giáo viên có ứng xử không đúng mực với học sinh, vi phạm quy tắc ứng xử trong giáo dục thì tùy từng tính chất, mức độ hành vi, giáo viên vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về việc áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức như sau:
Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 17 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản;
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về việc áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với viên chức như sau:
1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách về hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 Nghị định này mà tái phạm;
2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này.
Quỳnh Mai
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/phap-luat-quy-dinh-the-nao-ve-quy-chuan-dao-duc-cua-nha-giao-169241009172141257.htm