Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống pháp luật nước ta không ngừng được củng cố và phát triển trên tất cả lĩnh vực, với nền tảng là Hiến pháp và trọng tâm là các văn bản luật.
Kết quả tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 cho thấy, hệ thống pháp luật nước ta cơ bản đã bảo đảm được tính toàn diện, minh bạch, dễ tiếp cận, ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về tính thống nhất, đồng bộ và khả thi.
Nhà Xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn Pháp luật về tình trạng khẩn cấp - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các loại rủi ro ngày càng đa tầng, đa lĩnh vực, bao gồm các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng v.v., việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý đầy đủ, linh hoạt nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc pháp quyền cho tình trạng khẩn cấp là một yêu cầu cấp thiết.
Để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và tìm hiểu của bạn đọc về pháp luật tình trạng khẩn cấp, Nhà Xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn Pháp luật về tình trạng khẩn cấp - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn do TS Nguyễn Thị Hạnh và TS Nguyễn Thị Thu Vân là đồng chủ biên.
Trên cơ sở khảo cứu lý luận (Chương I); minh định về vai trò, mục tiêu của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; so sánh kinh nghiệm lập pháp quốc tế (Chương II); phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng ở Việt Nam (Chương III), nhóm tác giả đã đề xuất những giải pháp lập pháp cụ thể, có chiều sâu nhằm hoàn thiện khung pháp lý về tình trạng khẩn cấp trong thời gian tới (Chương IV).
Trong đó, đáng chú ý là những đề xuất mang tính thiết chế như: xác lập rõ khái niệm và tiêu chí pháp lý về tình trạng khẩn cấp, bổ sung trạng thái pháp lý trung gian "tiền khẩn cấp" (quasi-emergency), hoàn thiện hệ thống nguyên tắc áp dụng các biện pháp và thiết kế cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, phù hợp với tinh thần Hiến pháp.
Đây là những nghiên cứu ban đầu, mang tính chất gợi mở, Nhà Xuất bản giữ nguyên một số quan điểm của nhóm tác giả có thể còn có góc nhìn khác nhau để bạn đọc tham khảo, bàn luận.
Hy vọng cuốn chuyên khảo này sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích đối với các cơ quan xây dựng pháp luật, các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu, các cơ sở đào tạo luật và bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Cuốn sách được phát hành tại Nhà xuất bản Tư pháp.
NXB Tư pháp