Sophie Primas, người phát ngôn của chính phủ Pháp. Ảnh: Getty Images
Theo người phát ngôn Primas, Pháp sẽ hỗ trợ Ukraine cả hiện tại, khi nước này đang rất cần vũ khí, và trong tương lai, nhằm mục đích giúp tạo điều kiện cho một lệnh ngừng bắn.
"Tôi không biết cơ chế chính xác của tiến trình này (sáng kiến mua vũ khí Mỹ cho Ukraine), nhưng rõ ràng, chúng tôi đang hoạt động trong khuôn khổ hỗ trợ quân sự, bằng cách này hay cách khác, với ưu tiên mạnh mẽ cho việc mua sắm vũ khí từ châu Âu. Đó là lập trường rõ ràng mà Pháp luôn giữ vững", bà Primas giải thích.
Trước đó, Đức đã đề xuất một sáng kiến, theo đó các nước châu Âu sẽ mua vũ khí Mỹ cho Lực lượng Vũ trang Ukraine. Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông, Pháp đã quyết định không tham gia sáng kiến này, vì Paris có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng trong khi cố gắng cắt giảm ngân sách và kiềm chế thâm hụt. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ lâu đã ủng hộ các quốc gia thành viên EU phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và ưu tiên mua vũ khí do châu Âu sản xuất.
Ngoài ra, Hungary cũng đã từ chối tham gia vào việc tài trợ chung vũ khí Mỹ cho Ukraine.
Mặc dù là một bên ủng hộ lâu dài của Ukraine, Pháp đã từ chối tham gia kế hoạch của Đức, vốn được công bố trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Washington vào ngày 14/7.
Theo kế hoạch này, NATO sẽ mua vũ khí tiên tiến từ Mỹ, bao gồm các hệ thống phòng không, và chuyển giao một số vũ khí này cho Ukraine.
Hai quan chức Pháp tiết lộ với tờ Politico rằng, Paris từ chối tham gia kế hoạch này do Tổng thống Emmanuel Macron thúc đẩy các quốc gia châu Âu củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của mình bằng cách mua vũ khí sản xuất trong nước.
Politico cho biết Pháp cũng đang phải đối mặt với những hạn chế về ngân sách và mục tiêu chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng trong bối cảnh áp lực kinh tế ngày càng lớn.
Trong khi đó, Italy cũng có lập trường tương tự. Theo tờ La Stampa, các quan chức Italy đã loại trừ khả năng mua trực tiếp vũ khí của Mỹ, viện dẫn những hạn chế về tài chính và việc nước này tập trung vào các hệ thống công nghệ khác nhau, chẳng hạn như hệ thống phòng không SAMP/T do Italy - Pháp sản xuất đã được cung cấp cho Ukraine.
Các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Italy nhấn mạnh rằng quyết định này không nên được coi là sự thiếu hỗ trợ cho Ukraine, mà là lời kêu gọi tìm kiếm các phương án thay thế để đóng góp vào nỗ lực chung này.
Theo tờ La Stampa, Italy hiện đang xem xét yêu cầu của NATO về việc hỗ trợ vận chuyển hậu cần vũ khí do Mỹ cung cấp cho Ukraine - dù bằng đường hàng không, đường sắt hay đường biển - và đã phát tín hiệu rằng họ sẽ không "né tránh" việc đóng góp. Bản chất và quy mô cụ thể của cam kết của Rome vẫn chưa được xác định.
Trong khi đó, bình luận về kế hoạch tài trợ vũ khí NATO-Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski lập luận rằng chi phí vũ trang cho Ukraine không nên do người nộp thuế châu Âu chi trả mà nên được chi trả bằng tài sản bị đóng băng của Nga.
Kế hoạch vũ khí mới cho Ukraine sẽ bao gồm các hệ thống phòng không mới, điều mà Kiev đã yêu cầu trong nhiều tuần, khi Nga tăng cường các cuộc tấn công vào các thành phố của nước này. Sáng kiến này được Đức và Tổng thư ký NATO Rutte đề xuất, và được coi là một giải pháp tạm thời cho sự do dự của Tổng thống Trump trong việc gửi viện trợ trực tiếp của Mỹ.
Đức đã "đầu tư rất nhiều" vào kế hoạch này, ông Rutte nói, đồng thời cho biết thêm rằng sự ủng hộ của ông Trump đã đến nhờ sự phối hợp chặt chẽ với Berlin. Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã nhấn mạnh rằng sáng kiến này phục vụ lợi ích riêng của châu Âu và gia tăng áp lực buộc Nga phải đàm phán hòa bình.
Các nước châu Âu khác - bao gồm Anh, Hà Lan và một số quốc gia Bắc Âu - đã ủng hộ sáng kiến.
Về phần mình, Tổng thống Trump cho biết vào ngày 15/7 rằng việc chuyển giao thêm tên lửa phòng không Patriot và các vũ khí khác cho Ukraine đã được tiến hành.
Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc