Pháp sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong chuyển dịch năng lượng

Pháp sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong chuyển dịch năng lượng
2 ngày trướcBài gốc
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc làm việc. Nguồn: VGP.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Việt Nam, sáng 27/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã dự buổi làm việc và ăn sáng theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thông tin, trao đổi với nhau về quan điểm, tầm nhìn cũng như nhu cầu hợp tác trong tiến trình chuyển đổi năng lượng của mỗi nước để từ đó các bên tiếp tục phát triển mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Pháp cam kết dành 500 triệu Euro vốn vay ưu đãi hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch năng lượng
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh giá cao các cam kết quốc tế của Việt Nam tại các khung khổ đa phương, trên nhiều phương diện như phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí carbon, chuyển dịch năng lượng và khẳng định Pháp sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng Việt Nam trong triển khai các cam kết này thông qua nhiều cơ chế hợp tác trong đó có khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Tổng thống Pháp cũng khẳng định sự ủng hộ của Pháp dành cho Việt Nam thể hiện qua cam kết dành 500 triệu Euro nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện các dự án trong khuôn khổ JETP giai đoạn 2023 - 2027.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc hai nước Việt Nam - Pháp nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2024 là tiền đề quan trọng để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải carbon. Nguồn: VGP.
Chia sẻ quan điểm với Tổng thống Pháp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng chuyển dịch năng lượng là "vấn đề sống còn", là mục tiêu quan trọng của cả Pháp và Việt Nam trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thành đang dần cạn kiệt.
Việc chuyển đổi sang các hình thức năng lượng mới, sạch hơn trong đó có năng lượng tái tạo, hydrogen, năng lượng hạt nhân sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các cơ quan quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp hai nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh hai bên đã có truyền thống hợp tác lâu dài và đạt được nhiều thành công trong hợp tác năng lượng, bên cạnh đó việc hai nước nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2024 là tiền đề quan trọng để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải khí carbon.
Cũng theo Phó Thủ tướng, quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam không chỉ được thúc đẩy trong lĩnh vực năng lượng mà còn cả ở các lĩnh vực khác của nền kinh tế như công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp...
Hai bên cũng khẳng định chuyển đổi năng lượng không thể đạt được nếu chỉ dựa vào nỗ lực riêng của chính phủ hoặc khu vực tư nhân. Hợp tác công - tư chính là cầu nối để hai bên cùng chia sẻ nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và mở rộng quy mô triển khai các giải pháp năng lượng bền vững.
Nhân dịp này, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã tổ chức lễ ký các văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước trước sự chứng kiến của ông Eric Lombard, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính, Chuyển đổi công nghiệp và Số (Pháp) và Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng.
Đặc biệt, trong số các văn kiện ký kết có Biên bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Tập đoàn điện lực (EVN) về khoản vay dự án thủy điện tích năng Bác Ái và Biên bản ghi nhớ giữa HDF Energy và Công ty Điện lực miền Nam về hợp tác phát triển các dự án sản xuất điện từ hydro khử carbon.
Việt - Pháp hợp tác mở rộng, hiện đại hóa lưới truyền tải điện tại Việt Nam
Trước đó, ngày 26/5, ngay sau cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Lương Cường tại Phủ Chủ tịch, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch nước Lương Cường đã chứng kiến lễ trao Hợp đồng tín dụng tài trợ Dự án "Tăng cường lưới điện truyền tải phía Nam" giữa Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT).
Lễ trao Hợp đồng tín dụng tài trợ Dự án "Tăng cường lưới điện truyền tải phía Nam" giữa AFD và EVNNPT trước sự chứng kiến của Tổng thống Pháp và Chủ tịch nước Việt Nam. Nguồn: TTXVN.
Khoản đầu tư này trị giá 67 triệu Euro, sẽ tài trợ cho ba tiểu dự án, bao gồm hai trạm biến áp (TBA) 500kV xây mới và các đường dây truyền tải điện liên quan đặt tại hai tỉnh phía Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh là Bình Dương và Đồng Nai; nhằm tăng cường tính ổn định của lưới điện và nâng cao hiệu quả vận hành, qua đó đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng thiết yếu để duy trì tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Đây là dự án JETP đầu tiên được một đối tác quốc tế phê duyệt và cũng là khoản tài trợ công đầu tiên trong số các cam kết tài chính mà cộng đồng quốc tế đưa ra để hỗ trợ JETP Việt Nam kể từ năm 2022.
Bên cạnh hỗ trợ tài chính, AFD sẽ hỗ trợ hợp tác kỹ thuật giữa Cơ quan Truyền tải điện Pháp (RTE) và EVNNPT. Hợp tác này sẽ trao đổi chuyên môn giữa EVNNPT và các chuyên gia Pháp là những chuyên gia hàng đầu quốc tế, tập trung vào các lĩnh vực: tiêu chuẩn kỹ thuật và thông số thiết bị, đảm bảo hạ tầng điện lực của Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất; các biện pháp an ninh mạng, nhằm nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng năng lượng trong bối cảnh hệ thống lưới điện đang được số hóa; thực hành an toàn, sức khỏe và môi trường (HSE), giúp tối ưu hóa vận hành bền vững và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
AFD là tổ chức tài chính công của Pháp, thực hiện chính sách hợp tác phát triển và đầu tư bền vững của Chính phủ Pháp. Thông qua tài trợ các dự án công, hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ (NGO), nghiên cứu khoa học, đào tạo về phát triển bền vững và nâng cao nhận thức tại Pháp, AFD tài trợ, đồng hành và thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi hướng tới một thế giới công bằng và bền vững hơn.
Thu Thảo
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/phap-san-sang-ho-tro-dong-hanh-cung-viet-nam-trong-chuyen-dich-nang-luong-42022.html