Pháp sẵn sàng triển khai lá chắn hạt nhân bảo vệ châu Âu

Pháp sẵn sàng triển khai lá chắn hạt nhân bảo vệ châu Âu
5 giờ trướcBài gốc
Theo tờ The Telegraph, Pháp có thể điều động các máy bay chiến đấu mang vũ khí hạt nhân tới Đức nhằm phát đi thông điệp cứng rắn đối với Nga. Động thái này không chỉ củng cố năng lực phòng thủ của châu Âu, mà còn thể hiện quyết tâm của Pháp trong việc bảo vệ đồng minh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). (Nguồn: Getty Images)
Ông Friedrich Merz, người được coi là ứng cử viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng Đức, đã kêu gọi Anh và Pháp mở rộng phạm vi lá chắn hạt nhân của họ, giúp châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và NATO ngày càng có nhiều biến động, châu Âu cần chủ động hơn trong việc bảo đảm an ninh cho chính mình.
Một quan chức cấp cao của Pháp tiết lộ rằng phương án triển khai máy bay chiến đấu hạt nhân tới Đức hoàn toàn khả thi và sẽ tạo áp lực lên Moscow, đặc biệt là đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Về phía Berlin, giới ngoại giao Đức tin rằng động thái này có thể thúc đẩy Thủ tướng Anh Keir Starmer xem xét các biện pháp tương tự.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc trao đổi với ông Merz trước khi lên đường tới Nhà Trắng để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo dự kiến tập trung vào vấn đề an ninh châu Âu và viện trợ quân sự cho Ukraine.
Từ lâu, Mỹ đã đảm bảo an ninh châu Âu bằng kho vũ khí hạt nhân với khoảng 100 đầu đạn, phần lớn được đặt tại Đức. Tuy nhiên, dưới thời ông Trump, Washington đang có những động thái khiến các đồng minh NATO lo ngại về cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực.
Hiện nay, lực lượng răn đe hạt nhân của Pháp vẫn hoạt động độc lập với NATO, trong khi Anh duy trì hệ thống Trident với 4 tàu ngầm Vanguard mang đầu đạn hạt nhân. Dù vậy, theo các nguồn tin từ Đức, các cuộc đàm phán về một hệ thống răn đe hạt nhân chung cho toàn châu Âu vẫn chưa chính thức được khởi động.
Trong khi đó, Ukraine tiếp tục tìm kiếm những bảo đảm an ninh từ cộng đồng quốc tế. Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson từng đề xuất Kiev nên sở hữu vũ khí hạt nhân riêng nhằm tăng cường khả năng phòng vệ. Về phần mình, ông Trump tuyên bố Ukraine có thể nhận được sự hỗ trợ từ các lực lượng châu Âu với danh nghĩa gìn giữ hòa bình, đồng thời khẳng định cuộc xung đột có thể được giải quyết chỉ trong vài tuần.
Ở chiều ngược lại, Nga đang thể hiện sự sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực sản xuất kim loại đất hiếm và để ngỏ khả năng tham gia vào một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Xuân Minh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/phap-san-sang-trien-khai-la-chan-hat-nhan-bao-ve-chau-au-169250225134400492.htm