Thủ tướng Francois Bayrou, 73 tuổi theo đường lối trung dung, được bổ nhiệm hôm 13/12 sau sự sụp đổ của chính phủ bảo thủ do ông Michel Barnier đứng đầu. Ông đã đặt mục tiêu thành lập Chính phủ mới trước Giáng sinh, vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội và thông qua ngân sách cho năm tới. Ông hi vọng sẽ tập hợp được sự ủng hộ của các các chính trị gia cánh tả, cánh hữu và trung dung để tránh rơi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm Michel Barnier- vị thủ tướng của thời gian tại vị ngắn nhất trong nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp bắt đầu từ năm 1958.
Thủ tướng Pháp Francois Bayrou. Ảnh: Le Figaro
Các vị trí cấp cao trong Chính phủ của tân Thủ tướng Francois Bayrou vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, một số nguồn tin khẳng định, cựu Thủ tướng Elisabeth Borne, cựu Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin và ông Xavier Bertrand đứng đầu lực lượng cánh hữu vùng Hauts-de-France là những cái tên chắc chắn nhất vào thời điểm hiện nay.
Bộ trưởng Nội vụ sắp mãn nhiệm Bruno Retailleau theo đường lối bảo thủ và cứng rắn với người nhập cư cũng được kỳ vọng sẽ giữ một vị trí trong chính phủ mới của Pháp. Ngoài ra, một số cái tên khác có thể kể đến là Bộ trưởng Văn hóa sắp mãn nhiệm Rachida Dati thuộc cánh hữu và Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Sebastien Lecornu.
Chính trường Pháp rơi vào bế tắc sau khi Tổng thống Emmanuel Macron quyết định đặt cược vào cuộc bầu cử sớm trong năm nay. Tuy nhiên không có đảng hay liên minh nào giành được đa số. Ông Bayrou là Thủ tướng thứ 6 trong nhiệm kỳ của ông Macron và là Thủ tướng thứ 4 trong chưa đầy 1 năm. Ông đã trải qua tuần đầu tiên sóng gió trên cương vị Thủ tướng Pháp khi quyết định tham dự một cuộc họp tại thành phố quê hương Pau, nơi ông từng làm thị trưởng thay vì tới Mayotte đang vật lộn với hậu quả chết người của bão Chido.
Cuộc thăm dò mới nhất của Ifop cho thấy, 66% số người Pháp được hỏi cho biết họ không hài lòng với thành tích của tân Thủ tướng và chỉ có 34% hài lòng hoặc rất hài lòng. Theo Ifop, đây là mức tín nhiệm thấp nhất đối với một thủ tướng mới nhậm chức kể từ khi cơ quan này bắt đầu các cuộc thăm dò năm 1959.
Ông Bayrou đã cảnh báo về những mối nguy cơ phía trước nếu chính phủ của ông sụp đổ: “Chúng tôi đã đề xuất một ngân sách khó khăn - nơi mọi thứ đều khó khăn - để giảm thâm hụt ngân sách. Và với đa số các nhà lập pháp, đặc biệt là tại Thượng viện, chúng tôi đã gần đạt được một thỏa thuận công bằng. Thâm hụt này không biến mất chỉ bằng phép màu của một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Một khoản nợ như vậy, một khoản thâm hụt như vậy, chính là thuế cho con cháu chúng ta”.
Những nỗ lực nhằm kiềm chế thâm hụt, dự kiến sẽ kết thúc năm ở mức hơn 6% GDP, là nguyên nhân chính của những bất ổn hiện nay tại Pháp. Mức độ của cuộc khủng hoảng cũng làm suy giảm chỉ số tín nhiệm của Tổng thống Emmanuel Macron và đã xuất hiện những lời kêu gọi nhà lãnh đạo này từ chức khi ông chưa đi được một nửa chặng đường của nhiệm kỳ thứ 2 sẽ kết thúc vào năm 2027. Một kịch bản có thể khiến chi phí đi vay của Pháp tăng cao và để lại một khoảng trống quyền lực tại trung tâm Liên minh châu Âu trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị nhậm chức.
Lãnh đạo đảng cánh tả Nước Pháp bất khuất (LFI) Jean-Luc Melenchon đã tuyên bố sẽ yêu cầu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khi ông Bayrou có bài phát biểu chính sách trước quốc hội vào ngày 14/ 1/2025.
Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp