Tác giả: NCS. TKN Thích nữ Liên Liên
Địa chỉ: 128/6 Vườn Lài, An Phú Đông, TP. HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024
Tự tứ (自肆; Pavāranā), phiên âm là Bát – hòa - la, còn được dịch là Tùy ý, Thỉnh thỉnh. Đây là một ngày lễ quan trọng trong Phật giáo, đánh dấu sự kết thúc của ba tháng An cư. Pavāranā thường được dịch là Tự tứ, ý nghĩa chính thức và chủ yếu của từ Pavāranā là sự thỉnh cầu (pavāreti), sự yêu cầu hay nói cách khác là sự thỉnh tội, tức là thỉnh cầu chư tăng chỉ lỗi, nhắc nhở, khuyên bảo bằng tâm từ do thấy, do nghe, do nghi để vị tỳ kheo, tỳ kheo ni đương sự thấy lỗi của mình mà sửa sai và hoàn thiện bản thân, hoàn thiện phẩm hạnh của một tỳ kheo, tỳ kheo ni chân chính.
Pavāranā cũng có nghĩa là sự soi sáng, thức tỉnh cho nhau, cho khỏi phạm tội để làm gương cho nhau và cho kẻ hậu lai noi theo.(2) Dĩ nhiên giữa hai bộ Luật có điểm tương đồng lẫn dị biệt vì cả hai bộ luật đều ghi lại những lời giáo huấn, những điều học mà đức Phật đã quy định cho chúng đệ tử; song, hai bộ Luật có điểm dị biệt vì hai bộ luật xuất phát từ hai hệ thống truyền thừa ở hai địa điểm khác nhau nên có sự ảnh hưởng bởi văn hóa, quan niệm và tư tưởng của địa phương nơi ấy.(3)
1. Tương đồng
a. Thể thức Tự tứ
Về thể thức Tự tứ, cả hai hệ thống LTP và TPL tương đồng nhau. Cả hai bộ luật đều ghi nhận khi Tự tứ, tất cả tăng chúng, không phân biệt giới phẩm, hạ lạp đều không được ngồi yên một chỗ Tự tứ, mà phải đến trước vị nhận Tự tứ, đắp thượng y một bên vai, hoặc quỳ gối hoặc đứng (theo luật Pāli, vị cầu Tự tứ có thể ngồi chồm hổm), chắp tay lên cầu thỉnh Tự tứ. Tuy nhiên, về người thọ Tứ tứ thì TPL có đề cập đến nhưng LTP không nói đến. Với TPL, một người thọ Tự tứ phải hội đủ năm pháp sau đây, nếu không hội đủ những điều này thì không được thọ Tự tứ. Năm pháp đó là “không ái, không nhuế, không bố, không si, biết người Tự tứ rồi hay chưa.”(4)
Như pháp Cử tội, pháp Tự tứ ở cả hai hệ thống giới luật đều có bốn loại Tự tứ. Theo đó, LTP có đề cập đến bốn hành sự Pavāranā. Bốn hành sự Pavāranā đó là: “Hành sự Pavāranā sai pháp theo phe nhóm, hành sự Pavāranā sai pháp có sự hợp nhất, hành sự Pavāranā đúng pháp theo phe nhóm, hành sự Pavāranā đúng pháp có sự hợp nhất”(5) Trong bốn hành sự này, theo LTP, bậc Thiện Thệ chỉ cho phép hành sự Pavāranā đúng pháp có sự hợp nhất được tiến hành.
Và với TPL, bậc Đại sĩ dạy có bốn loại Tự tứ: “Tự tứ phi pháp biệt chúng, tự tứ phi pháp hòa hợp, tự tứ như pháp biệt chúng, tự tứ như pháp hòa hợp.”(6) Trong bốn pháp Tự tứ này, pháp tự tứ thứ tư là pháp tự tứ được đức Phật dạy là đúng pháp, như thế mới gọi là Tự tứ. Như vậy, đây là điểm tương đồng giữa TPL và LTP, chỉ khác nhau về ngôn từ diễn đạt, còn ý nghĩa như nhau.
b. Số lượng Tăng
Về số lượng Tăng để tiến hành Tự tứ, cả TPL lẫn LTP đều có chung về số lượng Tăng. Đó là tất cả chúng tỳ kheo, tỳ kheo ni an cư đều phải thú lỗi, cầu xin chỉ lỗi rồi sám hối lẫn nhau theo thứ tự hạ lạp lớn nhỏ. Cách thức xin chỉ tội, sám hối ở cả hai bộ luật không khác biệt.(7) Đó là một tỳ kheo, tỳ kheo ni theo thứ lớp, quỳ trước đại chúng, cầu xin đại chúng nếu thấy, nghe, nghi những gì đối với mình thì cầu xin chỉ bảo để hành trì cho đúng. Nếu có tội thì sẽ thành tâm sám hối. Ba lần thưa thỉnh như vậy. Đó là cách lễ Tự tứ thú tội lẫn nhau ở những nơi có số lượng chúng tăng đông. Nhưng trường hợp trú xứ chỉ có một tỳ kheo thì vị này phải tâm niệm Tự tứ(8), còn các trường hợp trú xứ có từ ba tỳ kheo, tỳ kheo ni trở lên thì được phép yết - ma Tự tứ. Bên cạnh đó, đối với trường hợp tỳ kheo, tỳ kheo ni bị bệnh, vì tình hình sức khỏe mà được gửi ý nguyện, ước muốn Tự tứ, hoặc có thể miễn một số nghi pháp như trật vai áo phải, cởi bỏ giày dép, quỳ gối chắp tay…(9)
Đối với người nhận gửi Tự tứ, cả hai hệ thống luật đều có quy định chung về những trường hợp không được nhận gửi ý muốn, sự đồng tình (gửi ý nguyện, ước muốn) Tự tứ từ người khác. Đó là người sau khi nhận lời truyền trao rồi hoàn tục hoặc tử vong, người phạm giới, người bị loạn trí, người vô căn, kẻ lưỡng căn, người chuyển sang ngoại đạo, người làm thân Phật chảy máu, kẻ giết cha hoặc mẹ, kẻ giết bậc A-la-hán hoặc người làm nhơ Phạm hạnh tỳ kheo, tỳ kheo ni… đều không được nhận gửi ý muốn mà phải chuyển sang cho vị khác.(10)
Cũng thế, nếu trong hội chúng có các trường hợp như trên thì không được tác pháp yết - ma Tự tứ, cả hai hệ thống luật đều ghi nhận chung như thế. Ngoài ra, nếu đang chuẩn bị Tự tứ mà gặp một trong các chướng nạn sau thì được Tự tứ giản lược, vẫn đúng pháp. Đó là nạn vua xâm phạm, nạn lục lâm cướp bóc, nạn hỏa hoạn, nước lụt, dịch bệnh, cường bạo phá rối, các loài phi nhân quấy phá, nạn độc trùng (rắn..) làm trở ngại.(11)
Nếu gặp phải một trong các chướng nạn này, đại chúng có thể làm pháp Tự tứ hai lần hoặc một lần; nếu không được nữa thì mọi người có thể đồng loạt nói Tự tứ ba lần, hoặc hai lần, hoặc một lần. Nếu vẫn không kịp thời gian vì hoàn cảnh không cho phép thì chỉ cần tuyên bố: “Vì có nạn xảy ra cấp bách nên xin tăng chúng giải tán” cũng không sai pháp.
Ngoài ra, nếu gặp phải các trường hợp khác như đại chúng đông mà chỗ trú ngụ chật hẹp, hay có nhiều người đau ốm, không hòa thuận, hay có vị đang luận bàn giáo pháp, giới luật hoặc thuyết pháp đã khuya, sợ không kịp giờ thì được Tự tứ giản lược.(12) Tuy nhiên, nếu tại trú xứ nào mà có số lượng tăng thường trú và tăng vãng lai, đến thời gian Tự tứ, thì chọn ngày thực hành hành sự Tự tứ theo đại chúng có số lượng nhiều hơn. Nếu đại chúng thường trú đông hơn chúng vãng lai thì phải theo chúng thường trú và ngược lại. Nếu số lượng bằng nhau thì chúng vãng lai phải theo chúng thường trú. Đây là điểm tương đồng giữa hai bộ luật.
2. Dị biệt
a. Thời gian
Giữa hai hệ thống luật chỉ dị biệt nhau về thời gian diễn ra Tự tứ. Hay nói cách khác, về thời gian diễn ra lễ Tự tứ, hai truyền thống giới luật có sự khác biệt tương đối rõ ràng. Theo TPL, chư tăng an cư từ ngày 15 hoặc 16 tháng 4 Âm lịch và làm lễ Tự tứ sau đó ba tháng, tức Rằm tháng 7 Âm lịch. Theo LTP, chư tăng an cư vào ngày 16 tháng 6 Âm lịch, và Tự tứ vào ngày Rằm tháng 9 Âm lịch. Song, theo TPL thì chỉ có một lễ Tự tứ diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch, còn LTP thì có hai lễ Tự tứ (Pavāranā) “Này các tỳ kheo, đây là hai lễ Pavāranā: Lễ ngày mười bốn và lễ ngày mười lăm. Này các tỳ kheo, đây là hai lễ Pavāranā.”(13)
Theo đó, thời gian tiền an cư và hậu an cư của hai truyền thống giới luật khác nhau, dẫn đến thời gian Tự tứ cũng khác nhau. Với Theravāda, bậc Đại Sư dạy: “Này các tỳ kheo, đây là hai thời điểm vào mùa (an cư) mưa: Thời điểm trước và thời điểm sau. Thời điểm trước thì nên vào nhằm ngày kế của (ngày trăng tròn) tháng Āsālha, thời điểm sau thì nên vào khi (ngày trăng tròn) tháng Āsālha đã trôi qua một tháng. Này các tỳ kheo, đây là hai thời điểm vào mùa (an cư) mưa.”(14) Còn với truyền thống Dhammaguptaka, thời gian tiền an cư là nhập hạ vào ngày 16 tháng 4 Âm lịch và hậu an cư là từ ngày 17 tháng 4 đến 16 tháng 5 Âm lịch. Nếu gặp những năm có tháng nhuận (gồm tháng 4, hoặc tháng 5, hoặc tháng 6) thì phải dời thời gian nhập hạ sau một tháng, nghĩa là lấy ngày Rằm tháng 7 làm chuẩn, đếm ngược lên đủ ba tháng là đúng pháp.(15)
Chúng ta có thể tóm lược lại thời gian Tự tứ theo hai truyền thống luật như sau:
+ Tứ phần luật:
- Tiền an cư: Nhập hạ vào ngày 16 tháng 4 Âm lịch; Tự tứ vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch.
- Hậu an cư: Nhập hạ vào ngày 16 tháng 6 Âm lịch; Tự tứ vào ngày 15 tháng 8 Âm lịch.
+ Luật tạng Pāli:
- Tiền an cư: Nhập hạ ngày 16 tháng 6 Âm lịch; Tự tứ vào ngày 15 tháng 9 Âm lịch.
- Hậu an cư: Nhập hạ ngày Rằm tháng 7 Âm lịch; Tự tứ ngày 14 tháng 10 Âm lịch.
Tuy nhiên, dù theo hệ thống luật nào đi nữa thì thời gian Tự tứ vẫn là ba tháng so với thời gian an cư. Những vị an cư sau phải ở lại an cư đủ ba tháng mới được phép du hành khỏi trú xứ ấy, kể từ lúc Tự tứ xong, nghĩa là phải đủ ba tháng kể từ ngày nhập hạ.
b. Các chướng nạn (già - nạn)
Bên cạnh đó, hai hệ thống luật tạng đều đề cập đến các chướng nạn trong Tự tứ nhưng mỗi bộ luật đưa ra các chướng nạn không giống nhau. Theođó, LTP đề cập đến 10 điều trở ngại Tự tứ. Đó là nạn vua xâm phạm; nạn lục lâm cướp bóc; nạn hỏa hoạn; nước lụt; dịch bệnh; cường bạo phá rối; các loài phi nhân quấy phá; nạn độc trùng (rắn..), thú dữ; có sự nguy hiểm về thọ mạng; nạn nguy hiểm cho Phạm hạnh. Còn TPL chỉ đề cập đến 8 chướng nạn đầu như LTP, không có hai điều sau (có sự nguy hiểm về thọ mạng; nạn nguy hiểm cho Phạm hạnh). Hay nói cách khác, TPL có tám chướng nạn còn LTP đề cập 10 điều trở ngại.(16)
Sau lễ Tự tứ, mọi người đều tăng trưởng hạ lạp, tức thêm một tuổi đạo. Đây là niềm vui lớn nhất của người xuất gia học đạo. Qua mỗi tự tứ, mỗi hành giả sẽ cảm nhận được năng lực tu học của tự thân. Phước đức tăng trưởng, đạo nghiệp viên dung, đó là ý nghĩa thiêng liêng và cao quý nhất của nghi thức Tự tứ.
Pháp chế Tự tứ, nếu được đại chúng thực hành chí thành, đúng mức, thì đó thật là nguồn năng lực lớn lao để củng cố tinh thần hòa hợp thanh tịnh của Tăng - già; trưởng dưỡng tâm bồ - đề ngày càng lớn mạnh, bền chắc; giúp cho sự nghiệp nhiếp hóa chúng sinh thành tựu viên mãn. Chư vị thiện nam, tín nữ cũng nương nhờ oai đức rộng lớn như biển của đại tăng mà tâm linh thăng tiến; nhờ tu học Phật pháp mà trí tuệ phát triển; nhờ thành tâm tu hạnh bố thí cúng dường mà phước đức sâu dày, duyên lành đối với Phật pháp sẽ kết chặt vững bền mãi mãi về sau.(17)
Tựu trung lại, tỳ kheo, tỳ kheo ni là những người được xem là những tấm gương về đức hạnh nên chúng ta phải luôn luôn soi xét, tự kiểm điểm lại chính mình, khắc phục ngoại ma, nội chướng trong từng giờ từng khắc chứ không phải chỉ phát lồ sám hối, hay nhờ người chỉ lỗi trong lễ Tự tứ. Do đó, Tự tứ trong Phật giáo mang tinh thần trợ duyên, sách tấn lẫn nhau trên đạo lộ học Phật thênh thang. Đây còn là một phương thức nhằm khơi gợi, khuyến khích sự mạnh dạn, can đảm dám nhận lỗi, không che dấu lỗi đã phạm, không e sợ, mặc cảm khi bị chỉ trích hay phê phán bởi người khác; mà ngược lại, dám nhận lỗi và lắng nghe sự chỉ lỗi của người để dần khắc phục, hoàn thiện dần phẩm chất, giới hạnh tự thân, xứng đáng là người xuất gia mang hoài bão “phát túc siêu phương, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.”(18) Từ đó, mỗi một tỳ kheo, tỳ kheo ni nỗ lực vượt qua mọi cám dỗ ngoại cảnh cũng như chiến thắng được chướng ngại nội tâm, tinh cần sống nghiêm túc từng ngày để đạt đến nơi hoàn thiện, giải thoát, đạt được lý tưởng cao đẹp của người con Phật.
Trong bối cảnh thời đại hôm nay, dù xã hội phát triển, nhu cầu vật chất của con người ngày càng lên cao, giá trị tinh thần tâm linh là vấn đề cấp thiết để xây dựng nên mô hình đạo đức hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, Giác ngộ và Giải thoát. Bất kể tỳ kheo, tỳ kheo ni thuộc Thượng Tọa bộ (hành trì Luật tạng Pāli) hay tỳ kheo, tỳ kheo ni theo truyền thống Pháp Tạng bộ (hành trì Tứ phần luật) thì vẫn lấy giới bổn làm gốc, là bước đệm căn bản để tiến tu đạo hạnh. Việc so sánh đối chiếu hệ thống hai bộ luật của hai truyền thừa không phải để tranh biện chỉ ra đúng sai hay nhận định giới luật bên nào khó dễ hơn so với bên nào; mà chỉ đơn giản, việc tìm hiểu, nghiên cứu về hai bộ luật từ hai bộ phái giúp chúng ta có góc nhìn đa diện, khách quan hơn và sâu sắc hơn về mọi mặt của vấn đề. Từ đó, tỳ kheo, tỳ kheo ni hiện tại có thể đúc kết được tính linh hoạt của giới luật ở hai bên, bổ sung cho nhau về mặt ý nghĩa cũng như hành trì sao cho rốt ráo và đầy đủ nhất.
Từ những điểm dị biệt lẫn tương đồng của hai bộ luật, phần nào sẽ giúp chúng ta có cách nhìn khái quát, tổng lược hơn về Luật tạng cả hai dòng truyền thừa. Dẫu hai bộ phái trên lập trường tư tưởng quan điểm có khác nhau nhưng mục đích hướng đến cuộc sống Phạm hạnh thanh tịnh, ngăn ngừa bất thiện pháp, củng cố niềm tin cho hàng cư sĩ tại gia cũng như giúp họ phát sinh tín tâm với Tam bảo... thì hoàn toàn tương đồng nhau. Đây cũng là điểm giống nhau giữa các bộ luật khác. Hay nói đúng hơn, đây chính là mục đích tối hậu cuối cùng mà đức Phật thuyết giới cho chúng đệ tử xuất gia hành trì và gìn giữ.
Tác giả: NCS. TKN Thích nữ Liên Liên
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024
***
* Từ viết tắt:
- LTP: Luật tạng Pāli
- TPL: Tứ phần luật
- HT: Hòa thượng
- TK: Tỳ-kheo
- TKN: Tỳ-kheo-ni
- tr.: trang
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đại phẩm, tập 1, Indacanda dịch, Nxb: Tôn giáo, 2017.
2. Luật Tứ phần, tập 3, HT. Thích Đỗng Minh dịch, Nxb: Phương Đông, 2013.
3. Một số vấn đề giới luật, TK. Thích Phước Sơn, Nxb: Phương Đông, 2006.
4. Luật học tinh yếu, HT. Thích Phước Sơn, Nxb: Phương Đông, 2006.
5. Khuyến phát Bồ-đề tâm văn, HT. Thích Tuyên Hóa dịch, Nxb: Hồng Đức, 2016
CHÚ THÍCH:
(*) Luật tạng Pāli thuộc truyền thống Phật giáo Theravāda, còn gọi là Phật giáo Nam truyền. Tứ phần luật thuộc truyền thống Phật giáo Phát triển, còn gọi là Phật giáo Bắc truyền.
(2) https://giacngo.vn/y-nghia-le-tu-tu-post52977.html. Truy cập 3:12pm, ngày 22.04.2021
(3) Tứ phần luật thuộc Pháp Tạng bộ, có nguồn gốc từ Hóa Địa Bộ (s: Mahīsá̄saka, p: Mahimsāsaka, 化地部), đóng vai trò chủ đạo
ở Trung Á và Trung Quốc. Luật tạng Pāli thuộc Phật giáo Thượng tọa bộ, hay Phật giáo Theravada, là một trong 3 truyền thống lớn của Phật giáo hiện đại. Khởi nguồn từ Ấn Độ, Phật giáo Thượng tọa bộ được hình thành và phát triển đầu tiên ở Sri Lanka, sau đó được truyền bá rộng rãi tại nhiều quốc gia ở vùng Đông Nam Á.
(4) Luật Tứ phần, tập 3, HT. Thích Đỗng Minh dịch, Nxb: Phương Đông, 2013, tr. 1348
(5) Đại phẩm, tập 1, Indacanda dịch, Nxb: Tôn giáo, 2017, tr. 325
(6) Luật Tứ phần, tập 3, HT. Thích Đỗng Minh dịch, Nxb: Phương Đông, 2013, tr. 1351
(7) Xem Luật Tứ phần, tập 3, tr. 1348 - 1351 và Đại phẩm, tập 1, tr. 326 - 329
(8) Tâm niệm Tự tứ, tức là miệng nói, tâm nghĩ: “Hôm nay là ngày Tăng Tự tứ, tôi Tỳ-kheo mỗ giáp thanh tịnh.” Riêng pháp này, một Tỳ-kheo có thể thực hành, riêng Tỳ-kheo-ni thì không thể áp dụng được. Xem Một số vấn đề giới luật, tr. 222
(9) Một số vấn đề giới luật, TK. Thích Phước Sơn, Nxb: Phương Đông, 2006, tr. 226
(10) Xem Đại phẩm, tập 1, Indacanda dịch, Nxb: Tôn giáo, 2017, tr. 327 và Luật Tứ phần, tập 3, HT. Thích Đỗng Minh dịch, Nxb:
Phương Đông, 2013, tr. 1354, 1355
(11) Xem Đại phẩm, tập 1, tr. 328 và Luật Tứ phần, tập 3, tr. 1356
(12) Xem Đại phẩm, tập 1, tr. 365, 366 và Luật Tứ phần, tập 3, tr. 1357 - 1359
(13) Đại phẩm, tập 1, Indacanda dịch, Nxb: Tôn giáo, 2017, tr. 325
(14) Đại phẩm, tr. 276. Cũng theo người dịch tác phẩm này, tháng Āsālha là tháng tính theo âm lịch của Việt Nam, nếu không có tháng nhuận thì thời điểm trước là ngày 16 tháng 6, thời điểm sau là ngày 16 tháng 7. Ở điểm này, học viên nhận thấy có ý không trùng khớp với ở bản dịch, vì bản dịch ghi rõ là “ngày trăng tròn của tháng Āsālha đã trôi qua một tháng.” (Ngày trăng tròn là ngày rằm)
(15) Xem Luật học tinh yếu, HT. Thích Phước Sơn, Nxb: Phương Đông, 2006, tr. 113, 114
(16) Xem Đại phẩm, tập 1, tr. 328 và Luật Tứ phần, tập 3, tr. 1356
(17) https://thuvienhoasen.org/a34545/y-nghia-le-tu-tu. Truy cập 5:14pm, ngày 27/04/2021
(18) Khuyến phát Bồ-đề tâm văn, HT. Thích Tuyên Hóa dịch, Nxb: Hồng Đức, 2016, tr. 13