Chỉ thị nêu rõ: Năm 2025 là năm diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI, Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp và hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng - Dấu mốc đặc biệt để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam.
Cùng với đó, ngành KSND kỷ niệm 65 năm hình thành và phát triển; để tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của Ngành, đạt và vượt các chỉ tiêu nghiệp vụ được giao; Viện trưởng VKSND tối cao phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ngành với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, vượt khó, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025". Trong đó, tập trung thực hiện một số yêu cầu, nhiệm vụ như sau:
1. Các đơn vị trong toàn Ngành tiếp tục thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tích cực hưởng ứng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của cả nước và của Ngành, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả, thành tích cao hơn năm trước. Thi đua phải trở thành mục tiêu, động lực phấn đấu của từng cá nhân và tập thể trong toàn Ngành, thi đua toàn diện, gắn liền với các lĩnh vực công tác và việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm như thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”; đổi mới phương thức lãnh đạo, gắn công tác xây dựng đội ngũ cán bộ với tổ chức bộ máy trong tình hình mới; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, tăng cường kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý tài chính, tài sản công...
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2024. (Ảnh minh họa)
2. Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chủ động lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ cụ thể, tạo chuyển biến thực chất về nhận thức và hành động của cá nhân, tập thể, đơn vị; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện công việc, gắn liền với phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức thi đua, tăng cường kiểm tra, đôn đốc và rút kinh nghiệm kịp thời. Nghiêm cấm bao che hoặc bỏ qua sai phạm của cá nhân vì thành tích của tập thể; tổ chức các cụm, khối thi đua hiệu quả, nhằm tạo động lực thi đua mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác, đoàn kết và học hỏi kinh nghiệm, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.
3. Công tác khen thưởng phải đảm bảo khách quan, thực chất, kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch, trên cơ sở nắm chắc thông tin, đánh giá chính xác, toàn diện kết quả, thành tích. Chú trọng phát hiện, khen thưởng đột xuất các tập thể và cá nhân trực tiếp thực thi nhiệm vụ, có thành tích xuất sắc, nổi trội, có sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, có khả năng nhân rộng. Quan tâm bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đề nghị khen thưởng hình thức cao, góp phần tạo động lực thi đua.
4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động thi đua, khen thưởng của Ngành; Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Cổng thông tin điện tử của VKSND tối cao và các trang thông tin điện tử của các đơn vị trong toàn Ngành tăng thời lượng, mở các chuyên trang, chuyên mục, phối hợp với Vụ Thi đua - Khen thưởng và các đơn vị để trao đổi thông tin, lựa chọn nội dung, kịp thời phổ biến các văn bản về thi đua, khen thưởng, tuyên truyền về kết quả, thành tích trong phong trào thi đua của Ngành, về gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ Kiểm sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và những đóng góp của ngành Kiểm sát đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; tạo khí thế, truyền cảm hứng trong thi đua chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của Ngành và đất nước trong năm 2025.
5. Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngành theo dõi, tham mưu đề xuất lãnh đạo VKSND tối cao trong triển khai các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, chính xác nhằm biểu dương, tôn vinh, tạo động lực cho cán bộ, Kiểm sát viên và tập thể nỗ lực phấn đấu, cống hiến, thi đua xây dựng Ngành và đất nước trong tình hình mới; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thi đua, khen thưởng với nội dung cụ thể, cách thức tổ chức linh hoạt, hiệu quả; tiếp tục chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin để tạo lập, quản lý dữ liệu số về thi đua, khen thưởng.
6. Căn cứ Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp quán triệt kịp thời, đầy đủ tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả, quyết tâm phấn đấu đạt nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của ngành KSND, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước trong năm 2025.
BVPL