Phật giáo nuôi dưỡng bình an nội tâm, hướng đến thế giới hòa bình

Phật giáo nuôi dưỡng bình an nội tâm, hướng đến thế giới hòa bình
một ngày trướcBài gốc
Ban tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 dành trọn vẹn cả ngày hôm nay cho hội thảo quốc tế. Trong đó, diễn đàn chính được tiến hành toàn thể tại hội trường chính với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.
Trong buổi sáng, 5 diễn đàn của hội thảo với hai ban tiếng Anh và tiếng Việt đồng loạt thảo luận phiên thứ nhất. Chủ đề đầu tiên được các diễn giả thảo luận là "Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới".
Phiên tọa đàm với chủ đề Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới diễn ra sáng nay
Tại ban tiếng Việt, mở đầu buổi tọa đàm, Thượng tọa, TS Thích Thiện Hương, ủy viên Ban trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai giới thiệu bài tham luận “Ba thông điệp của Đức Phật - nền tảng xây dựng hòa bình cho thế giới”.
Thượng tọa, TS Thích Thiện Hương dẫn lời Đức Phật cho rằng, nếu loài người vướng vào 3 điều là tham, sân, si sẽ không thể xây dựng được một xã hội tốt đẹp. Con người càng tham, sân, si thì trái đất càng mong manh, dễ vỡ.
“Trong 3 điều này, si là điều đáng sợ nhất. Bởi nó dẫn dắt con người đến những sai lầm, tối tăm, đau khổ, bất hạnh lâu dài. Đó là ngọn nguồn đau khổ của chúng sanh, nhân loại. Hiểu được như vậy, chúng ta phải cố gắng tiêu trừ nó bằng cách hành thiện.
Muốn xây dựng thế giới hòa bình trong tương lai, điều cốt lõi là xây dựng nền tảng con người, xã hội vô tham, vô sân, vô si. Khi đó, mọi người biết đủ, biết chăm sóc gia đình, lợi ích quốc gia, sống chan hòa cùng nhau, cùng bảo vệ trái đất”, Thượng tọa, TS Thích Thiện Hương cho biết.
Khẳng định những giá trị cao đẹp của Phật giáo và những ảnh hưởng tích cực đến con người, xã hội, TS Nguyễn Văn Thanh, ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Dân tộc, tôn giáo và kiều bào MTTQ Việt Nam cho biết, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước.
TS Nguyễn Văn Thanh chia sẻ tại buổi tọa đàm
Do đó, TS Thanh nhấn mạnh việc tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng hòa binh thế giới.
Để làm được điều này, ông kiến nghị GHPGVN cụ thể hóa các giáo huấn của Đức Phật là từ bi và trí tuệ, bao dung và hòa đồng cũng như tư tưởng tiến bộ, thực hiện tư tưởng hòa bình xã hội chống bá quyền, bạo lực, chiến tranh…
Triết lý từ bi có ý nghĩa đặc biệt đối với nền hòa bình thế giới
Góp mặt trong phiên thảo luận buổi sáng, sư cô TS. Thích Nữ Hạnh Đức, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM giới thiệu bài tham luận: "Tịnh độ nhân gian và khả năng kiến tạo hòa bình trong ngữ cảnh Phật giáo đương đại".
Theo sư cô, tịnh độ là sự biểu trưng của các đức tính tốt đẹp của thế giới lý tưởng. Ở đó không có khổ đau, con người đối xử với nhau bằng tâm từ bi, cuộc sống xây dựng trên sự bình đẳng và nâng đỡ cùng tiến bộ.
“Với cách hiểu này, mỗi chúng ta khi thực hành tịnh độ cũng là đang tiến kiến tạo con đường bình an nội tại của mình. Chúng ta thực hành tịnh độ nhân gian không chỉ mang giá trị tâm linh cá nhân mà còn có ý nghĩa xây dựng xã hội thanh bình và môi trường sống bền vững”, sư cô kết luận.
Sau phần thảo luận sôi nổi vào buổi sáng, các diễn giả tiếp tục phiên thứ 2 cùng chủ đề vào đầu giờ chiều.
Mở đầu, hòa thượng Thích Chơn Không, Trưởng Ban Hướng dẫn phật tử Trung ương GHPGVN, Trưởng Ban Hướng dẫn phật tử TPHCM chia sẻ bài tham luận chủ đề “Kiến tạo hòa bình theo tư tưởng Đức Phật”.
Theo hòa thượng Thích Chơn Không, tư tưởng kiến tạo hòa bình của Đức Phật là bài thuốc, là phao cứu sinh cho nhân loại đang chìm đắm trong biển khổ xung đột, loạn lạc.
"Nếu vận dụng tư tưởng kiến tạo hòa bình của Đức Phật vào thế giới ngày nay sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn lao cho toàn nhân loại”, hòa thượng Chơn Không nói.
Cùng nhận định, PGS.TS Bùi Thị Tỉnh, Học viện Chính trị CAND cho rằng triết lý từ bi của Phật giáo có ý nghĩa đặc biệt đối với nền hòa bình thế giới ngày nay.
Theo bà, triết lý từ bi mang đầy đủ các yếu tố, cơ sở, tiền đề để nhân loại giải quyết vấn đề hòa bình trong phạm vi toàn cầu.
Bà khẳng định, muốn xây dụng nền hòa bình thế giới, cần xây dựng hòa bình trong nội tâm mỗi người, dùng tâm từ bi để xử trí mọi vấn đề, mọi mối quan hệ.
Các nhà lãnh đạo cần vận dụng trong quản lý đất nước để ngăn chặn chiến tranh cũng như trị an quốc gia và toàn cầu, từ đó kiến tạo hòa bình vì hạnh phúc, phẩm giá cao quý của con người.
Để phát huy được tinh thần từ bi, PGS.TS Bùi Thị Tỉnh cho rằng, mỗi cá nhân cần tu tập, rèn luyện từ bi, giáo hội các quốc gia cần phát huy vai trò tham mưu chính sách đối với các nhà lãnh đạo, quản trị quốc gia, phổ thông hóa các giá trị đạo đức nhân sinh của Phật giáo đến mọi người dân.
Từ bi, tha thứ
Tham dự buổi tọa đàm, TS Thích Nữ Hằng Liên, giảng viên khoa Triết - Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM chia sẻ bài tham luận với chủ đề: Nuôi dưỡng tâm bình an góp phần cho thế giới hòa bình.
Theo TS Hằng Liên, phát triển lòng từ bi và tha thứ là 2 yếu tố quan trọng để kết nối các mối quan hệ hài hòa và hạnh phúc.
Ni sư chia sẻ: “Đối với tâm lý Phật giáo, tha thứ là chìa khóa của tự do, là con đường dẫn đến an lạc. Vì vậy, hành trì lòng từ bi và tha thứ là cách duy trì tâm an, đồng thời tháo gỡ những rào cản để hòa hợp trong các sinh hoạt cộng đồng và xã hội.
Nhìn chung, nuôi dưỡng tâm an bắt đầu từ mỗi trái tim tỉnh thức: hiểu và thương là giải pháp tích cực không chỉ giúp cá nhân đạt được niềm vui mà còn góp phần tạo dựng thế giới hòa bình, nơi nhân loại chung sống với nhau trong tinh thần tôn trọng, yêu thương, hòa hợp và hạnh phúc”.
Cuối buổi tọa đàm, PGS.TS Lê Công Sự nêu giá trị hiện thời của Phật giáo. Theo ông, hiện nay, Phật giáo trở thành một triết lý sống và đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như: bảo vệ môi trường sinh thái và sự sống muôn loài; Phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình, giải quyết tranh chấp, xung đột bằng biện pháp đàm phán…
PGS.TS Lê Công Sự
Ông nhận định: “Phật giáo góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp của đời sống hiện đại mà trọng tâm là: Thiền định để nâng cao sức khỏe tinh thần, củng cố phát huy hiếu đạo hướng đến gắn kết tình cảm gia đình, đoàn kết bao dung, nhân ái để bảo vệ nhân phẩm con người.
Phật giáo nuôi dưỡng bình an nội tâm hướng đến thế giới hòa bình, bất bạo động, đề cao đạo đức sinh thái hướng đến phát triển bền vững và giảm thiểu khủng bố, bạo lực, tệ nạn xã hội”.
Hà Nguyễn
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/phat-giao-nuoi-duong-binh-an-noi-tam-huong-den-the-gioi-hoa-binh-2398763.html