Theo đó, loài đầu tiên là Ceropegia antoanensis (họ Trúc đào - Apocynaceae), được đặt tên theo địa danh nơi phát hiện. Loài có hình thái hoa độc đáo như chiếc lồng đèn, với cụm hoa dạng chuông, ống tràng hẹp và màu sắc lạ mắt. Mẫu vật được thu thập từ năm 2021, bổ sung năm 2024 và công bố chính thức trên tạp chí Phytotaxa (số 682, tháng 1.2025). Hiện chỉ ghi nhận dưới 10 cá thể trưởng thành, sống gần khu vực đất nông nghiệp, rất dễ bị tác động bởi hoạt động của con người. Do đó rất cần xây dựng các biện pháp bảo tồn khẩn cấp để bảo vệ loài này và môi trường sống.
Loài cây Lồng đèn an toàn (Ceropegia antoanensis). Ảnh: Viện Công nghệ tiên tiến
Còn loài thứ hai là Xanthophytum antoanense (họ Cà phê - Rubiaceae), thuộc chi Hoàng Cành. Loài này nổi bật với lông tơ màu đỏ phủ toàn thân, cụm hoa và lá. Phát hiện trong đợt điều tra đa dạng sinh học năm 2023, loài được công bố trên tạp chí PhytoKeys (số 250, tháng 12.2024). Chi này hiện có khoảng 32 loài phân bố ở khu vực châu Á đến Tây Nam Thái Bình Dương, trong đó có 3 loài hiện diện ở Việt Nam gồm: X. kwangtungense, X. balansae và X. polyanthum.
Loài Xanthophytum thứ tư này được đặt tên là Xanthophytum antoanense dựa theo tên khu vực phát hiện loài. Ảnh: Viện Công nghệ tiên tiến
Theo PGS.TS. Lưu Hồng Trường, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ tiên tiến, hai phát hiện trên không chỉ góp phần bổ sung vào hệ thực vật Việt Nam, mà còn khẳng định giá trị đa dạng sinh học đặc hữu của Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn, nơi đang đóng vai trò kết nối quan trọng trong lang hành lang bảo tồn, đa dạng sinh học nối liền Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai) và Tây Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi).
DUY ĐĂNG